29/12/2016 08:35 GMT+7

Điểm cao rớt, điểm thấp đậu còn gây ra lo lắng

TRẦN HUỲNH - HOÀNG HƯƠNG
TRẦN HUỲNH - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Trong năm 2016, ngành giáo dục lại tiếp tục có hàng loạt điều chỉnh về đào tạo, thi cử, kết quả có nhiều chính sách đã thỏa mãn người dân như tiết kiệm khoa học hơn trong thi cử, nhưng kèm theo vẫn có những bức xúc mới.

Phụ huynh đưa con đến học thêm tại một cơ sở ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOAPhụ huynh đưa con đến học thêm tại một cơ sở ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

1. Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục có nhiều thay đổi

Tổ chức cụm thi ĐH ở tất cả tỉnh

Năm 2016 là năm thứ hai kì thi THPT quốc gia được tổ chức, sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Bộ GD-ĐT quyết định mỗi tỉnh, thành phố có một cụm thi do trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH CĐ, một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh sử dụng kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Riêng số thành phố tập trung nhiều trường ĐH như Hà Nội, TP.HCM tổ chức nhiều cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Thực tế, nhiều địa phương chỉ tổ chức cụm thi do trường ĐH phối hợp với sở GD-ĐT cho tất cả các đối tượng thí sinh.

* Năm 2016 Bộ GD-ĐT không đảm nhận việc công dữ liệu điểm thi THPT quốc gia mà giao cho các trường ĐH và sở GD-ĐT chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm công bố.

Nhờ vậy tình trạng quá tải truy cập xem điểm thi như kì thi năm 2015 không còn lặp lại.

Điểm cao rớt, điểm thấp đậu

Một thay đổi quan trọng là mỗi thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2016 có bốn nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên. Cụ thể, thí sinh được đăng kí xét tuyển vào hai trường khác nhau, mỗi trường đăng kí vào hai ngành khác nhau.

Tuy nhiên, thí sinh sẽ không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng kí.

Đợt xét tuyển bổ sung thí sinh được đăng kí vào ba trường khác nhau, mỗi trường được đăng kí vào hai ngành. Tương tự như đợt đầu, thí sinh cũng không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng kí.

Quy định này đã khắc phục được tình trạng nộp - rút hồ sơ đăng ký xét tuyển từng diễn ra rất lộn xộn trong năm 2015. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh năm 2016 lại nảy sinh bất cập khiến nhiều phụ huynh, thí sinh bức xúc.

Đó là việc đăng ký xét tuyển cùng ngành, cùng trường, nhưng thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1 trong khi thí sinh điểm thấp hơn lại trúng tuyển đợt sau.

Và lần đầu tiên xảy ra tình huống nhiều trường ĐH tốp đầu đã phải hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung.

Bỏ “điểm sàn” CĐ

Trong các nội dung sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra quy định: “Đối với trường CĐ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT”.

Theo quy chế tuyển sinh năm 2016 Bộ GD-ĐT chỉ quy định điểm sàn làm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với xét tuyển ĐH, còn CĐ lấy ngưỡng là tốt nghiệp THPT.

Phương án thi THPT quốc gia 2017 gây "tranh cãi"

Chiều 28-9-2016, khi năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tháng, Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 với nhiều đổi mới khiến dư luận băn khoăn.

2017 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho thí sinh thi trắc nghiệm môn Toán, Sử, Địa, GDCD. Trong đó, có 2 bài thi theo dạng tổ hợp: Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.

Như vậy, thay vì thi 8 môn như năm 2016, năm 2017, thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm 3 bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD đối với thí sinh hệ giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên).

2. Cô giáo gửi tâm tư kỳ vọng đến tân bộ trưởng

Tháng 4 năm 2016, ông Phùng Xuân Nhạ - giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - được làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thay ông Phạm Vũ Luận.

Không giống như những lĩnh vực khác, vị tư lệnh ngành giáo dục - đào tạo được xã hội quan tâm đặc biệt bởi những bất cập tồn tại lâu nay của ngành này.

Câu nói nổi tiếng của ông Phùng Xuân Nhạ trên các phương tiện truyền thông khi mới nhậm chức: "Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm."

Cùng với việc thay đổi tư lệnh ngành GD-ĐT, rất nhiều người (thuộc nhiều ngành nghề, tầng lớp khác nhau) bày tỏ ý kiến, kỳ vọng vào ông Phùng Xuân Nhạ với những đột phá.

Trong số đó có cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM với “8 thỉnh cầu gửi tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”.

Lần đầu tiên, trên phương tiện truyền thông (cụ thể là báo Tuổi Trẻ), một giáo viên đã nói thẳng, nói thật về những tồn tại, những bất cập khiến ngành GD-ĐT khó phát triển. Bài viết đã tạo hiệu ứng tích cực, dấy lên một làn sóng cho nhiều người cùng gửi những tâm tư, tình cảm cho bộ trưởng.

3. Thời gian học đại học còn 3-5 năm

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, chương trình bậc ĐH có thể rút ngắn thời gian đào tạo với mức tương đương 3-5 năm, so với 4-6 năm như hiện nay.

Ngoài ra, chương trình cao đẳng được cho phép đào tạo với khối lượng học tập tương đương 2-3 năm tập trung (hiện tại đều được thiết kế theo chương trình 3 năm).

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ cũng được quy định thời gian đào tạo linh hoạt từ 1-2 năm.

Riêng chương trình đào tạo tiến sĩ lại có xu hướng nâng cao tiêu chuẩn thời gian đào tạo so với hiện tại. Theo đó, thời gian đào tạo bắt buộc từ 3-4 năm, tùy theo yêu cầu của từng ngành và trình độ đầu vào của người học.

Hiện nay, Luật giáo dục quy định đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện từ 2-4 năm tùy theo trình độ đầu vào của người học có bằng tốt nghiệp đại học hay bằng thạc sĩ.

4. Ngừng đào tạo trung cấp y dược

Cuối tháng 2-1016, Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.

Từ thời điểm kể trên các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng.

Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

Theo thông tin này, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa VN và các nước ASEAN. Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ cao đẳng, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ ĐH trở lên.

5. Hơn 500 trường CĐ, trung cấp về Bộ LĐ-TB&XH

Ngày 9-11, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lễ bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. 

Theo đó, Bộ GD-ĐT bàn giao nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp), hệ đào tạo trình độ CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác (không tính lĩnh vực đào tạo giáo viên) sang Bộ LĐ-TB&XH.

Như vậy, sẽ có hơn 200 trường CĐ và hơn 300 trường trung cấp chuyên nghiệp từ chỗ thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT được chuyển sang cơ quan quản lý nhà nước mới là Bộ LĐ-TB&XH.

Về đào tạo, những sinh viên CĐ tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình CĐ hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng CĐ theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ LĐ-TB&XH, cấp bằng CĐ thuộc giáo dục nghề nghiệp.

6. Lo ngại chất lượng đào tạo tiến sĩ

Năm 2016, dư luận lùm xùm về việc chỉ trong một thời gian ngắn Học viện Khoa học xã hội VN “ra lò” quá nhiều tiến sĩ.

Về nghi ngại của dư luận về số lượng tiến được đào tạo của học viện, GS Võ Khánh Vinh, giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định với chỉ tiêu đào tạo 350 TS/năm, học viện đang làm đúng quy định về chỉ tiêu, phù hợp với năng lực của học viện.

“Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hợp nhất từ 17 viện nghiên cứu vào năm 2010, hiện là học viện duy nhất chỉ đào tạo TS, thạc sĩ được Chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, học viện đang đào tạo 36 ngành. Vì thế, với 350 chỉ tiêu, mỗi ngành chỉ đào tạo chưa đến 10 TS/năm. Chúng tôi mong tới năm 2020, mỗi năm học viện có thể đáp ứng 450-500 chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu 350 NCS/năm như hiện nay chỉ ở mức trung bình, không quá nhiều như dư luận bàn tán” - GS Vinh nói.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD-ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Ngày 13-6, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ về việc tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tuy chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đồng đều, nhưng vẫn có nhiều nghiên cứu sinh chất lượng cao, sở hữu nhiều công bố quốc tế. Trong ảnh: Trần Quốc Quân - một nghiên cứu sinh 9X (ĐHQG Hà Nội) - đã có 15 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tuy chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đồng đều, nhưng vẫn có nhiều nghiên cứu sinh chất lượng cao, sở hữu nhiều công bố quốc tế. Trong ảnh: Trần Quốc Quân - một nghiên cứu sinh 9X (ĐHQG Hà Nội) - đã có 15 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

7. TP.HCM: cấm dạy thêm trong nhà trường

Lệnh cấm này được ban hành vào đầu năm học 2016-2017 khiến nhà trường, giáo viên phản ứng vì Bộ GD-ĐT không cấm việc này. 

Trước ngày khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành một văn bản trấn an tinh thần giáo viên.

Và sau vài tháng, lãnh đạo TP đã bãi bỏ lệnh cấm này.

Thí sinh được tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

8. Hơn 150.000 lượt học sinh được tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh và các cơ sở giáo dục.

Năm 2016, cùng với sự đồng hành của Vingroup, Tuổi Trẻ đã tổ chức 16 chương trình, ba ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp (tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ) và hai ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ (tại TP.HCM và Hà Nội), trực tiếp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hơn 150.000 học sinh khắp các tỉnh thành trong cả nước.

TS Hà Hữu Phúc - vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - cho rằng Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của Tuổi Trẻ là chương trình có quy mô lớn nhất, sức lan tỏa rộng rãi, hình thức và nội dung tư vấn khách quan, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

9. Năm 2016 cũng là năm xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường.

TRẦN HUỲNH - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên