30/11/2016 10:05 GMT+7

Điều “rất suy nghĩ” từ dịch vụ công

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TTO - Phát biểu tại một diễn đàn mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đến nay có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp cung cấp, nhưng có chưa tới 1.200 dịch vụ được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Con số này chưa đạt 1%, theo Phó thủ tướng, là con số “rất đáng suy nghĩ”.

Một dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ cho phép người dân ngồi ở nhà làm hết các thủ tục và nhận kết quả trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.

Hiểu nôm na thế để thấy sự hữu ích mà một dịch vụ công trực tuyến mức độ đầy đủ nhất đem lại, để thấy những gì Tuổi Trẻ ngày 29-11 phản ánh trong bài “Dịch vụ công trực tuyến: Chậm chạp đi vào cuộc sống” cũng là điều “rất đáng suy nghĩ” của người dân, của doanh nghiệp.

Năm ngoái, Chính phủ từng ra một nghị quyết riêng về Chính phủ điện tử, trong đó đánh giá “một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, yếu kém”.

Khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản tới cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm nay một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.

Tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý ban hành danh mục 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2016 và 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để các địa phương thực hiện trong năm 2016.

Đó đều là những dịch vụ thiết thân với mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp như cấp hộ chiếu; cung cấp thông tin và khai báo hộ khẩu, tạm trú, cư trú; cung cấp thông tin và khai báo chứng minh nhân dân; nộp thuế điện tử cho người nộp thuế thực hiện thuế đất đai, lệ phí trước bạ và cho hộ cá nhân; đăng ký kinh doanh; cấp, cấp lại, đổi giấy phép lái xe...

Dẫn những thông tin trên để thấy điều “rất đáng suy nghĩ” của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thật sự là điều các bộ, ngành, địa phương phải suy nghĩ.

Những ai đã trực tiếp đến cơ quan công quyền làm thủ tục về cấp phép, đăng ký đều thấy đó là một hành trình không đơn giản chút nào.

Những thủ tục mà người dân, doanh nghiệp đáng lẽ chỉ phải “đề nghị” nhưng ở nhiều nơi, nhiều trường hợp lại phải “xin”. Đã “xin” thì “cho” hay không “cho”, “cho” sớm hay “cho” muộn là quyền của người thụ lý hồ sơ.

Đã đến lúc không thể chậm trễ việc đưa dịch vụ công lên mạng ở mức độ cao nhất. Nó không chỉ giúp tăng công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giảm nhũng nhiễu ở đội ngũ thi hành công vụ, mà còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tạo thuận tiện cho người dân, cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo mà việc phục vụ nhân dân phải xuống tới tận địa phương, không chỉ dừng ở cấp trung ương.

Để phục vụ nhân dân tốt hơn, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ là phương tiện hữu hiệu nhất.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên