02/01/2016 10:14 GMT+7

Điện ảnh Việt chờ cột mốc 200 tỉ doanh thu

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TT - Ngày cuối cùng của năm 2015, Hãng CJ CGV công bố số doanh thu của Em là bà nội của anh đạt mức 66 tỉ đồng với 900.000 lượt người xem tại Việt Nam.

Hai vai diễn trong phim Em là bà nội của anh - Ảnh: Poly
Hai vai diễn trong phim Em là bà nội của anh - Ảnh: Poly

Đây cũng là một trong hai bộ phim chiến thắng được Star wars trên sân nhà (phim còn lại là Himalayas của Hàn Quốc).

Trong dịp lễ đón năm mới, Em là bà nội của anh chắc chắn sẽ vượt cột mốc 1 triệu lượt người xem, để trở thành bộ phim thứ hai của điện ảnh Việt sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt được cột mốc đáng mơ ước này trong năm nay.

Sáu năm trước, không ai dám nghĩ thị trường khiêm tốn này sẽ đạt mốc doanh thu 100 tỉ đồng cho một bộ phim, nhưng điều đó đã xảy ra nhanh hơn mong đợi

Một vòng nhìn ngắm gần xa

Dù ở sân nhà phim Việt đè bẹp được “bom tấn” ăn khách nhất mọi thời đại Star wars, nhưng chỉ riêng các suất chiếu sneak show (các suất chiếu trước ngày công chiếu chính thức) vào tối thứ năm tại Bắc Mỹ, Star wars: the force awakens đã thu được 57 triệu USD.

Tức chỉ riêng các suất chiếu trong một buổi tối của bộ phim bom tấn này đã có doanh thu cao hơn thị trường điện ảnh Việt thu được trong một năm!

Tờ Los Angeles Times còn giật tít hào hứng trên số báo ra cuối năm: “40 tỉ USD từ các phòng vé khắp toàn cầu, cảm ơn Star wars và... Trung Quốc!”. Tại sao lại phải cảm ơn Star wars và Trung Quốc? Bởi chỉ có Star wars mới tạo nên một hiện tượng văn hóa đại chúng mang tính toàn cầu, kích thích khán giả nô nức đến rạp và lập kỷ lục đạt doanh thu 1 tỉ USD chỉ sau 10 ngày, điều chưa từng có trong lịch sử. Star wars cũng giúp thị trường điện ảnh Mỹ đạt kỷ lục doanh thu mới cho năm 2015: vượt 11 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014.

Vậy còn Trung Quốc? Đây đang là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thị trường này sẽ vượt Bắc Mỹ trong năm năm nữa. Năm 2015, doanh thu từ thị trường điện ảnh Trung Quốc tăng gần 50%, đạt con số 6,8 tỉ USD. Số lượng rạp chiếu cũng tăng kỷ lục, lên đến 32.000 rạp khắp thị trường hơn 1,3 tỉ dân này.

Dù bộ phim ăn khách nhất của năm vẫn thuộc về một bộ phim nhập khẩu của Hollywood (Furious 7, với gần 400 triệu USD tại Trung Quốc, cao hơn cả Bắc Mỹ), nhưng điện ảnh Trung Quốc đã bắt đầu có những phim bom tấn ngang tầm, với ba bộ phim nội địa làm mưa làm gió trong năm nay là Monster hunt (Truy lùng quái yêu), Lost in Hong Kong (Lạc lối ở Hong Kong) và bộ phim mới ra mắt Mojin: The lost legend (Kẻ trộm mộ) với mức doanh thu 250-380 triệu USD (cả ba phim này đều đã và sắp chiếu tại Việt Nam).

Chẳng nên so sánh thị trường điện ảnh Việt với hai thị trường khổng lồ này! Nhưng thử nhìn ra “phố” với các thị trường trong khu vực, nơi giá vé xem phim của Việt Nam khá tương đồng, chúng ta sẽ thấy vài con số đáng để biết người biết ta.

Hàn Quốc chưa đến 50 triệu dân, nhưng trong vài năm gần đây có khoảng 50 bộ phim mỗi năm có lượng người xem từ 1 triệu lượt trở lên. Số phim đạt mốc 10 triệu lượt người xem ở Hàn Quốc cũng kể không hết. Với thị trường 23 triệu dân của Đài Loan, bộ phim nội địa ăn khách nhất năm nay của họ là Our times (Cinema chủ nhật, Tuổi Trẻ ngày 20-12), mức doanh thu đạt 17 triệu USD.

Một thị trường khá tương đồng với Việt Nam là Thái Lan (khoảng 60 triệu dân), hai năm gần đây hai phim nội địa của họ đều dẫn đầu với mức doanh thu trên 15 triệu USD. Ngay cả những thị trường nhỏ hơn nhiều như Singapore với hơn 4 triệu dân, Hong Kong với 7 triệu dân... doanh thu từ thị trường điện ảnh của họ cũng cao hơn thị trường Việt Nam nhiều lần.

Điện ảnh Việt: chờ đợi cột mốc 200 tỉ doanh thu

Giá vé xem phim ở Việt Nam hiện nay không kém là bao, nếu không nói là ngang bằng thị trường điện ảnh các nước trong khu vực. Và điện ảnh là một bộ môn giải trí đại chúng có sức hút hơn bao giờ hết. Nhưng thị trường điện ảnh Việt, dù nằm trong tốp các thị trường tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới, vẫn còn rất nhỏ so với các thị trường điện ảnh khu vực.

Với các tín hiệu tích cực từ những bộ phim đầu tay của các đạo diễn trẻ, báo hiệu một thế hệ làm phim mới, thị trường điện ảnh Việt còn rất nhiều tiềm năng và các cột mốc kỷ lục sẽ bị phá nhanh chóng, nhất là với tốc độ rạp chiếu được xây dựng nhanh như hiện nay.

Sáu năm trước, bộ phim ăn khách nhất của năm là Giải cứu thần chết (2009) đạt mốc 20 tỉ đồng, hai năm sau đó con số doanh thu này tăng lên gấp đôi với Long ruồi (2011) đạt 42 tỉ đồng. Năm 2013, doanh số tiếp tục tăng lên mức 80 tỉ đồng cho Tèo em.

Năm 2014, kỷ lục một lần nữa được thiết lập bởi Charlie Nguyễn với Để Mai tính 2, lần đầu tiên phá mốc 100 tỉ đồng, cùng hai phim khác đạt doanh thu 70-80 tỉ đồng là Chàng trai năm ấyQuả tim máu.

Đến năm 2015, lần đầu tiên trong suốt sáu năm, hai bộ phim ăn khách nhất của năm đều không thuộc thể loại hài, hoặc hài nhảm như kỷ lục của các năm gần đây, mà thuộc về hai bộ phim mang hơi hướng hoài cổ là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhEm là bà nội của anh.

Điều đó chứng tỏ sau nhiều năm khán giả Việt đến rạp chiếu để cười, để xem một bộ phim như một sô tấu hài của các ngôi sao là chủ yếu, thì năm nay họ nô nức đến rạp để tìm lại hồi ức tuổi thơ, cùng khóc cùng cười với những hoài niệm của nhân vật và ra về với nhiều cảm xúc đọng lại.

Với tốc độ tăng trưởng của rạp chiếu và số lượng các bộ phim nội địa được sản xuất mỗi năm tăng nhanh chóng (riêng trong năm 2015 là khoảng 40 bộ phim Việt lần lượt ra rạp), kỷ lục của thị trường điện ảnh Việt chắc chắn còn bị phá vỡ mỗi năm bởi các tên tuổi mới.

Sáu năm trước, không ai dám nghĩ thị trường khiêm tốn này sẽ đạt mốc doanh thu 100 tỉ đồng cho một bộ phim nhưng điều đó đã xảy ra nhanh hơn mong đợi. Giờ là lúc điện ảnh Việt nên chờ đợi cột mốc mới: 200 tỉ đồng cho một bộ phim Việt.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay cùng chất lượng được cải thiện dần mỗi năm, có hi vọng để tin rằng kỷ lục này sẽ được thiết lập trong 3-5 năm tới. Tất nhiên, với một thị trường 90 triệu dân, con số doanh thu đó vẫn còn rất nhỏ.

Đây là thời của các nhà làm phim. Nhưng hãy nhớ, họ phải là những nhà làm phim có khả năng chạm được vào cảm xúc của số đông khán giả (chứ không chỉ là tiếng cười sinh học) như trường hợp của hai bộ phim lập kỷ lục năm nay!

Doanh thu từ phòng vé cũng có những tăng trưởng đột phá với một bộ phim đã cán mốc 80 tỉ đồng và bộ phim kia sắp chạm tới con số này, dù cả hai đều không phải phim hài. Những con số này lớn không? Lớn, rất lớn nếu so “trong nhà” với chính điện ảnh Việt cách đây năm, sáu năm, nhưng thật ra vẫn còn rất nhỏ nếu so với tiềm năng của một thị trường 90 triệu dân.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên