21/09/2021 08:57 GMT+7

Dạy trực tuyến ở miền núi: Online sao được, phải offline thôi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Ông Phạm Văn Din - chủ tịch UBND xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi - cho biết toàn xã có 188 học sinh nhưng chỉ 16 em có điều kiện học online. Số còn lại gia đình khó khăn, không thể mua điện thoại hay máy vi tính được.

Dạy trực tuyến ở miền núi: Online sao được, phải offline thôi - Ảnh 1.

Cô Thảo (bìa phải) hướng dẫn bài cho học sinh và phụ huynh thôn Sơn Bàn ngay trên đường - Ảnh: T.M.

Cô Đỗ Thị Lệ, hiệu trưởng Trường THCS bán trú Trà Sơn (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), chia sẻ: "Việc dạy học trực tuyến chắc chắn là rất cần thiết và sẽ ứng dụng trong thời gian tới. Nhưng hiện tại việc dạy online cho học trò miền núi thật sự rất khó khăn. Mỗi lần vào năm học, giáo viên còn đi vận động thì làm sao có thể để phụ huynh và học sinh ý thức được. Đó là chưa kể đến trang thiết bị gần như không có. Như trường tôi, dù xã trung tâm của huyện nhưng chỉ có 36/331 học sinh có điện thoại để học online".

Đến mùa giáp hạt, địa phương còn phải hỗ trợ lương thực cho bà con chống đói, làm sao có điều kiện mua điện thoại thông minh hay máy tính.

Ông Nguyễn Ngọc Trân (chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi)

Phải hỗ trợ lương thực chống đói

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Trân - chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi - cũng chia sẻ địa phương đang nỗ lực hết mình, giáo viên toàn huyện chung sức hiến kế để công tác dạy và học trong hoàn cảnh có dịch tốt hơn. Phương án đưa ra là giáo viên soạn giáo án, chia nhau vào từng làng dạy học và giao bài tập cho trò. Hôm sau lại vào làng kiểm tra, hướng dẫn rồi giao tiếp bài mới.

"Nói thật, đến mùa giáp hạt, địa phương còn phải hỗ trợ lương thực cho bà con chống đói, làm sao có điều kiện mua điện thoại thông minh hay máy tính. Tôi có đi đến các thôn làng tìm hiểu tâm tư của bà con. Tất cả đều chung tình cảnh cả làng chỉ có vài chiếc điện thoại thông minh mà sóng lại chập chờn. Nhờ thầy cô vào thử các ứng dụng dạy học online được tập huấn nhưng liên tục rớt mạng" - ông Trân nói.

Ông Hồ Văn Quyền, cha của học sinh Hồ Nữ Hậu Giang (lớp 6 Trường THCS Trà Sơn, huyện Trà Bồng), nhà ở bản Nóc, thôn Tây, xã Trà Sơn, nói: "Mình không biết chữ đâu. Cô giáo dạy, con mình đi. Cô giáo không dạy, mình cho con mình nghỉ học thôi". 

Thôn Tây là nơi xa xôi và khó khăn nhất xã Trà Sơn, học sinh lên cấp THCS phải chuyển xuống điểm chính học bán trú, cuối tuần mới về nhà. Giáo viên ở đây chia sẻ rằng mỗi lần xuống trường, các em phải dậy từ 4h sáng. Phụ huynh dẫn nửa đường, cô giáo ngược núi lên đón và dẫn xuống trường, sóng điện thoại còn không có thì làm sao có thể học online.

Dạy trực tuyến ở miền núi: Online sao được, phải offline thôi - Ảnh 3.

Cô giáo Thu (phải) hướng dẫn bài cho học sinh tại nhà - Ảnh: T.M.

Chia nhau đi bộ vào làng dạy chữ

Từ sau khai giảng năm học 2021-2022, 100% giáo viên của Trường THCS Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi phải chia nhau đến các bản làng. Sách cũ, vở, viết trường xin được, giáo viên chuyển đến cho học trò.

Cô Nguyễn Thị Bích Thảo - giáo viên Trường THCS Trà Sơn - được giao đến ba thôn giảng dạy các môn xã hội. Không thể biết nhà, cô Thảo phải nhờ một học sinh dẫn đường. Học trò nghe cô giáo đến phát sách vở, tụ tập ven đường. Thế là cô trò "dạy và học" ngay bên vệ đường. "Bài học đầu năm diễn ra như vậy đó. Giáo viên cố gắng tí, cho học sinh kịp tiếp thu bài. Mình không cố gắng, các em nản, bỏ học còn khổ hơn" - cô Thảo nói.

Hành trình gian nan của cô Thảo kéo dài khi nhiều em học trò ở sâu trong núi. Vượt qua trung tâm thôn Sơn Bàn, cô Thảo bỏ xe và đi bộ, trên tay vẫn giữ tài liệu, bài tập và sách vở để giao cho trò. 

Ông Hồ Văn Sâm, phụ huynh em Hồ Thanh Quỳnh, thấy cô giáo đến tận làng dạy chữ chia sẻ: "Cái bụng cô tốt quá. Cảm ơn cô giáo nhiều, tôi sẽ dặn cháu làm bài đầy đủ". 

Mấy lời chất phác ấy đủ khiến cô Thảo quên đi mệt nhọc. Lúc này không riêng gì cô Thảo hay giáo viên Trường THCS Trà Sơn, mà bất cứ người gieo chữ ở non cao nào mỗi ngày cũng phải đi bộ như thế vào làng.

Cô Tôn Thị Nữ Thu (Trường THCS Trà Sơn) đến kiểm tra và giao bài mới cho học sinh ở thôn Trung. Bà Hồ Thị Mai - phụ huynh em Hồ Thị Kim Sơn - thấy cô giáo đến nhà mỗi ngày đã nói: "Tôi thương cô giáo lắm, cô giáo tốt với con tôi quá". 

Rồi bà Mai kể hai vợ chồng cũng tính mua cho con cái điện thoại học cho cô giáo đỡ vất vả, nhưng mùa này không làm ăn được gì, gạo thì hết nên lo cái ăn trước cái chữ. Cô Thu hiểu rõ và động viên Sơn cố gắng làm tốt bài cô giao. 

Ngày nào cô cũng đến kiểm tra, chấm điểm và giao bài mới. Em Sơn lễ phép: "Dạ con cố gắng lắm cô, mấy bạn trong xóm con cũng rủ nhau học. Nhưng con thích học ở trường hơn, ở nhà có chỗ con không hiểu, chẳng biết hỏi ai".

"Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ"

day hoc bang ca yeu thuong 23424335 1(read-only)

Cô giáo Trang trên đường vào làng Tốt giao bài và hướng dẫn học sinh - Ảnh: T.M.

Mới đây mạng xã hội lan truyền hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường tiểu học Ba Lế, bị ngã xe máy khi vào làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi hướng dẫn, giao bài và kiểm tra bài cho học trò. Đây là ngôi làng xa bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi, đường đi rất khó khăn.

Cô Trang cho biết đã dạy học ở xã Ba Lế được 12 năm. Năm học này các em chưa thể đến trường, cũng không có thiết bị học online. Các giáo viên phải thay nhau vào làng, đến nhà giảng dạy, giao bài.

Trên dòng trạng thái của mình, cô Trang nhắn nhủ: "Các em thương cô thì hoàn thành bài tập cô giao nha". Cô Trang nói: "Mình không đi thì ai dạy bọn trẻ".

Các nước dạy tiểu học thế nào trong dịch COVID-19? Các nước dạy tiểu học thế nào trong dịch COVID-19?

TTO - Trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hầu hết các quốc gia đều phải linh hoạt hình thức giảng dạy cho học sinh, đặc biệt với những trẻ mới chập chững vào tiểu học.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên