17/11/2015 08:21 GMT+7

Đau lòng... game online

TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH (trungtan@tuoitre.com.vn)
TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH (trungtan@tuoitre.com.vn)

TT - Chuyện ông Trần Anh Tấn (51 tuổi, trú khối 6, P.Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xích chân con trai vào cây cột bên ngoài hiên nhà để “trị bệnh” nghiện game online, không chỉ là nỗi đau của gia đình ông.

Nhiều thanh thiếu niên, học sinh tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vào “cày” game trong giờ học, nhiều em vẫn còn mặc áo học sinh, đeo khăn quàng đỏ - Ảnh: Tiến Thành
Nhiều thanh thiếu niên, học sinh tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vào “cày” game trong giờ học, nhiều em vẫn còn mặc áo học sinh, đeo khăn quàng đỏ - Ảnh: Tiến Thành

Hiện nay nhiều bậc phụ huynh tại TP Buôn Ma Thuột bất lực khi nhìn những đứa con 15 - 20 tuổi sa đà vào game online, bỏ bê học hành. Nhiều thanh, thiếu niên còn bỏ nhà “đi bụi” để tự do chơi game, nhiều em gia nhập băng nhóm chuyên trộm cắp vặt để có tiền “cày” game, rồi phê “cỏ” (cần sa).

Ghi nhận ở nhiều tiệm game tại TP Buôn Ma Thuột trên các đường như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, dù buổi sáng vẫn đông đúc người chơi game online, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh.

Cụ thể, lúc 9g sáng 16-11, tại một quán Internet cách Trường THCS Thành Nhất (P.Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) khoảng 150m, đã có chục học sinh tụ tập chơi game và lên mạng xã hội để “buôn” chuyện.

Người chơi chủ yếu là học sinh trốn học, hoặc bỏ tiết giữa chừng rồi vào quán chơi. Nhiều học sinh độ tuổi dưới 15 còn để nguyên áo trắng học trò, đeo khăn quàng vào “cày” game...

Theo tiết lộ của một “game thủ” nhí, các game online được nhiều học sinh ưa chuộng là Đột kích, các loại game nhập vai, bắn súng, Liên minh... Tương tự lúc 11g, vừa tan trường, một số học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng mặc đồng phục áo trắng, đeo khăn quàng đỏ đã vội vàng sà vào các quán game online trên đường Võ Văn Kiệt để chơi game.

Ngay cả khi phóng viên Tuổi Trẻ để máy quay, chụp hình sát và ghi hình mà các em cũng không quan tâm vì đang bận “chiến đấu”...

Đáng nói, một số quán game online trên đường Lê Duẩn còn trưng nhiều biển chào đón người chơi như game online tốc độ cao, giảm giá 30% cho các game thủ vào ngày thứ bảy và chủ nhật.

Ông Lê Đình Hoan - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Đắk Lắk - cho biết toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 980 tiệm Internet mà phần lớn là mở dịch vụ game online. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có quy định thời gian hoạt động của các tiệm game online là từ 7 - 22g mỗi ngày, nghiêm cấm việc hoạt động từ 22 - 7g sáng hôm sau.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức 13 cuộc thanh tra đột xuất đối với 51 tiệm game online. Có 15 tiệm bị xử phạt hành chính số tiền hơn 54,7 triệu đồng, 30 cơ sở bị nhắc nhở, cảnh cáo vì cho chơi game quá giờ, để học sinh truy cập web “đen”...

Theo ông Trần Anh Tấn, nhiều đêm đi tìm con, ông phát hiện hàng chục quán game vẫn cho trẻ chơi game đến hơn nửa đêm.

“Những lần đầu khi con bỏ đi, tôi phải đi xuống tận Hòa Đồng (huyện Krông Pắk), Kim Phát (huyện Cư Kuin) hay ra tận Đạt Lý (TP Buôn Ma Thuột) tìm con” - ông Tấn nói. Trong những đêm ấy, ông đếm có hơn 34 tiệm game dọc các tuyến đường gần nhà luôn có khách lúc 11, 12g đêm.

“Nhiều đêm tôi bắt được con chơi và ngủ lại ngay tiệm game luôn. Nhiều đứa trẻ khác trạc tuổi con tôi cũng đang ngồi “cày” say sưa, không để ý gì nữa. Nếu cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, kiểm tra đột xuất những tiệm game này thì các cháu lấy đâu chỗ “trú ngụ”.

Hơn nữa, cần quy định rằng chủ quán chỉ cho các em trong độ tuổi học sinh chơi game 1 - 2 tiếng/ngày mà thôi” - ông Tấn nêu ý kiến.

Lỗ hổng trong quản lý game online hiện nay là quá thông thoáng. Trước đây có quy định trẻ em dưới 14 tuổi không được vào quán game, yêu cầu chủ tiệm phải lưu lịch sử mở tiệm. Tuy nhiên quy định hiện hành không yêu cầu làm việc này, đó cũng là bất cập trong quản lý game online

Ông LÊ ĐÌNH HOAN (phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Đắk Lắk)

Ông Mạc Văn Hùng - công an viên khối 6, P.Tân Hòa và cũng là hàng xóm của ông Tấn - cho biết việc kiểm tra các tiệm game online gần như bỏ ngỏ, đặc biệt vào giờ khuya. Ngoài ra, chúng ta tuyên truyền, hạn chế bạo lực nhưng trong thế giới ảo toàn “nói chuyện” bằng dao kiếm, súng ống.

“Tôi biết các cháu chơi game sắm chiến mã, đao kiếm trên mạng để lấy “số má”. Với tình trạng game bạo lực tràn lan, chưa được kiểm soát như vậy khiến những cái đầu u mê vì game dễ đem ra đời “áp dụng”, hậu quả sẽ khôn lường” - ông Hùng nhận định.

Con trai nghiện game, ông Tấn xích con vào cột ngoài hiên để trị nghiện game - Ảnh: Trung Tân
Con trai nghiện game, ông Tấn xích con vào cột ngoài hiên để trị nghiện game - Ảnh: Trung Tân

“Đôi khi cũng muốn đi đá bóng”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, T. nói do quá nghiện game Liên minh mà ở nhà thì không có. “Khi đi chơi thì quên hết, bỏ cả học nên lại sợ không dám về nhà. Khi cha mẹ biết mình đang ở chỗ này, chỗ kia thì thường bỏ trốn. Cháu biết cha xích chân vào cột ngoài hiên vì giận quá” - T. lí nhí.

T. cũng thừa nhận mình có vài lần trộm tiền gia đình để chơi game. T. còn cho biết trong lúc đi chơi biết một số bạn có đi trộm cắp ở ngoài.

“Đôi khi cũng muốn đi chơi thể thao, đá bóng với các bạn ở trường nhưng vì cha mẹ lo lắng mình đi chơi game nên lại không cho đi. Nếu cha mẹ cho phép được đi học, thỉnh thoảng được chơi game, đi đá bóng... thì em sẽ không bỏ nhà đi nữa” - T. tâm sự.

TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH (trungtan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên