05/01/2015 10:02 GMT+7

​Đổ bỏ sữa vì nuôi bò tự phát

TRẦN MẠNH - MAI VINH
TRẦN MẠNH - MAI VINH

TT - Nhiều hộ nuôi bò sữa tại các tỉnh phía Nam đang phải đối mặt với tình trạng đổ bỏ sữa do nuôi bò tự phát.

Đa số đàn bò sữa ở Lâm Đồng là bò đạt chất lượng có nguồn cung cấp là các công ty sữa - Ảnh: Mai Vinh

Một trong những lý do chính là do các hộ nuôi tự phát, không có hợp đồng bán sữa cho các đơn vị chế biến sữa.

Tại một số nơi như Lâm Đồng, số lượng đàn bò sữa tiếp tục tăng chóng mặt và người nuôi đều không có hợp đồng bán sữa cho các công ty.

Nhờ bán hộ

VN mới chỉ cung cấp được 25-30% nhu cầu sữa nên vẫn cần phát triển đàn bò sữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi khuyến cáo bà con nông dân phải có hợp đồng với các công ty trước khi đầu tư nuôi bò để tránh gặp tình trạng có sữa mà không biết bán đi đâu

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG (cục phó Cục Chăn nuôi)

Một ngày cuối tháng 12-2014, chị Nguyễn Thị Tích Lũy (xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đến một trạm thu mua sữa của Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) trong xã để hỏi bán sữa.

Trước đó hai tháng, khi hai con bò đầu tiên trong số bốn con chị mới đầu tư hơn nửa năm nay cho sữa, chị Lũy đã liên hệ với trạm này thì nhận được câu trả lời công ty chưa có kế hoạch mua sữa của các hộ mới nuôi. Lần này cũng vậy, chủ trạm thu mua cho biết chính sách này vẫn chưa có gì thay đổi.

Thất thểu ra về, chị Lũy cho hay hai con bò còn lại cũng đã chuẩn bị cho sữa nhưng không biết sắp tới sẽ xử lý số sữa dư như thế nào.

Hơn nửa năm trước vợ chồng chị Lũy quyết định vay 200 triệu đồng mua bốn con bò cái về nuôi, đồng thời liên hệ với đại lý thu mua sữa của Công ty FrieslandCampina VN tại địa phương để đăng ký tập huấn kỹ thuật nuôi bò, sau đó ký hợp đồng bán sữa cho công ty.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó công ty này cho biết chưa có kế hoạch ký hợp đồng với các hộ dân nuôi bò mới.

Tới khi hai con bò đẻ cho 40kg sữa mỗi ngày, chị Lũy đành nhờ một người quen trong xã đang có hợp đồng bán sữa bán hộ. Nhưng cách này chỉ được một thời gian, bởi nếu phát hiện chủ hộ bán sữa giúp người ngoài, công ty sẽ cắt hợp đồng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, xã Tân Phú hiện có khoảng 20 hộ mới nuôi bò sữa trong năm 2014 và tất cả đều chưa ký được hợp đồng với các công ty thu mua sữa.

Còn theo ông Trương Văn Tuấn - trưởng trạm thú y Đức Hòa, trong năm vừa qua đã có gần 100 hộ nuôi mới trên địa bàn toàn huyện với tổng số bò nuôi mới trên 500 con, nâng tổng số bò của huyện lên 5.800 con. Do số lượng bò mới vượt quá kế hoạch thu mua sữa của các công ty chế biến sữa nên các trường hợp này đều chưa có hợp đồng.

Để giải quyết tình thế trước mắt, họ phải nhờ những người có hợp đồng với các công ty bán sữa hộ hoặc bán cho các thương lái tại địa phương để chế biến sữa tại chỗ hoặc cho heo con.

Đem đổ bỏ...

Tốc độ đàn bò tăng quá nhanh

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa của các hộ chăn nuôi cá thể tại tỉnh Lâm Đồng khoảng 14.000 con, bằng chỉ tiêu trong quy hoạch đàn bò của tỉnh đến năm 2020. Gần như toàn bộ bò sữa phát sinh trong năm 2014 cho sữa không thể bán được cho các đầu mối lớn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho rằng trong năm 2014 số lượng đàn bò tăng quá nhanh, tăng 72% so với năm 2013. Nông dân nuôi bò chủ yếu tìm cách bán sữa cho các công ty lớn nhưng lại làm theo quy trình ngược. Ông nói: “Lẽ ra phải có hợp đồng với công ty sữa trước rồi đầu tư sau, đằng này nông dân làm ngược lại”.

Bi đát hơn nông dân ở Long An, các hộ nuôi bò sữa tại hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện cũng không biết bán sữa đi đâu, mà không vắt thì sợ chết con bò có giá cả trăm triệu đồng.

Tại xã Tu Tra (Đơn Dương), nhiều nông dân vắt sữa xong chở đi bán dạo cho các điểm chế biến sữa tươi, sữa chua nhỏ lẻ khắp các huyện lân cận.

Ông Nguyễn Đình Tài, một người nuôi bò ở Tu Tra, thở dài: “Mỗi người chỉ mua vài lít sữa nên nhiều khi bán không hết phải đổ”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để đầu tư trang trại nuôi bò với 20 con vào đầu năm 2014. Hiện mỗi ngày bà loay hoay không biết xử lý sao cho hết 150kg sữa tươi.

“Vắt thì lỗ tiền công và cũng không biết bán sữa đi đâu cho hết. Không vắt thì bò chết nên phải vắt để cứu con bò đang cho sữa” - bà Hoa than thở.

Xã Tu Tra là vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng với hơn 2.600 con bò sữa nhưng phân nửa số bò trên thuộc về các hộ chưa có hợp đồng mua bán sữa với các công ty.

Còn theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện mỗi ngày có khoảng 4,5 tấn sữa bò vắt ra không bán được hoặc bán với giá rẻ khoảng 7.000 đồng/kg.

Để bán được sữa với mức giá có lãi là 14.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải có hợp đồng thu mua với những công ty sữa như Vinamilk, Dalat Milk, FrieslandCampina VN.

Nhưng các công ty này cho hay người dân muốn bán sữa cho công ty phải có kế hoạch từ trước chứ không thể cứ mua bò rồi đẩy trách nhiệm cho công ty phải mua sữa.

Phải có kế hoạch

Nông dân lọc sữa bò chuẩn bị chở đi bán dạo - Ảnh: Mai Vinh

Ông Lưu Văn Tân, giám đốc chương trình phát triển ngành sữa của Công ty FrieslandCampina VN, cho biết thông tin công ty không mua sữa hay ký hợp đồng mới với các hộ nuôi bò sữa là không chính xác.

Hiện nguồn sữa bò tăng nhanh nên các bồn chứa tại trạm thu mua đã bị quá tải, công ty phải ưu tiên mua sữa từ các hộ đã ký hợp đồng từ trước.

Để đầu tư nâng cấp hoặc xây mới các bồn chứa sữa cần nhiều thời gian, ít nhất là 4-6 tháng, nên trong thời gian khoảng sáu tháng tới công ty sẽ không ký thêm hợp đồng.

“Sau thời gian trên cũng là thời điểm mà lượng sữa thu hoạch của nông dân giảm theo chu kỳ, FrieslandCampina sẽ tiếp tục ký hợp đồng mua sữa mới cho nông dân” - ông Tân nói.

Theo ông Tân, mặt hàng sữa đòi hỏi yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao nên công ty phải khảo sát chuồng trại, chất lượng đàn bò của nông dân, tổ chức tập huấn cho nông dân cách chăm sóc và giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi ký hợp đồng.

Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Tuấn - trưởng ban đối ngoại Vinamilk - cũng cho rằng thông tin Vinamilk ngưng không ký hợp đồng mới với các nông dân nuôi bò sữa là không chính xác. Về chủ trương công ty vẫn tiếp tục ký hợp đồng với nông dân nhưng phải theo nhu cầu và kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty.

Ông Vương Ngọc Long, giám đốc kỹ thuật Công ty Bò sữa VN (thuộc Vinamilk), cho biết nông dân muốn ký hợp đồng với công ty phải có kế hoạch ngay từ đầu năm để công ty chuẩn bị các công tác đánh giá, kiểm tra và kiểm soát chất lượng sữa. Công ty sẽ không mua sữa bò của nông dân không có hợp đồng trước mà chỉ liên hệ khi bò đã cho sữa.

Theo một chuyên gia ngành sữa, ngoài các lý do trên, một lý do quan trọng dẫn đến đa số công ty chế biến sữa siết chặt việc mua sữa bò tươi của nông dân là do giá sữa tươi mà các công ty VN mua ở mức cao (13.000-14.000 đồng/kg) hơn 40-50% so với giá sữa nguyên liệu thế giới.

“Với mức giá chênh lệch như vậy, các công ty chỉ cần mua đủ lượng sữa tươi để chế biến sữa thanh trùng, tiệt trùng, còn lại họ sẽ nhập khẩu để giảm giá thành” - vị chuyên gia này cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương - cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin nhiều nông dân đầu tư nuôi bò mới ở khu vực phía Nam không bán được sữa.

Theo ông Dương, đây chỉ là tình trạng tạm thời do người dân nuôi tự phát mà không có hợp đồng trước với các công ty dẫn đến cơ sở thu mua sữa tại địa phương của các công ty này bị quá tải không thể mua thêm.

TRẦN MẠNH - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên