21/08/2016 10:06 GMT+7

“Đoàn thể thao” thứ 208 của Olympic

HUY ĐĂNG (Từ RIO)
HUY ĐĂNG (Từ RIO)

TT - 207 đoàn thể thao, bao gồm 206 quốc gia và đoàn thể thao người tị nạn, đã tạo nên một kỳ Olympic Rio hấp dẫn với những màn tranh tài nghẹt thở. Nhưng bên cạnh đó, có một “đoàn thể thao thứ 208” cũng đã trải qua những cuộc chiến căng thẳng xuyên suốt Olympic bên lề sân đấu - giới truyền thông.

Các phóng viên tranh nhau tác nghiệp trong buổi lễ thượng cờ của đoàn thể thao người tị nạn. Ảnh: H.Đ
Các phóng viên tranh nhau tác nghiệp trong buổi lễ thượng cờ của đoàn thể thao người tị nạn. Ảnh: H.Đ

Bất chấp những lo ngại, nguy cơ về bệnh dịch và an ninh, Olympic Rio 2016 vẫn đón một lượng du khách đáng kể đặt chân đến Brazil, trong đó có đến hơn 32.000 phóng viên (theo thống kê của ban tổ chức) đến từ hàng ngàn tờ báo, hãng tin, đài truyền hình trên khắp thế giới. Khó có một sự kiện nào trên thế giới lại có thể quy tụ được giới truyền thông đông đảo đến như thế. Tất cả tham gia một cuộc chiến: làm thế nào để đưa được thông tin nhanh nhất, nhiều nhất về các cuộc tranh tài, đặc biệt là của đoàn thể thao nước mình.

Nếu như ở trong sân đấu, cuộc đấu của các VĐV tuy quyết liệt nhưng có trật tự, quy củ thì ở bên lề, cuộc cạnh tranh tin tức của phóng viên là một trận “hỗn chiến” thực sự. Quy mô của Olympic quá lớn, giới phóng viên quá đông trong khi sân đấu cũng không lớn hơn là bao so với ở những kỳ SEA Games hay Asiad, và để có được một chỗ đặt chân trước mặt những ngôi sao hàng đầu của Olympic như Usain Bolt, Michael Phelps thôi là một vấn đề cực kỳ khó khăn bởi luôn luôn có hàng trăm phóng viên tại các “điểm nóng” của thế vận hội.

Nhận được sự ưu tiên tất nhiên vẫn là những hãng tin lớn nước ngoài như AFP (Pháp), Reuters (Anh), AP (Mỹ), BBC (Anh), Tân Hoa xã (Trung Quốc) hay Kyodo News (Nhật Bản)… Tòa nhà trung tâm báo chí có 8 tầng được sử dụng thì 7 tầng là dành cho các hãng tin, cơ quan truyền thông lớn này lập những căn phòng riêng. Những hàng ghế tốt trên khán đài, những khu vực chụp ảnh thuận lợi nhất cũng là dành cho họ.

Và đừng tưởng cứ được đến Brazil tác nghiệp là có thể vào sân xem những siêu sao thi đấu miễn phí. Một số môn thi đấu hấp dẫn nhưng do không gian nhà thi đấu không rộng lớn như bơi lội, đêm chung kết chỉ ưu tiên dành cho phóng viên của các quốc gia có VĐV vào đến vòng chung kết. Với việc Ánh Viên lỡ tấm vé vào chung kết trong gang tấc ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân cũng đồng nghĩa các phóng viên VN chúng tôi đành ngậm ngùi ngồi ngoài sân ở đêm thi đấu đó.

Phóng viên VN đến Brazil tác nghiệp có tổng cộng 6 người, thì trong đó đã 3 người là của đài truyền hình quốc gia. 3 phóng viên báo giấy còn lại dù đã đăng ký thẻ phóng viên ảnh (EP) nhưng cuối cùng chỉ được ban tổ chức Olympic cấp thẻ phóng viên viết (E). Điều này đồng nghĩa với việc không được chụp ảnh một cách “chính quy” tại khu vực chụp ảnh, chỉ có thể chụp trên khán đài nhưng cũng không được sử dụng loại máy chuyên dụng của giới chụp ảnh thể thao.

Điều đó tạo nên vô số trở ngại. Chẳng hạn ở khoảnh khắc Hoàng Xuân Vinh vỡ òa trong niềm vui chiến thắng với tấm HCV lịch sử, và sau đó ăn mừng cùng đồng đội trong hậu trường, cánh phóng viên VN chúng tôi như cũng muốn “òa khóc” khi bị ngăn cản không cho ghi hình lại thời khắc lịch sử này. “Anh ấy, VĐV đoạt HCV là một người VN, nhưng không có người VN nào chụp hình cho anh ấy cả, cô không thấy sao? Lý nào lại như vậy?”, tôi lặp đi lặp lại câu nói này với các cô gái tình nguyện viên quản lý nhà thi đấu bắn súng. Và sau một lúc thuyết phục, họ có vẻ cảm thông và “ngoảnh mặt làm ngơ” để tôi được vào khu hậu trường chụp ảnh.

Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi, “đoàn thể thao thứ 208” ở Olympic nhận được đôi chút sự nới lỏng luật lệ nhờ vào tinh thần rộng mở của Olympic.

HUY ĐĂNG (Từ RIO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên