23/07/2013 10:06 GMT+7

"Đau đâu chích đó", càng đau!

THÁI LŨY
THÁI LŨY

TT - Thấy chỉ cần vài mũi thuốc chích trực tiếp vào chỗ đau là cơn đau tan biến, nhiều người đâm ra “nghiện” chích mỗi khi đau! Thế nhưng, nguy hại của việc tiêm chích này thật khó lường dù báo chí không ít lần cảnh báo.

DOfhmzvW.jpgPhóng to
Bác sĩ khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ khám cho một bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi, từng dùng thuốc có corticoid - Ảnh: T.L.

Anh N.V.C. (ở Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là nhân viên văn phòng, làm việc thường xuyên trên máy tính nên ngón tay trỏ cầm chuột (máy tính) bị đau khi co duỗi. Đi tìm chỗ khám bệnh ngoài giờ, anh thấy phòng mạch tư của một bác sĩ đề bảng: chuyên khoa xương khớp, thần kinh... (trên đường 30-4, Q.Ninh Kiều) nên vào khám. Bác sĩ này cho biết anh bị viêm khớp tay và chích ngay hai mũi vào chỗ tay đau và mông, hẹn lần sau chích tiếp.

Hết đau tức khắc, biến chứng lâu dài

Về nhà anh C. thấy bớt đau khi co duỗi, tuy nhiên anh sợ việc chích trực tiếp vào vị trí đau nên hỏi thăm một số bác sĩ thì họ cảnh báo có thể anh đã bị chích corticoid. Đi khám một phòng khám đa khoa khác, bác sĩ nói anh bị chứng viêm gân gấp do sử dụng ngón này thường xuyên và kê thuốc uống, khuyên anh về nhà tập ngón tay. Bác sĩ cảnh báo bệnh này không nên chích giảm đau tại chỗ dù giảm đau nhanh nhưng sau đó để lại biến chứng.

"Nếu thường xuyên sử dụng liều cao, corticoid có thể làm mỏng da, da dễ bị bầm tím, bệnh nhân tăng cân, mặt tròn, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, loãng xương, hoại tử xương"

Bác sĩ võ văn Dành

Gần đây ở Cần Thơ, nhiều bệnh nhân bị bệnh xương khớp, đau nhức thường đến một số phòng mạch tư chích thuốc điều trị, sau khi khám và chích ở các phòng mạch này, người bệnh cảm thấy có hiệu quả ngay. Do hết đau, ăn được ngủ được nên nhiều người bệnh đồn bác sĩ giỏi và truyền miệng nhau. Có người đi chích nhiều lần thành “nghiện”, không đi không chịu được.

Như trường hợp bà N.T.M. (84 tuổi, ở huyện Thới Lai) bị gãy cổ xương đùi đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Qua ghi nhận của bác sĩ, khuôn mặt bà M. tròn, da mỏng tang, tay chân teo, có nhiều vết bầm do xuất huyết, bể mạch máu, đồng thời tụ mỡ ở vùng ngực và bụng, cơ thể không cân đối, vận động khó khăn, tay chân rất yếu. Theo bác sĩ Võ Văn Dành, khoa ngoại - chấn thương Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bà M. là một trong những bệnh nhân sử dụng thuốc corticoid thời gian dài, bị nhiễm trùng sau khi tiêm corticoid trực tiếp vào vùng háng phải để trị đau do thoái hóa khớp háng.

Người nhà cho biết mỗi khi bà M. đau nhức xương khớp thường mua thuốc uống hoặc tiêm thuốc ở phòng mạch tư. Mỗi lần uống thuốc vào lại thấy khỏe trong người, hết mệt, ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc, nên khi bị đau bà M. tìm đến bác sĩ tiêm thuốc cho khỏe, dẫn đến lạm dụng và nghiện chích thuốc.

Một bệnh nhân khác từng gặp biến chứng nguy hiểm sau vài lần đến phòng mạch tư của một bác sĩ điều trị bệnh lý viêm thần kinh tọa. Đó là bệnh nhân Đ.T.T. (43 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), bà cho biết nghe người quen giới thiệu đi điều trị một bác sĩ tư ở Cần Thơ mau hết bệnh, về ăn ngon ngủ ngon, không còn đau nhức nên tìm đến. Tại đây bác sĩ khám và chích thuốc vào chỗ đau ở gót chân, về thấy bớt đau nên tiếp tục đi, đến lần tiêm thứ ba (ở cả hai gót chân) về nhà, bà T. đi lại thì nghe sụp chân và không di chuyển được. Nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bác sĩ cho biết bà bị đứt cả hai gân gót chân, phải phẫu thuật nối lại.

Không vội vàng chọn corticoid

Theo các tài liệu y khoa, thuốc corticoid dùng tại chỗ ở dạng nhũ dịch để tiêm trong khớp, quanh khớp, tại các điểm bám của gân, bao gân, sẹo lồi... Những bệnh có thể được tiêm corticoid tại chỗ như: viêm khớp mãn tính (không do nhiễm khuẩn), viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, nang bao hoạt dịch, đau thần kinh tọa, viêm khớp phản ứng, viêm quanh khớp, viêm gân, viêm bao gân, viêm điểm bám của gân, hội chứng ống cổ tay... Tuy nhiên theo bác sĩ Dành, các bác sĩ ít lạm dụng việc tiêm corticoid trực tiếp trong điều trị vì những nguy hiểm. Trường hợp phải sử dụng biện pháp điều trị này, cần được tiêm đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phải có tay nghề để tiêm đúng vị trí và theo dõi phản ứng sau tiêm của bệnh nhân.

Một số bác sĩ chuyên khoa xương khớp cho biết việc tiêm corticoid trực tiếp trong điều trị bệnh lý xương khớp thường gặp ở phòng mạch tư do hiệu quả nhanh, bác sĩ dễ lấy tiếng thu hút bệnh nhân. Tuy nhiên, ở những nơi này điều kiện vệ sinh thường không đảm bảo, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng cho người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ thường không theo dõi diễn biến bệnh nhân sau đó nên không phát hiện sớm phản ứng sau tiêm thuốc corticoid tại chỗ để xử lý kịp thời.

Bác sĩ Võ Văn Dành cảnh báo: những dấu hiệu cho thấy việc lạm dụng dạng này là tiêm corticoid trực tiếp nhiều lần vào một khớp, hay một chỗ bị đau. Hậu quả là các gân cơ có thể bị yếu do tiêm trúng gân hoặc vùng kề cận gân gây đứt gân đã được ghi nhận... Lưu ý nếu tiêm corticoid trực tiếp vào khớp nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến mô khớp. Các tổn thương này gồm: mỏng sụn khớp, yếu các dây chằng khớp, tăng tình trạng viêm tại khớp do phản ứng với corticoid, nhiễm trùng khớp. Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa dành cho bệnh nhân khi bị bệnh khớp là không nên chọn biện pháp tiêm corticoid tại chỗ khi chưa được bác sĩ chẩn đoán và giải thích rõ ràng. Không thể tùy tiện điều trị bệnh lý xương khớp theo kiểu “đau đâu chích đó” mà bệnh nhân cần được tư vấn thêm các phương pháp điều trị khác.

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên