29/11/2016 09:55 GMT+7

Dịch vụ công trực tuyến: Chậm chạp đi vào cuộc sống

L.THANH - T.PHÙNG -  TIẾN LONG
L.THANH - T.PHÙNG - TIẾN LONG

TTO - Dịch vụ công trực tuyến tạo nhiều thuận lợi cho người dân nhưng thực tế còn hàng ngàn loại giấy tờ hành chính chưa biết đến bao giờ mới có thể thực hiện được hoàn toàn qua mạng.

Vợ chồng anh chị Nguyễn Hữu Dũng và Lê Thị Hồng tra cứu thông tin quy hoạch đất tại trụ sở UBND Q.Bình Tân, TP.HCM để làm thủ tục mua đất (ảnh chụp trưa 28-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo quy định của Chính phủ, dịch vụ công trực tuyến chia làm bốn cấp độ. Trong đó cấp độ 4 là cấp độ cho phép người dân có thể ngồi nhà hay bất cứ nơi đâu có thể nộp hồ sơ và thanh toán phí, nhận được kết quả.

Các thống kê cho thấy chỉ có 1.200 dịch vụ công đang được cung cấp ở cấp độ 4. Đây là con số rất khiêm tốn so với tổng số 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đang cung cấp cho người dân.

Ngồi nhà nhận giấy phép lái xe quốc tế

Bộ GTVT cho biết vừa đưa vào sử dụng hệ thống cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải, đổi biển hiệu, phù hiệu ôtô... nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Riêng dịch vụ công mức độ 4 cấp giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit - IDP) thì được bộ này đưa vào khai thác từ ngày 31-5 và được người dân đánh giá rất tích cực.

Anh Ngô Thanh Vinh (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bản thân anh đã đăng ký cấp IDP qua mạng. Sau khi hoàn tất đăng ký, thanh toán trực tuyến, hệ thống thông báo tiếp nhận hồ sơ, sau một tuần anh nhận được IDP qua đường bưu điện. 

“Việc đăng ký cấp IDP và thanh toán chi phí qua mạng rất thuận tiện. Tôi không phải mất thời gian đến Tổng cục Đường bộ hay Sở GTVT để lấy số thứ tự, chờ tới lượt làm thủ tục mà vẫn nhận được IDP tại nhà.

Tôi thấy thủ tục đăng ký cũng đơn giản, không có khó khăn gì với người biết sử dụng máy tính nối mạng” - anh Vinh cho biết.

Ông Võ Minh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái của Tổng cục Đường bộ, cho biết kể từ khi đưa vào hoạt động tới nay, dịch vụ công trực tuyến cấp IDP mức độ 4 cấp được 3.000 IDP cho người dân.

Việc cấp hoàn toàn thực hiện qua mạng, người dân nhận IDP qua đường bưu điện theo địa chỉ họ đăng ký. Thời hạn từ khi nhận hồ sơ hợp lệ đến khi in IDP là năm ngày. Còn thời gian IDP đến tay người nhận phụ thuộc vào cự ly vận chuyển từ nơi cấp tới địa chỉ người nhận đăng ký.

Theo ông Tuấn, vấn đề cốt yếu để cấp được IDP mức độ 4 là người đăng ký cấp IDP phải có giấy phép lái xe quốc gia bằng thẻ PET có lưu đầy đủ thông tin trên hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ.

Dữ liệu chuẩn này được đối chiếu để cấp IDP, nên người dân không cần phải đến Tổng cục Đường bộ để chụp ảnh, ký xác nhận.

Yếu tố thứ hai là phần mềm thanh toán điện tử hoạt động thông suốt, ghi nhận được người đăng ký cấp IDP đã thanh toán để thông báo tới hệ thống của Tổng cục Đường bộ và gửi hóa đơn điện tử cho người nộp phí.

Ông Tuấn còn nói sau năm tháng thực hiện cấp IDP qua mạng, hệ thống vận hành ổn định, chưa có người dân nào phàn nàn.

Trường hợp người khai nhập thông tin trên hệ thống bị từ chối thường là do thông tin khai báo không khớp với thông tin về giấy phép lái xe quốc gia của người đó lưu trên hệ thống. Ngoài ra, có trường hợp do đường truyền không ổn định nên phải đăng ký lại.

“Cũng có trường hợp khiếu nại cho rằng gửi hồ sơ thành công, nộp lệ phí và phí chuyển phát nhưng không nhận được IDP.

Chúng tôi lần lại từng khâu thì thấy có lý do như cung cấp nhầm lẫn địa chỉ nhận IDP, trục trặc ở khâu thanh toán hoặc bưu điện chưa chuyển IDP đến kịp. Những vướng mắc này được giải quyết nhanh chóng” - ông Tuấn lý giải.

Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cũng đánh giá cao về các dịch vụ công trực tuyến được Bộ GTVT áp dụng.

Theo ông Thanh, với cách thức giao dịch trực tuyến, thanh toán điện tử như thực hiện ở việc cấp giấy phép lái xe quốc tế sẽ giảm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp.

Chị Dương Hồng Hà (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) được chuyên viên hướng dẫn điền thông tin hồ sơ cấp giấy phép xây dựng qua mạng tại trụ sở UBND quận Bình Tân (ảnh chụp trưa 28-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đỡ mất thời gian đi lại của dân

Quận Bình Tân và quận 8 là những quận đầu tiên tại TP.HCM triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 với 20 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực xây dựng, lao động tiền lương, thành lập và phát triển doanh nghiệp.

Ông Hà Vĩnh Thành, ở hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) - một trong những người sớm tiếp cận với việc nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng qua mạng - cho biết mới gửi buổi sáng, ngay trong buổi chiều ông nhận được tin nhắn báo UBND quận đã nhận đủ hồ sơ.

Khoảng 15 ngày sau, hệ thống báo hồ sơ của ông xử lý xong, ông lên UBND quận nhận kết quả. Theo ông Thành, nộp hồ sơ qua mạng thao tác rất nhanh, không mất thời gian chờ đợi như lâu nay.

“Cách nộp hồ sơ qua mạng đúng là đỡ cho người dân, ngồi ở nhà có thể làm được, dân khỏi phải đi lại nhiều lần mất thời gian như hồi trước” - ông Thành chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thu Nga (số nhà 141/20B đường Hoài Thanh, phường 14, quận 8) cũng cho biết khi gia đình bà đang có ý định xây nhà, bà lên Internet tìm hiểu và thực hiện các bước nộp hồ sơ theo hướng dẫn.

Bà chỉ cần ngồi ở nhà dùng máy ảnh chụp lại bản vẽ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, đính kèm cùng đơn, gửi vào hệ thống. Ngay lập tức, hệ thống cung cấp cho bà một mã số để theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.

Lần nộp đầu, bà Nga thiếu bản vẽ hiện trạng căn nhà, khoảng 30 phút sau hệ thống báo yêu cầu bà bổ sung. Bà Nga bổ sung giấy tờ xong, 15 phút sau hệ thống báo hồ sơ bà hoàn chỉnh, hẹn ngày nhận kết quả.

“Bình thường, nếu hồ sơ nộp thiếu loại giấy tờ gì thì mất cả tuần lên xuống bổ sung, có khi cả tháng chưa xong. Nhưng giờ nộp qua mạng thì rất nhanh gọn, rất tiện cho dân. Tuy nhiên mình cũng phải chủ động tìm hiểu, nếu không rành thì vẫn cứ phải chạy tới chạy lui để hỏi cũng chậm không khác gì nộp trực tiếp” - bà Nga chia sẻ.

Bắt đầu triển khai hoàn thuế qua mạng

Ông Nguyễn Đại Trí, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hiện nay có trên 542.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, đạt tỉ lệ trên 96,72% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với các ngân hàng là hơn 525.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ gần 94% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tính đến hết tháng 10, tổng số tiền các doanh nghiệp thực hiện nộp điện tử vào ngân sách qua cổng thanh toán thuế điện tử của Tổng cục Thuế là trên 370.600 tỉ đồng, chiếm trên 53% tổng thu ngân sách nhà nước.

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ông Trí cho hay ngành thuế đang nỗ lực triển khai rất nhiều việc. Đó là hoàn thuế qua mạng.

Từ tháng 12 này, ngành thuế sẽ hoàn thuế điện tử tại 13 địa phương - nơi có số lượng doanh nghiệp hoàn thuế lớn và luôn đi đầu về cải cách thủ tục hành chính như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh...

Các trường hợp hoàn thuế xuất khẩu và dự án đầu tư có số thuế đủ điều kiện hoàn, đáp ứng đủ các tiêu chí sẽ được hoàn qua mạng thay vì phải mang hồ sơ trực tiếp đến cơ quan thuế. Việc hoàn thuế điện tử sẽ triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước từ tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, đề cập về việc hoàn thuế qua mạng, không chỉ phía doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại.

Cái quan trọng nhất là quỹ hoàn thuế có còn tiền hay không. Như đến giữa tháng 10, quỹ hoàn thuế của cả nước chỉ còn vài nghìn tỉ đồng, trong khi đó bình quân mỗi tháng số tiền hoàn thuế khoảng 8.000 tỉ đồng.

“Được giải quyết hoàn thuế vài tỉ đồng, doanh nghiệp cứ ví như là trúng một hợp đồng giá trị lớn. Dù đầy đủ giấy tờ nhưng nhiều khi, nhất là vào dịp cuối năm, nếu gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế thì doanh nghiệp xác định là khó có thể nhận được tiền hoàn đúng thời gian” - lãnh đạo một doanh nghiệp bày tỏ.

L.THANH - T.PHÙNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên