11/08/2016 09:27 GMT+7

Xin lỗi cụ ông bị oan sai suốt 46 năm

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sáng 11-8, liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm - người bị oan sai suốt 46 năm qua.

Ông Trần Văn Thêm nhận quyết định  đình chỉ điều tra bị can
Ông Trần Văn Thêm nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Buổi công bố và xin lỗi diễn ra tại Hội trường Trung tâm huyện Yên Phong, thị Trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Trao quyết định đình chỉ điều tra

Trước khi diễn ra buổi công bố, ban tổ chức đã đề nghị lực lượng an ninh kiểm tra giấy mời của các phóng viên, ai không có giấy bị mời ra khỏi hội trường.

Đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, TAND tối cao, Công an tỉnh Bắc Ninh, Huyện ủy huyện Yên Phong, lãnh đạo UBND xã Yên Phụ… có mặt tại buổi buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Khắc Quang, đại diện gia đình bị hại cũng được mời đến tham dự buổi xin lỗi.

Đại diện Cơ quan cảnh set điều tra Bộ công an đọc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm
Đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đọc quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm.

Theo quyết định được ký ngày 8-8-2016, quá trình điều tra đã có đủ căn cứ kết luận ông Thêm không có hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn vào đêm 23-7-1970. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm.

Bản quyết định này được Đại tá Đoàn Tất Kỉnh trao cho ông Trần Văn Thêm. 

Bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng

Ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã thay mặt chuyên viên liên ngành tư pháp trung ương đọc lời xin lỗi công khai ông Trần Văn Thêm.

Ông Trần Văn Tuân - Phó chánh án toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thay mặt cáo cơ quan tố tụng đọc lời xin lỗi ông Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Tuân - Phó chánh án tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thay mặt cáo cơ quan tố tụng đọc lời xin lỗi ông Trần Văn Thêm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo ông Trần Văn Tuân, ông Thêm bị khởi tố điều tra theo quyết định số 95 ngày 29-7-1970 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phú cũ, ông bị tạm giam từ ngày 30-7-1970, bị truy tố về tội giết người, cướp của xảy ra đêm 23-7-1970 tại thôn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Sau đó ông Thêm bị hai cấp tòa kết án tử hình.

Năm 1975, do xuất hiện tình tiết mới (người được cho là hung thủ của vụ án xuất hiện), Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã làm thủ tục giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết oán ông Thêm để giao hồ sơ cho TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử lại.

Quá trình điều tra lại, công an tỉnh Vĩnh Phú đã xác định ông Thêm không phải là thủ phạm gây ra vụ án giết người cướp của. Do đó ông đã được trả tự do, được cấp giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên do tình hình chính trị xã hội lúc đó chưa ổn định nên vụ án chưa được đưa ra xét xử.

Trong khoảng từ năm 1980 đến 1984, bị cáo trong vụ án đã chết, chính vì vậy việc minh oan cho ông Thêm bị kéo dài.

Năm 1997, ông Thêm đã có đơn đề nghị xem xét việc minh oan cho ông. Đến năm 2004, ông Thêm nộp đơn đề nghị được bồi thường oan sai kèm theo giấy miễn lao động do bác sĩ của Bộ Công an cấp.

Ông Thêm cầm tờ giấy quyết định đình chỉ điều tra và một bó hoa lặng lẽ rời khỏi hội trường
Ông Thêm cầm tờ giấy quyết định đình chỉ điều tra và một bó hoa lặng lẽ rời khỏi hội trường - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo ông Tuân, lý do vụ việc bị kéo dài là vì chiến tranh, chia tách địa giới hành chính tỉnh nên tài liệu bị thất lạc.

Đến tháng 4-2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới thu thập được các bản án. Do đó, các cơ quan liên ngành tư pháp đã họp thống nhất về vụ việc của ông Thêm.

Kết quả cho thấy bị can Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết người cướp của nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Thêm.

“Việc kết án oan ông Thêm là lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp điều tra truy tố xét xử ông Thêm năm 1970.

Đại diện cho TAND cấp cao tại Hà Nội (trước đây là Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội), Viện KSND cấp cao tại Hà Nội (trước đây là Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án phúc thẩm), đại diện Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc xét xử đối với ông không đúng, việc minh oan lại kéo dài nhiều năm đã gây những tổn thương, mất mát cho ông. Đây là bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng, chúng tôi sẽ rút kinh nghiêm sâu sắc trong việc xét xử để không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Ngay sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Thêm. Mong ông Thêm thông cảm sâu sắc và tha thứ cho các cơ quan tố tụng đã làm oan ông” - Phát biểu của ông Trần Văn Tuân tại buổi công bố.

Ông Tuân cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với mất mát đau thương của gia đình bị hại và mong hai gia đình đoàn kết gắn bó với nhau.

Phát biểu sau khi nghe lời xin lỗi, ông Trần Văn Thêm đã gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Công an, các luật sư và gia đình đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội được minh oan trong ngày hôm nay.

Ông Thêm trình bày mong muốn duy nhất của mình: “Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã và gia đình ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua, để kể từ nay hai gia đình được nối lại quan hệ họ hàng thân thiết như trước đây".

Sau khi ban tổ chức tuyên bố kết thúc buổi xin lỗi, gia đình của bị hại Nguyễn Khắc Văn đã lớn tiếng đề nghị các cơ quan tố tụng phải xác định ai là người đã giết chết ông Văn. Tuy nhiên, đại diện ban tổ chức cho biết vấn đề đó không được giải quyết trong hôm nay.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, câu chuyện của ông Trần Văn Thêm có thể xem là hi hữu trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Năm 1970, ông Thêm bị cáo buộc giết chết em họ để cướp của. Sau đó ông bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tử hình dù liên tục kêu oan.

Cuối năm 1975, khi người được cho là hung thủ của vụ án bị bắt, ông Thêm được trả tự do nhưng chỉ có tờ giấy cho trở về nhà vì được miễn lao động nặng. Sau đó ông đã nộp giấy chứng nhận này cho chính quyền địa phương nơi ông cư trú.   

Từ đó, ông Thêm và các cháu đã gõ cửa nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương để nộp đơn kêu oan, đề nghị được minh oan. Tuy nhiên hồ sơ bị tắc do ông không nộp được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mình từng đi tù, từng bị kết án tử hình.

Chính bản thân ông Thêm và người đại diện theo ủy quyền của ông cũng không biết hai bản án tuyên tử hình đối với ông đã bị cấp giám đốc thẩm hủy hay chưa. Bởi một số cơ quan tố tụng ở trung ương và địa phương đã có văn bản trả lời không tìm thấy bất cứ tài liệu nào về vụ việc của ông.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Hòa (đại diện ủy quyền của ông Thêm) và luật sư đã trích lục được hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ đó ông Hòa tăng cường gửi đơn tới TAND tối cao đề nghị giải quyết.

Ông Thêm được con cháu dắt vào hội trường huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Thêm được con cháu dắt vào hội trường huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Trần Văn Thêm tại buổi công bố - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Sau khi kết thúc buổi lễ công bố, các con của gia đình nạn nhân Nguyễn Khắc Văn tỏ thái độ bức xúc khi cơ quan điều tra không công bố ai là hung thủ giết chết cha của họ
Sau khi kết thúc buổi công bố, các con của gia đình nạn nhân Nguyễn Khắc Văn tỏ thái độ bức xúc khi cơ quan điều tra không công bố ai là hung thủ giết chết cha của họ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên