25/09/2017 17:55 GMT+7

'Đặt tên tiếng Anh không có lợi cho giáo dục truyền thống'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo TP.HCM, quy định về việc giáo viên không được đặt thêm tên tiếng Anh cho học sinh đã có từ lâu do "không có lợi cho giáo dục truyền thống".

Đặt tên tiếng Anh không có lợi cho giáo dục truyền thống - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM trả lời về việc thẻ ATM học đường và đặt tên tiếng Anh trong các lớp học anh văn - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 25-9, trả lời báo chí tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho rằng việc đặt thêm tên tiếng Anh cho học sinh không có lợi cho việc giáo dục truyền thống.

Ông Hiếu cho biết quy định về việc giáo viên không được đặt thêm tên tiếng Anh cho học sinh đã có từ lâu, khoảng 5 năm nay rồi, từ lúc có phụ huynh phản ánh tình trạng con em họ bị giáo viên đặt thêm cái tên tiếng Anh, khi về nhà các cháu luôn tự hào vì cái tên mới.

"Theo sở Giáo dục thì việc này không có lợi trong việc giáo dục truyền thống. Tiếng Anh là phương tiện hội nhập. Nhưng chúng ta phải giữ truyền thống", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu diễn giải thêm: Tên của mình là do cha mẹ đặt. Phải tự hào vì cái tên của mình chứ không thể cứ dùng tên nước ngoài như Peter, Marry như vậy. 

Thực tế, giáo viên bản ngữ khi tham gia giảng dạy trong nhà trường cũng phải dùng danh sách tên chính thức của học sinh mà đánh giá việc học. Không thể có thêm một cuốn sổ điểm khác với tên tiếng nước ngoài song song với sổ điểm chính thức được.

Ông Nguyễn Văn Hiếu trả lời về việc thẻ ATM học đường và đặt tên tiếng Anh - Thực hiện: TỰ TRUNG

Ông Hiếu cho biết hiện có rất nhiều trường có giáo viên bản ngữ nên Sở giáo dục đào tạo TP thấy cần thiết phải có quy định về việc này. Bản thân giáo viên bản ngữ đặt thêm tên cho học sinh cũng không nhớ hết vì mỗi giáo viên dạy nhiều lớp, một ngày dạy nhiều tiết.

"Trong trường hợp đặt thêm tên để thuận lợi trong giao tiếp mà phụ huynh đồng ý, các em cũng vui vẻ thì chúng tôi cũng không can thiệp. Tới dây sở sẽ quy định rõ hơn vấn đề này", ông Hiếu thông tin.

Trả lời câu hỏi về việc nhiều trường trên địa bàn TP yêu cầu điểm danh học sinh bằng thẻ và dấu vân tay, ông Hiếu cho biết Sở Giáo dục có đề án về thẻ thông minh đa năng và đã bắt đầu thí điểm 3 năm nay. 

Ban đầu thí điểm ở 36 trường, mục đích làm thẻ là để tiến tới việc không sử dụng tiền mặt trong nhà trường. Ngoài việc đóng học phí thì thẻ này còn để điểm danh, để đi thư viện… Khi kích hoạt thẻ thì ngân hàng mới phải thu phí. Tới đây còn tích hợp thêm chức năng đi xe buýt cho học sinh vào thẻ. 

Thẻ nhiều tiện lợi, phụ huynh cũng an tâm nhất là khi trẻ nhỏ không cần phải mang tiền theo người. Chính vì vậy Sở Giáo dục đào tạo cũng khuyến khích các trường làm. 

Đến nay đã có 336 trường với 150.000 học sinh đang sử dụng thẻ. Khi đã kích hoạt thì mức phí phụ huynh phải đóng là 13.600 đồng/ tháng.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên