24/09/2017 13:42 GMT+7

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ cuối: Xã hội tình nguyện

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTO - Tại nhiều ngôi trường mà chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc trong suốt chuyến đi, từ tiểu học đến trung học, bên cạnh vị hiệu trưởng bao giờ cũng có thêm một số tình nguyện viên của nhà trường.

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ cuối: Xã hội tình nguyện - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên xoa bóp, bấm huyệt cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Trường Canh (Lâm Khẩu, Đào Viên) - Ảnh: D.TRƯỜNG

Những người "chí công"

Các tình nguyện viên này người thì chăm sóc cây xanh nơi sân trường, người vào bếp nấu ăn cho học trò, có người lên thư viện xếp sách, đọc sách cùng học sinh, có người trực phòng y tế chăm sóc răng miệng, dạy phụ đạo, điều tiết giao thông, tổ chức lễ hội... 

Có trường có đến 80 - 90 tình nguyện viên. Họ làm việc thường xuyên, người nào việc đó, giờ nào việc nấy, đóng góp công sức theo sở trường, sở thích, sở nguyện của từng người và dĩ nhiên không nhận thù lao!

Chị Chung Tiểu Hàm, từng là phụ huynh học sinh Trường tiểu học Cảng Hòa (Tiểu Cảng, Cao Hùng), cho biết dù con mình hiện không còn học ở đây nữa, chị vẫn tiếp tục làm tình nguyện viên huấn luyện thiên văn của trường suốt 12 năm qua. 

Ngôi trường này nổi danh nhờ một thứ "đồ chơi" đặc sắc: có một đài thiên văn và một trung tâm giáo dục thiên văn cho học sinh cả vùng!

Chị Chung đã góp mặt cùng các thầy cô của trường đi khắp nơi giới thiệu về các loại thiết bị nhìn ngắm trăng sao, chia sẻ các câu chuyện thú vị, những bài học bổ ích từ bầu trời và tổ chức các chuyến đưa học sinh các trường khác về Cảng Hòa để học cách "ngước nhìn lên trời cao"...

Những người như chị Chung được mọi người tại Đài Loan gọi là "chí công". Ở đâu trên lãnh thổ này cũng có thể bắt gặp họ, làm những công việc tình nguyện bình thường hằng ngày, suốt năm suốt tháng chứ không phải theo kiểu phong trào, chiến dịch.

Tại trường học, bệnh viện, thư viện, sở di dân, khu hành chính, quỹ từ thiện, ngoài đường sá hay trong hội quán dành cho cư dân mới..., dễ dàng bắt gặp các tình nguyện viên với nụ cười rạng rỡ, cử chỉ nhẹ nhàng và thái độ thân thiện trong công việc phục vụ cho cộng đồng.

Tình nguyện viên ở Đài Loan không phân biệt tuổi tác, không chỉ người già, người về hưu, mà có cả thanh niên nam nữ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trường học luôn có các môn học, các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học sinh, sinh viên giúp đỡ xã hội và phục vụ công ích.

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ cuối: Xã hội tình nguyện - Ảnh 2.

Một tình nguyện viên (nghĩa giao) điều tiết giao thông trên đường phố - Ảnh: D.TRƯỜNG

Tinh thần phục vụ xã hội

Chúng tôi thật xúc động và bất ngờ khi được gặp Trần Ngọc Thủy trong cuộc làm việc chính thức với Tổng thư viện Đài Bắc! Hóa ra người phiên dịch cho chúng tôi lại là một cô gái Việt. Quê của Thủy ở vùng chôm chôm Long Khánh, du học và rồi chọn xứ Đài làm quê hương thứ hai. 

Bạn hiện là thành viên tích cực của Hiệp hội Kế thừa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Đài Loan: vừa dạy tiếng Việt, quảng bá văn hóa Việt Nam, vừa diễn xuất cho các chương trình truyền hình của nhóm Ngôi sao Việt của hiệp hội.

Ngoài thời gian đi học cao học, dạy học và hoạt động cho hiệp hội, Ngọc Thủy còn là một tình nguyện viên tại Sở Di dân Đài Bắc, chuyên giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục cho dân chúng, phiên dịch và hỗ trợ đơn từ cho người nhập cư...

Ngọc Thủy chia sẻ: "Nếu nói về các tình nguyện viên, nhiều người nước ngoài khi đến Đài Loan cảm thấy khó hiểu. Dẫu biết rằng xã hội nào cũng có người nhiệt huyết phục vụ xã hội, nhưng tại sao Đài Loan lại có nhiều người tình nguyện đến vậy? Họ là ai? Sao họ lại nhàn rỗi đến vậy? Chẳng lẽ họ không cần lo lắng gì đến kinh tế và gia đình khi xả thân phục vụ xã hội?".

Tôi thấy mình đang được hưởng thụ niềm vui khi phục vụ người khác!

HÀN TÂY VINH

Cái thắc mắc mà Ngọc Thủy đặt ra ấy được anh Lý Côn Hiến (một cán bộ của Sở Giáo dục thành phố Cao Hùng được phân công làm "hoa tiêu" cho chúng tôi trong những ngày làm việc ở đô thị này) giải đáp tường tận như sau:

Từ hơn 20 năm trước, chính quyền đã khuyến khích những người lớn tuổi, cả những người về hưu đi làm tình nguyện vì đem lại hai lợi ích: vừa tạo nguồn lực giúp ích xã hội, vừa làm cho cuộc sống của mỗi người càng thêm có ý nghĩa. 

Giáo viên (về hưu) có thể quay lại cống hiến cho nhà trường, bác sĩ (về hưu) có thể quay lại phục vụ nơi bệnh viện và các công chức hưởng lương hưu vẫn có thể tiếp tục phụng sự cộng đồng...

Các tổ chức phi chính phủ, đội tình nguyện được phép hoạt động thường xuyên ở khắp mọi nơi. Ngoại trừ đội ngũ tình nguyện viên điều tiết giao thông (được gọi là nghĩa giao) và phòng cháy chữa cháy (phượng hoàng chí công) do cảnh sát trực tiếp huấn luyện nghiệp vụ và điều phối hoạt động chung, các lực lượng còn lại đều là những mô hình tự quản.

Tình nguyện dần trở thành một trào lưu của xã hội. Từ đó, tiến thêm bước nữa, chính quyền thúc đẩy lực lượng học sinh, sinh viên tham gia tình nguyện ngay từ khi còn đang đi học thông qua giáo dục chính khóa, hoạt động ngoại khóa, đánh giá xếp loại định kỳ, quy định ưu tiên xét tuyển... 

Tất cả vừa làm cho nhà trường gắn bó thực sự với cộng đồng, vừa giúp mỗi bạn trẻ hình thành tinh thần học tập để phục vụ xã hội.

Một "chí công" tên Hàn Tây Vinh, có thâm niên mười mấy năm tình nguyện tại Sở Di dân Đài Bắc đã khiến chúng tôi phải khâm phục về ý nghĩa sâu sắc của tinh thần tình nguyện của người Đài Loan, khi cho biết: "Tôi thấy mình đang được hưởng thụ niềm vui khi phục vụ người khác!".

Tình nguyện để chia sẻ hoạn nạn

Đài Loan thường xuyên gặp thiên tai. Bão lớn bão nhỏ, năm nào cũng có. Tính từ 1911-2016 (105 năm), hòn đảo hình chiếc lá này hứng chịu 360 cơn bão lớn, trung bình mỗi năm chịu 3-4 trận. Dư chấn không thể đếm hết. Chỉ kể những cuộc từ 5 độ richter trở lên, suốt từ năm 2013 đến nay năm nào cũng có một trận động đất gây thiệt hại về người và của.

Khi thiên tai xảy ra tại một vùng nào đó, chính quyền lập tức thành lập bộ phận chỉ huy xử lý với trách nhiệm giao rõ cho người đứng đầu. Sau khi bão tan, động đất ngưng, sẽ huy động quân đội và các đội nhóm tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả, khôi phục cuộc sống với những kế hoạch đã định sẵn: nhóm nào bảo vệ tài sản, nhóm nào dọn dẹp hiện trường, nhóm nào khôi phục điện nước, nhóm nào sửa chữa máy móc, thiết bị...

Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 3: Rác và nhạc Beethoven Đài Loan - những điều trong thấy - Kỳ 2: Những cửa hàng tiện lợi Đài Loan - những điều trong thấy - Kỳ 2: Những cửa hàng tiện lợi Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 1: Nhập môn... thành phố đảo Đài Loan - Những điều trông thấy - Kỳ 1: Nhập môn... thành phố đảo
DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên