25/07/2008 19:28 GMT+7

DN nhỏ và vừa: Tái cấu trúc để thích nghi

Theo THANH NHÂN - Người Lao Động
Theo THANH NHÂN - Người Lao Động

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế và tín dụng, doanh nghiệp phải chủ động vượt khó, tìm lối ra...

5biD0luI.jpgPhóng to
Sản xuất thực phẩm chế biến ở Công ty Việt Hương TP.HCM. Ảnh: T.THẠNH
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế và tín dụng, doanh nghiệp phải chủ động vượt khó, tìm lối ra...

“Lạm phát không ảnh hưởng riêng ai mà chi phối mọi lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa và ngân hàng (NH) bị ảnh hưởng nặng nhất”. Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước VN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, nhìn nhận như vậy tại hội thảo “Lạm phát, các giải pháp kiềm chế lạm phát và hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay” do Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN tổ chức tại TP.HCM vừa qua.

Thiếu và yếu...

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TP.HCM, lo lắng: “Làm kinh tế 20 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy tình hình khó khăn trầm trọng như hiện nay. Lạm phát mới 6 tháng mà DN đã... ngất ngư, nhất là DN nhỏ và vừa vốn được coi là đồng nghĩa với thiếu và yếu (về tài chính, công nghệ, năng lực... trong khi đó cùng lúc lại phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như thiếu điện, thiếu vốn...). Giá xăng tăng đột ngột đầu tuần này càng gây áp lực nặng nề hơn”.

Theo số liệu từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, hiện có khoảng 75% DN “khát” vốn. Đại diện một DN bức xúc: Chúng tôi có dự án khả thi, được NH hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn nhưng cuối cùng khi hồ sơ hoàn tất, NH trả lời rằng không cho vay được. Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT NH Công thương VN, Chủ tịch Hiệp hội NH, cho biết: Lạm phát tăng cao khiến việc huy động vốn của NH cũng gặp nhiều khó khăn. Khoảng hơn 35% lượng tiền mặt không chảy vào NH nên NH không huy động đủ tiền mặt để cho vay mà chỉ đáp ứng được cho các đối tác chiến lược, ưu tiên cho vay phục vụ các lĩnh vực sắt thép, xăng dầu, thuốc chữa bệnh...

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ về cơ bản đúng hướng nhưng cùng một lúc áp dụng quá nhiều biện pháp chặt chẽ lại gây khó khăn cho DN. Hạn chế tín dụng đồng loạt khiến các DN không thể xuất khẩu được. Ngày 21-7, giá xăng tăng 31%. Chúng ta giữ giá xăng ổn định quá lâu, thay vì điều chỉnh dần để người dân thích nghi thì Chính phủ lại điều chỉnh “cái rụp” khiến nhiều DN đánh bắt xa bờ, vận tải và những DN có tỉ suất lợi nhuận thấp như dệt may, da giày sẽ gặp khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Minh ví von: “Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ ngày 1-1-2009 đã gần kề, DN VN chuẩn bị “ra sân” với đội hình vừa bị thẻ đỏ, vừa chấn thương so với đội hình hùng mạnh của nước ngoài vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng... nên DN VN rất có thể bị thua ngay trên sân nhà”.

Chủ động tìm lối ra cho doanh nghiệp

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giá xăng dầu tăng sẽ tác động dây chuyền làm giá vận chuyển, thực phẩm, xi măng, chi phí sản xuất... tăng và khoảng 3 tháng nữa sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Đến cuối tháng 6, lạm phát đã lên đến 25,8%, cao hơn 3,8% so với mức lạm phát dự kiến cả năm 2008.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế cả nước đang có dấu hiệu chậm lại (từ hơn 7% trong quý I còn 6% trong quý II). Nền kinh tế có khá nhiều yếu kém: Bội chi ngân sách cao (5%), thâm hụt thương mại có giảm nhưng với tình hình giá tăng, việc hạn chế thâm hụt thương mại khó đạt được như ý muốn; tình trạng thiếu điện sản xuất kinh doanh v.v... Do đó, DN cần chuẩn bị tích cực để vượt qua khó khăn.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho rằng trước mắt DN phải tự tìm hướng ra (bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách thuế và tín dụng). Ngay bây giờ, DN phải tái cấu trúc, xem trong tình hình này những mặt hàng nào có lãi, có thể duy trì. Cơ cấu lại sản xuất kinh doanh theo tinh thần “đánh nhanh thắng nhanh, đánh chắc thắng chắc”. Giữ quan hệ tốt với khách hàng, nhân viên... để kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ kịp lúc.

Về phía Hội DN TP.HCM, ông Minh kiến nghị NH Nhà nước nên có chính sách ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng để bảo đảm an sinh xã hội... Hơn lúc nào hết, các NH cần bắt tay, giúp DN vượt qua khó khăn.

Cần khơi thông vốn của các hội ngành nghề

Ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP.HCM,có khoảng 30 hội ngành nghề 4.000 hội viên. Nếu tính cả các câu lạc bộ, các ngành hàng thì con số lên đến 100 tổ chức hội. Mỗi hội đều có kinh phí hoạt động huy động từ nhiều nguồn với nguồn vốn nhàn rỗi khoảng vài trăm triệu đồng, cá biệt có những hội có hàng chục tỉ đồng.

Các hiệp hội có vốn nhưng không có nghiệp vụ NH nên không dám thẩm định cho vay. Nếu NH huy động được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi này sẽ giải quyết được phần nào cơn khát vốn cho các DN nhỏ và vừa.

Đ. Nghi

Theo THANH NHÂN - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên