05/12/2018 10:50 GMT+7

Điều chỉnh thi THPT quốc gia 2019: chuyên gia nói gì?

VĨNH HÀ - H.HG. - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - H.HG. - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ

TTO - Những điểm mới nhất liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa được Bộ GD-ĐT công bố đều liên quan tới giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo kết quả thi khách quan, trung thực.

Điều chỉnh thi THPT quốc gia 2019: chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Trong kỳ chấm thi ĐH năm 2016, tại hội đồng chấm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã được giám sát chặt chẽ ở tất cả các phòng chấm thi bằng camera được gắn từng phòng - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra sau những lùm xùm quanh chuyện gian lận, tiêu cực ở kỳ thi THPT quốc gia 2018, được xem là sẽ giúp khắc phục những bất cập đã bộc lộ trước đó.

Phải quy định cụ thể và chế tài nghiêm khắc

Thầy Đoàn Hồng Hà - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - cho rằng Bộ GD-ĐT đã có nỗ lực cải tiến nhằm đảm bảo sự an toàn, khách quan và công bằng cho kỳ thi. Tuy nhiên, quy chế có chặt chẽ đến đâu, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.

Kỳ thi năm 2019 cần lựa chọn những người có đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao và đặc biệt phải là người cương trực, không thỏa hiệp với những sức ép từ xung quanh... để làm nhiệm vụ liên quan đến thi cử.

Thầy Hà cho biết cũng rất trông đợi đề thi minh họa cùng những thông tin cụ thể về nội dung đề thi. Kiến thức chủ yếu là chương trình lớp 12 và có đưa vào kiến thức chương trình lớp 10 và lớp 11 hay không, nếu có thì tỉ lệ như thế nào?

Thầy Hà đề xuất bộ nên cân nhắc tỉ lệ kiến thức của chương trình lớp 10 và lớp 11 trong đề thi vì thực ra chương trình lớp 12 hiện rất nặng đối với học sinh.

Cùng quan điểm, GS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nói: "Việc chuyển chủ trì chấm trắc nghiệm cho trường ĐH, rồi thêm "đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh... cho thấy Bộ GD-ĐT đang tìm mọi cách ngăn chặn những người "cầm cân nảy mực" lần tìm ra đầu mối thí sinh thân quen để "nâng đỡ".

Việc bắt buộc lắp camera cũng cho thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc giám sát, tăng cường sự minh bạch của các khâu tổ chức thi. Nhưng xét đến cùng, dù có sử dụng công nghệ hiện đại đến đâu thì điều mấu chốt giúp kỳ thi an toàn, tin cậy vẫn là con người - những người vận hành công nghệ ấy.

Do đó, các trường ĐH cũng như các sở GD-ĐT phải lựa chọn, tập huấn được đội ngũ tham gia kỳ thi thực sự có trách nhiệm và chuyên môn, chứ không phải chỉ sắp xếp cho có, cho đủ là xong.

Để nâng cao trách nhiệm các cá nhân thì bên cạnh các giải pháp trên, Bộ GD-ĐT cần có những quy định cụ thể hơn, có những barem xử phạt rõ ràng đối với những người vi phạm. Có quy định cụ thể, có chế tài nghiêm khắc mới đảm bảo chấn chỉnh ý thức, kỷ cương cho kỳ thi quốc gia quan trọng".

Cần cải tiến khâu bảo quản bài thi, in sao đề thi

Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng với những gian lận, tiêu cực khủng khiếp ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 thì việc điều chỉnh tổ chức thi theo hướng sai đâu sửa đó sẽ giúp kịp thời khắc phục những bất cập đã bộc lộ.

Việc lắp camera ở tất cả các phòng thi sẽ rất tốn kém, nên phương án lắp camera ở các phòng chấm thi, bảo quản bài thi là vừa sức. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, khâu trọng yếu nhất, tiềm tàng những nguy cơ xảy ra gian lận không chỉ dừng ở khâu chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang tổng lực sửa chữa.

"Ví dụ việc in sao đề thi vẫn thực hiện ở địa phương thì quy trình có cần cải tiến gì không? Theo tôi, việc bảo quản bài thi, in sao đề thi rất cần được quan tâm xứng đáng, cần giám sát chặt chẽ, phù hợp và an toàn", ông đề nghị.

Còn theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, xét cho cùng, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức hằng năm vẫn là chuẩn mực và đáng tin cậy nếu quản lý tốt khâu chấm thi.

"Tôi cho rằng với kỳ thi quốc gia này Bộ GD-ĐT không nên thay đổi liên tục mỗi năm, rất khổ cho học sinh, chỉ cần điều chỉnh những điểm chưa tốt và giữ ổn định kỳ thi.

Trước đây, chúng tôi từng có ý kiến về khâu chấm thi trong kỳ thi này nên giao cho các trường ĐH. Các trường ĐH sẽ nhận bài về chấm chắc chắn sẽ không xảy ra tiêu cực. Việc này trước đây các trường ĐH đã làm rất tốt", ông nói.

Công bố đề thi minh họa sớm

Khẳng định với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh cho biết Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa (tham khảo) sớm hơn so với các năm trước để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh tổ chức ôn tập.

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng đề thi THPT quốc gia năm 2018 quá khó không phù hợp với mục đích của kỳ thi. Về điều này, ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết bộ sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh để đề thi phù hợp hơn.

Kỳ thi năm 2019 sẽ vẫn có 5 bài thi: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử - địa lý - giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý - hóa học - sinh học). Trừ bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại đều thi trắc nghiệm. Phòng thi có 24 thí sinh, mỗi em một mã đề.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 khác 2018 ra sao? Kỳ thi THPT quốc gia 2019 khác 2018 ra sao?

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tin chính thức về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với nhiều điều chỉnh so với năm 2018.

VĨNH HÀ - H.HG. - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên