21/05/2015 07:30 GMT+7

Để bớt bị nói xấu, hãy làm tốt việc mình trước

GIANG BÌNH
GIANG BÌNH

TTO - Làm việc văn phòng, tiếp xúc với người nước ngoài, tôi nghe được vài lời nhận xét không tích cực.

Phản hồi và đúng giờ là điều cần tạo thói quen khi làm việc - Ảnh: TTO

“Tại sao chúng tôi đã gửi email về vấn đề này rồi mà không nhận được câu trả lời”, “Tại sao chúng tôi đã thông báo ngày, giờ, địa điểm họp rõ ràng mà phía VN không họp đúng giờ”, “Tại sao các ông đã nói là sẽ làm như vậy mà vẫn không làm”... Buồn lắm chứ.

Vậy nên ngay khi nhận được email từ phía đối tác nước ngoài, tôi luôn trả lời ngay. Tôi cũng luôn trao đổi với mọi người trong phòng phải nhanh chóng trả lời đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.

Nếu sếp chưa có quyết định tôi vẫn trả lời là chúng tôi đang cân nhắc và sẽ có phản hồi sớm. Còn nếu có cuộc họp hay hẹn gặp, dù không phải bộ phận hành chính, thư ký nhưng trước cuộc họp 15 phút, tôi vẫn nhắc khéo sếp ơi sắp có cuộc họp và họ đúng giờ lắm nên mình cũng phải đúng giờ.

Nhờ làm việc nhiều với đối tác nước ngoài nên tôi thấy mình và các đồng nghiệp đã học được phần nào tác phong chuyên nghiệp của họ.

Có lần tôi đã nhận được email của khách hàng nước ngoài, trong đó họ nói rõ là đã gửi cho những người liên quan mà không nhận được trả lời, nên họ quyết định gửi cho tôi.

Dù không phải là việc của mình nhưng ngay lập tức tôi phải liên hệ với những bộ phận có liên quan, giục họ trả lời gấp, thậm chí còn phải báo cáo sếp về vấn đề này. Thật là may cuối cùng mọi việc đã được giải quyết và tôi nhận được lời cảm ơn của đối tác.

Tôi nghĩ để người Việt bớt “bị nói xấu” và có được cái nhìn thiện cảm hơn, mỗi người cố gắng làm tốt công việc của mình.

Đơn cử chuyện xả rác. Nhiều lần ở những nơi công cộng, thấy hình ảnh rác xả bừa bãi, mất mỹ quan, mất vệ sinh, tôi thường chỉ các con để cháu có ý thức hơn.

Con tôi và các bạn thân của cháu đã hiểu rõ vấn đề này và bỏ rác vào thùng, thậm chí nếu không kiếm được thùng rác, cháu cầm về để bỏ rác ở nhà.

Đi chơi công viên hay đi du lịch khi đứng dậy đi về, tất cả các cháu đều kiểm tra để không làm bẩn môi trường xung quanh.

Tôi nghĩ cũng có rất nhiều người khác, các gia đình khác cũng làm điều tương tự như tôi, cũng cố gắng sống văn minh, bảo vệ môi trường. Chúng ta nói chung chung quá nhiều rồi, cần phải hành động cụ thể, thiết thực và kiên quyết hơn.

Chẳng hạn như các bạn sinh viên, học sinh khi tham gia dọn vệ sinh một khu vực công cộng như công viên, sân vận động, một lần dọn thực tế sẽ nhớ hơn hàng giờ học lý thuyết.

Đoàn viên thanh niên lập nhóm nhắc nhở mọi người đang ngồi chơi khi ra về không để lại rác. Hoặc tại các địa điểm trên, chúng ta kêu gọi mọi người chụp ảnh ghi lại các hành động xả rác để phê bình đúng người xả rác. Từ trước đến nay, các bức ảnh đều tránh chụp cận mặt người xả rác nhưng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. 

Làm gì khi đất nước bị nói xấu?

Bạn sẽ phản ứng thế nào trước những lời nhận xét không tích cực của người nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam?

Bạn có đồng tình với quan điểm cho rằng cần nhìn thẳng vào cái chưa đẹp và triệt tiêu nó?

Bạn chọn cách gì để góp phần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của người nước ngoài về những điều chưa đẹp của Việt Nam?

Mời bạn cùng chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình về vấn đề này. Bạn có thể email đến tto@tuoitre.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết này.  

GIANG BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên