30/09/2016 09:06 GMT+7

​Đi chữa bệnh, tìm học bổng cho con

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Người cha ấy là ông Trần Đức Thành, nhà ở một con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Phúc phụ mẹ cắt rau ra chợ bán lấy tiền đi học - Ảnh: T.B.D.
Phúc phụ mẹ cắt rau ra chợ bán lấy tiền đi học - Ảnh: T.B.D.

Mà tôi nghĩ khổ như thế thì mới nên người được, càng khổ càng tạo cho cháu nghị lực để vươn lên

Ông TRẦN ĐỨC THÀNH

Ông Thành nói rằng con mình là Trần Văn Phúc, vừa đậu vào ngành dược Trường ĐH Buôn Ma Thuột nhưng mấy hôm nay cả nhà đang phải vật lộn cho con nhập học. Tình cờ trên giường bệnh nằm chạy thận, ông thấy bài báo giới thiệu về học bổng “Tiếp sức đến trường” nên dò địa chỉ tìm tới xin tiếp sức.

Vừa chạy thận, vừa nuôi con

Ở khu phố trên đường Quang Trung (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nhiều người cảm thương cậu học trò ốm yếu, suốt những ngày đi học phổ thông hay thức khuya từ tảng sáng để bó rau phụ mẹ ra chợ bán, cầm cự cho cha Phúc đi chạy thận.

“Nghe cháu nó đậu đại học tui mừng lắm, mừng nhưng nói thật là giờ chưa nhìn ra được thứ gì ngoài mấy khoảnh rau trước nhà, hái được lọn nào đem ra chợ bán chẳng dám mua thức ăn, góp cho cháu đi học” - mẹ Phúc, bà Trần Thị Tuyết, nói. Cậu con trai là anh sinh đôi của Phúc 18 tuổi rồi nhưng vẫn ăn nằm một chỗ vì bị bại não từ nhỏ.

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên 5 tỉnh Tây nguyên 

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và 5 tỉnh đoàn Tây nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum 

* Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ và Công ty golf Long Thành tổ chức)

Ông Thành “khoe” xấp hóa đơn thanh toán tiền viện phí mà suốt mười năm nay đi chữa bệnh. “Tôi xin được thẻ bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng cũng phải chạy thận 12 lần, trừ các khoản được miễn giảm rồi tôi phải trả thêm 6 triệu đồng. Không có cũng phải làm cho ra chừng đó chứ không là chết”. Ngoài xấp hóa đơn “duy trì sự sống” cho mình, những chồng hóa đơn viện phí, thuốc thang cũng dày thêm vì những lần cõng đứa con trai bại não đi bệnh viện.

“Cứ mỗi lúc trái gió trở trời hay giữa đêm thấy con méo miệng, nước bọt trào ra kêu ú ớ, thân thể gồng cứng lên là hai vợ chồng lại xô cửa bế con lên viện cứu chữa cho cháu” - ông Thành nói.

Chọn học dược để có thuốc chữa bệnh cho người thân

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột), chủ nhiệm ba năm phổ thông của Phúc, giọng thương cảm: “Hồi đầu nhận lớp tôi không biết hoàn cảnh cháu như thế, tính cháu cũng rất trầm nên cứ nghĩ bình thường. Mãi tới mùa đông khi thấy cháu cứ mặc đi mặc lại cái áo rách, mỏng manh lên lớp run run, tôi mới nói với bí thư lớp tìm hiểu hoàn cảnh. Biết cháu nghèo, khó khăn như thế nên có nguồn quỹ nào hay học bổng tôi cũng đề xuất cho Phúc. Mỗi mùa đông cả lớp góp lại mua áo ấm tặng Phúc đi học”.

Cô Thu cho biết Phúc nghèo nhưng chịu khó học. Phúc đã trúng tuyển vào ngành dược Trường ĐH Buôn Ma Thuột.

Phúc nói về việc chọn ngành dược của mình: “Từ nhỏ đến giờ cứ mỗi lần thấy anh trai và bố phải đi viện, tiền thuốc thang quá tốn kém nên mình chọn học ngành này để sau này ra trường đi làm có thể mua được thuốc “giá gốc”, đỡ tốn kém hơn”.

Ông Thành cho biết dù hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy nhưng Phúc chưa bao giờ than phiền. Cơm thì bữa có thức ăn, bữa ăn cơm với nước mắm nhưng Phúc vẫn vui vẻ động viên bố mẹ vượt qua.

Bà Tuyết nói hôm Phúc chuẩn bị đi học, áo quần toàn đồ cũ, rách hết nên hai mẹ con chở nhau ra phố tìm quần áo rẻ để mua. Vậy rồi có chị chủ một hiệu buôn ở phố thấy mẹ con khắc khổ liền “vừa bán vừa cho” hai bộ quần áo.

“Hôm cháu về nói với tôi là vào nhập học, các bạn rủ đi uống nước nhưng Phúc im lặng ngồi một chỗ không đi, bảo bị đau bụng. Rồi cả lớp sắm áo blouse vào phòng thí nghiệm, cháu không có tiền mua. Nghe cháu về thủ thỉ thế, tôi rớt nước mắt. Thương con quá mà chẳng biết làm sao” - bà Tuyết ngậm ngùi.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên