Điện ảnh Trung Đông - Những tiếng nói được ngụy trang

VĨNH QUYỀN 08/01/2017 06:01 GMT+7

TTO - Khúc dạo Oscar 2017 bắt đầu xôn xao với những cái tên ứng viên sáng giá. Hạng mục phim tiếng nước ngoài hay nhất một lần nữa có đại diện (được dự báo) đến từ nền điện ảnh trầm mặc Trung Đông..

Taraneh Alidoosti - nữ diễn viên trong phim The salesman-IMDB
Taraneh Alidoosti - nữ diễn viên trong phim The salesman-IMDB

Đó là phim The Salesman (Người bán hàng) của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, người từng nhận tượng vàng Oscar 2012 và 60 giải thưởng khác tại các liên hoan phim quốc tế với A Separation (Cuộc phân ly).

Thật ra từ đầu thập niên 1990, giới phê bình điện ảnh thế giới đã “phát hiện” nhiều bộ phim đặc sắc của các quốc gia Trung Đông như Iran, Israel, Palestine, Ai Cập, Libăng..

Tấm mạng được vén lên

Nhưng theo nhà báo Janelle Brown, người Mỹ của cô chỉ thật sự giật mình muốn hiểu thế giới Trung Đông bí ẩn từ sau sự kiện kinh hoàng 11-9. Những người Hồi giáo mặc áo choàng, mang mạng che mặt bên kia nửa vòng Trái đất là ai, sống như thế nào, nghĩ gì, tại sao họ ghét Mỹ?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng phần lớn vẫn chưa được trả lời đầy đủ và chính xác, bất chấp Christiane Amanpour ra rả hàng giờ, hằng ngày về tình hình Trung Đông trên CNN, và cả cái sự quá tải thông tin qua vô số kênh truyền thông khác, bởi tất cả hầu như không mang lại hiểu biết về nội tại cuộc sống trong thế giới bất ổn vốn đã kín đáo, bí ẩn ở Trung Đông. “Chúng ta thiếu những câu chuyện” - nhà báo kết luận.

Janelle đề xuất một nguồn tin về con người, đời sống, văn hóa và lịch sử của Trung Đông với hình thức trực tiếp và sinh động nhất có thể: điện ảnh. Những bộ phim Trung Đông thấm đẫm tính nhân văn, minh triết, kể cả đau đớn và đáng sợ đã vén lên tấm mạng đen ngăn cách và ngăn chặn thế giới bên ngoài.

Cảnh phim Taxi, đạo diễn Jafar Panahi, Iran
Cảnh phim Taxi, đạo diễn Jafar Panahi, Iran

Những bộ phim như thế cho thấy điều gì? Con người trên hành tinh không ngày nào không xảy ra bắn giết lẫn nhau vì khác màu da, tôn giáo, chính kiến... này có rất nhiều điểm tương đồng về tình yêu, hạnh phúc, và nhất là khổ đau. Tiếng khóc của bà mẹ mất con vì chiến tranh cất lên trong đêm sâu thì ở đâu và lúc nào cũng chỉ là một.

Không tính đến hoàn cảnh khó khăn kinh phí và thiếu thốn kỹ thuật hiện đại thì tình hình chính trị và đặc thù tôn giáo đã luôn đẩy điện ảnh khu vực Trung Đông vào thế kìm nén ngột ngạt. Nặng nề nhất là Iran với luật kiểm duyệt nghiêm ngặt từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Ngoài vùng cấm chính kiến, người làm phim bị tước bỏ các yếu tố có sức hút khán giả như tình dục, bạo lực, rượu. Các nữ diễn viên phải luôn xuất hiện trong trang phục truyền thống kín đáo và trong phim tuyệt đối không có cảnh tình tứ nam nữ dù chỉ thể hiện bằng cái nắm tay âu yếm.

Nhưng hiệu ứng nghịch đã xảy ra ở đây. Trả lời phỏng vấn CNN, Hamid Dabashi - giáo sư nghiên cứu về Iran tại Đại học Columbia - cho rằng các nhà làm phim Iran đã thích ứng một cách sáng tạo trong môi trường như vậy.

Cảnh phim Goodbye, đạo diễn Mohammad Rasoulof, Iran
Cảnh phim Goodbye, đạo diễn Mohammad Rasoulof, Iran

Họ chọn bối cảnh tự nhiên để giảm chi phí, vận dụng nghệ thuật tự sự ẩn dụ để nói được nhiều điều hơn những gì trình bày trong phim, trau chuốt ngôn ngữ điện ảnh tối đa để truyền dòng chảy ngầm của bộ phim đến khán giả.

Nhưng không phải lúc nào tiếng nói ẩn dụ cũng có thể bảo vệ họ. Đạo diễn Bahman Ghobadi được vinh danh tại Cannes 2009 với phim No One Knows About Persian Cats đã bị bắt khi trở về nước. A Taste of Cherry The Wind Will Carry Us, hai bộ phim được giới điện ảnh quốc tế đánh giá cao của Abbas Kiarostami bị cấm chiếu tại Iran...

Ấn tượng nhất là trường hợp phản kháng của Jafar Panahi, đạo diễn vào tù hai lần và nhiều phim bị cấm chiếu. Ngoài ra, tòa án tuyên Jafar Panahi không được làm phim 20 năm kể từ tháng 12-2010.

Nhưng trong vòng mười ngày của tháng 3-2011, chỉ vỏn vẹn 3.200 euro chi phí, với một máy quay kỹ thuật số cầm tay - đôi khi dùng iPhone, cùng sự cộng tác của đạo diễn Mojtaba Mirtahmasb, Panahi đã “quay” một bộ phim truyện - tư liệu (docu-fiction) có cái tên như một phép ngụy trang đầy khiêu khích với lệnh cấm: This is not a film/ Đây không phải là phim.

Cháu gái Hana Saeidi đại diện đạo diễn Japar Panahi nhận Giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2015
Cháu gái Hana Saeidi đại diện đạo diễn Japar Panahi nhận Giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 2015

Tháng 9 năm ấy, phim được lưu vào một USB, giấu trong chiếc bánh sinh nhật, vợ và con gái đạo diễn lặng lẽ đưa sang Pháp, ra mắt tại buổi chiếu đặc biệt của Liên hoan phim Cannes. Một số nhà phê bình và nhà báo gặp nhau trong nhận định ngắn gọn: làm mới điện ảnh là đây! Năm sau, phim được xếp vào danh sách 100 phim tư liệu hàng đầu của Viện hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ.

Đầu tháng 2-2015, Liên hoan phim Berlin bất ngờ công chiếu phim Taxi của Jafar Panahi và trao giải cao nhất: Gấu vàng. Đạo diễn chấp hành án không rời nơi cư trú, vì vậy cô cháu 10 tuổi, người tham gia bộ phim, đại diện ông nhận giải.

Panahi hành nghề taxi, những góc phố Teheran đủ hạng người và số phận, hành khách dọc đường với những mẩu chuyện bật ra cho nhẹ lòng hoặc những đôi mắt u trầm lặng lẽ, và cả cô cháu gái ngây thơ liến thoắng mà ông có nhiệm vụ đưa đón đến trường..., tất cả là chất liệu phim.

Taxi, bằng nghệ thuật thứ bảy đã vén tấm mạng đen đặc trưng để cuộc sống muôn màu của thủ đô Iran hiện ra rực rỡ với cả những góc khuất tổn thương của nó.

Gió chẳng thể mang đi...

Nếu Japar Panahi chinh phục giới nghiên cứu và người hâm mộ điện ảnh vì cuộc đấu tranh không ngang sức giữa sáng tạo và quyền bính thì Abbas Kiarostami quyến rũ họ bởi quá trình quan sát và khám phá vẻ đẹp vĩnh cửu của mối bất hòa - hay đơn giản chỉ là cuộc bàn giao - giữa sự sống và cái chết.

Nhân vật và bối cảnh trong phim Kiarostami đặc thù Iran, nhưng xem xong mỗi bộ phim của ông, khán giả dần nhận ra có một bộ phim khác dành cho họ chiêm nghiệm, trong đó các vấn đề đặt ra gần gũi với thế giới ngoài Iran: tình yêu và hi vọng. Abbas Kiarostami nói nhiều về giá trị sự sống trong lần trả lời phỏng vấn của Đại học Indiana (Mỹ) trước khi ông qua đời vào đầu tháng 7-2016.

Được hỏi liệu di sản của ông sẽ là điện ảnh, hội họa hay thơ, Kiarostami mỉm cười: “Mối quan tâm hàng đầu và niềm vui của tôi lúc này dành cho sự tồn tại của bản thân, của người khác và thế giới xung quanh hơn là những gì mình sẽ để lại sau khi mất, một dạng “tồn tại” khác”.

A. O. Scott, cây bút chuyên mục phê bình điện ảnh của The New York Times có lý khi khuyên những ai không có nhiều thời gian thì chỉ cần xem The Wind Will Carry Us của Kiarostami để hiểu tinh túy điện ảnh Trung Đông.

Cảnh phim The Wind Will Carry Us, đạo diễn Abbas Kiarostami, Iran
Cảnh phim The Wind Will Carry Us, đạo diễn Abbas Kiarostami, Iran

Dù Kiarostami cho biết trong thời gian chờ kinh phí cho phim tiếp theo, trung bình là hai năm, ông thường làm thơ, chán thơ thì vẽ, chán vẽ thì lang thang khắp nơi chụp ảnh nghệ thuật.

Nhưng nếu ai đã đọc thơ ông, xem tranh và ảnh của ông thì sẽ thấy tất cả, kể cả những chuyến lang thang, là quá trình chuẩn bị công phu từ ý tứ, hình ảnh đến bối cảnh cho phim mới.

Bởi vậy trong phim ông, tiêu biểu là The Wind Will Carry Us khán giả được thưởng thức vẻ đẹp từng khuôn hình và lĩnh hội chất thơ Ba Tư trầm mặc ẩn khuất trong mẩu xương khô người chết hoặc bay theo gió bụi cất tiếng reo hoang trên đồng ngô vàng dậy sóng mênh mông.

The Wind Will Carry Us là một trong những bộ phim hiếm hoi khiến giới nhà văn nghĩ về nghề mình. Có lẽ do phim như một thiên truyện ngắn bậc thầy nghệ thuật tối giản:

Chiếc ôtô SUV cũ kỹ tìm đến khu vực hẻo lánh của người Kurd. Cậu bé Farzad được người cậu - là kẻ đưa tin cho đoàn - phân công đón khách vào làng và hướng dẫn các thứ. Xe chạy trên đường đất quanh co đồi núi thưa thớt cây ô liu.

Bụi mù, động cơ và những câu trao đổi không đầu cuối của ba người đàn ông trong xe khuấy động một góc tịch mịch. Làng vài chục nóc chồng chéo lên nhau, tạc hẳn vào vách núi đỏ, phía trước nhô ra khoảng không cheo leo đón mặt trời, tạo thành mảng sáng tối lập thể trập trùng như tranh trừu tượng.

Phim không cho biết đoàn người từ Teheran là ai, đến để làm gì, thậm chí hai trong số họ ngoài dăm câu thoại vẳng nghe từ trong cabin xe và trong phòng trọ, đã không lộ diện suốt bộ phim. Trưởng đoàn Behzad được dân làng thân mật gọi “kỹ sư” vì họ nghe đâu đoàn đến để khảo sát kho báu...

Qua hành vi của Behzad, phim dần tiết lộ thật ra đây là nhóm làm phim tư liệu, được thuê “mật phục” chờ quay lén (vì không được dân làng chấp nhận) cảnh lễ tang cổ truyền của người Kurd, khi bà Malek trên trăm tuổi - cũng là ngoại của cậu bé Farzad - qua đời. Behzad thông qua Farzad ngây thơ và tốt bụng để theo dõi sát tình hình sức khỏe bà Malek.

Kế hoạch xấu đi vì bà không chết “trong vài ngày nữa” như dự báo của người đưa tin. Vì Farzad bắt đầu nhận ra người cậu kính trọng và tin cậy đang lợi dụng mình. Và vì hai đồng nghiệp của Behzad chán nản bỏ việc khi cuộc “mật phục” bước vào tuần thứ ba.

Trong khi đó, hằng ngày Behzad phải phóng xe lên đỉnh đồi cao, nghĩa trang của làng, cũng là nơi có sóng điện thoại, báo cáo tình hình và nghe những lời thúc ép hoàn thành nhiệm vụ của chủ thuê. Đến lúc Behzad chấp nhận thất bại, toan lên xe rời khỏi làng thì tiếng khóc than trỗi lên, báo hiệu bà Malek qua đời.

dien anh trung dong

Và Behzad cũng nghe cả tiếng khóc của em bé mới chào đời hôm trước của cô chủ nhà trọ. Dù đã xấu hổ bởi ánh mắt phê phán của cậu bé người Kurd vì những dối trá, đã bất ngờ trước thái độ khước từ của cô gái quê trước lời dụ tình, đã thấy những gì mình đang thực hiện khác nào loài kền kền chực chờ con mồi sắp chết, đã nhận ra giá trị sự sống của mọi sinh linh dưới ánh mặt trời...

Behzad với thói quen nghề nghiệp đã chớp thời cơ thực hiện bộ ảnh tư liệu quý về lễ tang truyền thống được cho là sẽ không tồn tại nữa. Nhưng dẫu sao, một Behzad mờ ám thâm nhập vào làng đã thanh thản rời đi với ánh mắt trầm tư về hành trình lụi tàn và nảy lộc không ngừng đi tới.

Trong hầm tối với cô gái người Kurd đang vắt sữa cho anh, Behzad đã đọc bài thơ của nữ thi sĩ Iran đương đại Forough Farrokhzad, mượn lời thôi thúc cô hãy cùng anh nếm vị tình yêu bởi chẳng bao lâu “gió sẽ mang chúng ta đi”.

Cũng là câu thơ Abbas Kiarostami dùng làm tên cho bộ phim. Ngẫm lại, với những gì đã nhận được từ The Wind Will Carry Us, từ nghệ thuật ẩn dụ của điện ảnh Trung Đông, có thể ngờ rằng Abbas Kiarostami thật ra muốn nói có những giá trị gió chẳng thể mang đi...

Cảnh phim Kite, đạo diễn Randa Chahal, Libăng
Cảnh phim Kite, đạo diễn Randa Chahal, Libăng

Hơn 20 năm trước, khi giới phê bình điện ảnh Hollywood còn chưa để mắt đến nền điện ảnh Trung Đông vốn bị coi là “lạc hậu” thì các liên hoan phim hàng đầu châu Âu như Cannes, Venice bị thuyết phục bởi “những kẻ làm mới nghệ thuật thứ bảy”.

Liên hoan phim Cannes lần lượt gọi tên các đạo diễn Jafar Panahi (Iran - phim The White Balloon/ Bong bóng trắng, 1995 - phim Crimson Gold/ Vàng đỏ, 2003); Abbas Kiarostami (Iran - phim A Taste of Cherry/ Hương vị anh đào, 1997); Atiq Rahini (Afganistan - phim Earth and Ashes/ Đất và tro bụi, 2004); Keren Yadaya (Israel - phim Or/ Vàng, 2004); Eran Kolirin (Israel - phim The Band’s Visit/ Chuyến thăm của dàn quân nhạc, 2007); Bahman Ghobadi (Iran gốc Kurd - phim No One Knows About Persian Cats/ Chẳng ai biết gì về những con mèo Ba Tư, 2009); Mohammad Rasoulof (Iran - phim Goodbye/ Tạm biệt, 2011)...

Và Liên hoan phim Venice vinh danh các đạo diễn Abbas Kiarostami (Iran - phim The Wind Will Carry Us/ Gió sẽ mang chúng ta đi, 1999), Jafar Panahi (Iran - phim The Circle/ Vòng tròn, 2000); Randa Chahal (Libăng - phim The Kite/ Cánh diều, 2003); Samuel Maoz (Israel - phim Lebanon/ Libăng, 2009)...

Năm 2012, điện ảnh Trung Đông lần đầu tiên chinh phục giải Oscar, hạng mục phim tiếng nước ngoài hay nhất với A Separation của đạo diễn người Iran Asghar Farhadi.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận