15/07/2015 14:21 GMT+7

Di tích... bơ vơ - Kỳ cuối: Bỏ bê Hải Vân quan

TH.LỘC - PH.THÀNH
 - HOÀI GIANG
TH.LỘC - PH.THÀNH
 - HOÀI GIANG

TT - Hải Vân quan là cụm kiến trúc cổ độc đáo trên đỉnh đèo Hải Vân chưa được công nhận di tích, không ai quản lý nên đang hoang phế, xuống cấp...

Nhiều đoàn du khách ghé tham quan kiến trúc cổ Hải Vân quan trên đỉnh Hải VânẢnh: THÁI LỘC
Nhiều đoàn du khách ghé tham quan kiến trúc cổ Hải Vân quan trên đỉnh Hải Vân - Ảnh: Thái Lộc

Nguyên nhân của tình trạng trên là do kiến trúc nằm ở vùng giáp ranh, bị tranh chấp dai dẳng giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Hoang phế

Bước lên các bậc cấp (từ phía Đà Nẵng) là vào chiếc cổng gạch cổ cao hơn 10m, trên cổng tấm biển đá khắc ba chữ “Hải Vân quan” hướng về phía vịnh Đà Nẵng.

Vào trong cổng là dãy nhà hoang ép sát phía bên phải và hai cái lô cốt xám xịt còn lại từ thời chiến tranh nằm bên trái.

Cạnh đó là chiếc cổng cổ tương tự có biển đá khắc “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” hướng về phía đông bắc. Hai đầu vòm cửa của cổng cổ cũng bị xây hai bức tường ngăn bít, kế bên cổng là một kiến trúc dạng công sự thời chiến xây áp sát.

Khu vực này có nhiều đoạn lũy đá ngắn, dày chừng 1m còn khá nguyên vẹn, đứt quãng, xen lẫn với nhiều đoạn phế tích lũy, chứng tỏ hai chiếc cổng này từng là cổng ra vào một đồn lũy ngày xưa.

Chếch về phía đông của đồn lũy này có một cái miếu mới biển đề Bắc Đông Hưng. Một tòa nhà lớn đang bỏ hoang và một tấm bia ghi chiến tích về một trận đánh trên đỉnh Hải Vân trong chiến tranh nằm gần đó...

Trong tổng thể kiến trúc lộn xộn, hoang phế ấy, rất đông du khách trong lẫn ngoài nước dò dẫm từng hòn đá bước lên tìm những điểm cao để ngắm cảnh, chụp hình.

Bởi lẽ từ điểm cao, lộng gió giữa biển, trời, mây, núi này, nhìn về phía nam TP Đà Nẵng trải dài, nhấp nhô như được khảm nạm giữa những dãy núi và vịnh biển dát bạc.

Ngoái lại phía bắc, bãi biển Lăng Cô của Thừa Thiên - Huế như một dải lụa giữa điệp trùng màu xanh... Đó cũng là lý do mà tất cả các đoàn khách nước ngoài qua về giữa Huế - Đà Nẵng đều ghé lại Hải Vân quan chiêm ngưỡng cảnh đẹp.

“Điểm tham quan này quá hấp dẫn. Chỉ tiếc là các công trình quá lộn xộn, hoang phế, nhếch nhác, trông rất phản cảm với cảnh đẹp, hùng vĩ xung quanh. Nhiều du khách thấy tiếc khi biết đây là địa điểm văn hóa lịch sử có giá trị bị bỏ bê!” - Nguyễn Duy Tuệ, một hướng dẫn viên ở Đà Nẵng, cho biết.

Hải Vân quan: Huế hay Đà nẵng sẽ chịu trách nhiệm bảo tồn? - Ảnh: Thái Lộc

Nằm trong vòng tranh chấp

Nếu xem tấm biển bêtông trên đỉnh dốc ghi chữ “Địa phận Thừa Thiên - Huế” là ranh giới thì từ đây nhìn lên phía núi, có thể dễ dàng nhận ra hơn 2/3 cụm kiến trúc nằm bên mái núi phía tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Riêng phần tam cấp và một phần nhỏ của chiếc cổng Hải Vân quan cùng vài đoạn lũy đá là nằm bên mái núi phía Đà Nẵng.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), về mặt lịch sử, cụm kiến trúc trên đèo Hải Vân hiển nhiên thuộc quần thể kiến trúc của cố đô Huế, dùng để phòng vệ đường bộ từ phía nam của kinh đô.

Ông Dũng cho biết sách Đại Nam thực lục ghi năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua cho xây Hải Vân quan mặt trước quay về hướng nam, chủ yếu để trông coi mặt biển ở vịnh Đà Nẵng. Sách này cũng ghi năm 1849, triều đình cho đặt bảy khẩu súng ở Hải Vân quan để coi xét mặt biển.

Đến năm 1921, bức họa đồ kèm theo bài khảo cứu Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân của tác giả Henri Cosserat đăng trên B.A.V.H. vẽ những khẩu súng hướng về vịnh Đà Nẵng.

“Từ những chứng lý như vậy có thể khẳng định Hải Vân quan thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nằm trong hệ thống phòng thủ của kinh đô xưa” - ông Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, điều mà phần lớn mọi người đều bất ngờ là kiến trúc độc đáo này vẫn chưa được công nhận di tích vì còn trong vòng tranh chấp giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) - khá bất ngờ vì Hải Vân quan chưa được xếp hạng di tích.

“Hải Vân quan khá nổi tiếng, tôi tưởng là đã được xếp hạng rồi chứ!” - ông Tùng ngỡ ngàng. Theo ông, nếu để tình trạng hiện nay không được đầu tư, không khai thác bài bản là lãng phí tài nguyên văn hóa du lịch.

Một cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết từ đầu thập niên 1990 khi làm hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận quần thể di tích Huế là di sản thế giới, phía tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “quên hẳn” cụm kiến trúc Hải Vân quan nên không đưa vào hồ sơ.

Vị này cũng cho biết đến khoảng giữa thập niên 1990, cả Huế lẫn Đà Nẵng từng đặt vấn đề lập hồ sơ đề nghị di tích cấp quốc gia.

Trong khi đó, một cán bộ ngành văn hóa của Huế kể rằng: “Khoảng năm 1996 - 1997 khi Đà Nẵng muốn giành di tích này thì Huế mới lo chứng minh cho được là của Huế. Chúng tôi làm hồ sơ xin công nhận di tích quốc gia nhưng khi có tranh chấp rồi thì không ai giải quyết!”.

Vị này cũng cho biết sau khi làm việc với Đà Nẵng, một lãnh đạo Cục Di sản (Bộ Văn hóa - thông tin khi ấy) tiếp tục làm việc với Huế:

“Dù không nói trắng ra nhưng cách nói của ông ấy là muốn giao cho Đà Nẵng, vì Huế quá nhiều di tích mà chẳng phát huy được nhiều. Trong khi Đà Nẵng có điều kiện, lại gần. Nhưng Huế không chịu nên thôi!”.

Tiếp tục lập hồ sơ

Ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho biết UBND huyện Phú Lộc là đơn vị được giao quản lý địa bàn huyện, trong đó gồm cả kiến trúc trên đỉnh Hải Vân. UBND tỉnh đang làm quy trình hồ sơ đề nghị công nhận di tích đối với các kiến trúc ở đỉnh núi. Đơn vị đang trực tiếp lập bộ hồ sơ là Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

TH.LỘC - PH.THÀNH
 - HOÀI GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên