26/05/2017 10:18 GMT+7

Đại biểu Quốc hội lo GDP không đạt 6,5%

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ

TTO - Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách ngày 25-5, Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng tăng trưởng GDP bốn tháng đầu năm chỉ 5,1% thì mục tiêu 6,7%/năm 2017 khó mà đạt được.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nói chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay khó đạt được - Ảnh: TTXVN
Đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nói chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay khó đạt được - Ảnh: TTXVN

Đại biểu này thắc mắc: “Tín dụng tăng cao không biết chảy đi đâu, chảy vào xuất nhập khẩu, bất động sản hay vào sản xuất? Giải ngân vốn đầu tư vẫn thấp, còn chi thì năm nào cũng vượt. Cứ lẹt đẹt thế này thì kế hoạch 5 năm sẽ phải thay đổi”.

GDP có khi không đạt 6,5%

Ông Phạm Quang Thanh cho rằng Chính phủ cần có giải trình kỹ hơn để đại biểu nhìn thấy không chỉ thuận lợi, mà còn nhìn rõ cả những khó khăn, rủi ro.

“Liên quan đến kế hoạch 2017, tôi lo ngại cuối năm sẽ phải xin điều chỉnh, vì GDP có khi còn không đạt 6,5%. Chính phủ cần có kịch bản thật sát thực tế”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng băn khoăn là tại sao nhiều chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016 đạt mà chỉ tiêu GDP lại không đạt? Ông đề nghị Quốc hội phân tích kỹ để tình trạng này không lặp lại vào năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cùng đoàn Hà Nội cho rằng “có rất nhiều vấn đề đòi hỏi cần có giải pháp, vì thấy nền kinh tế của ta kém phát triển, phát triển không bền vững”.

Theo ông Bình, kinh tế phát triển chậm, tăng trưởng thấp chỉ 5,1% trong quý 1-2017, cơ cấu kinh tế không có sự chuyển biến rõ rệt.

Công nghiệp và xuất khẩu phụ thuộc vào khai khoáng và giá dầu. Công nghiệp chế biến và xuất khẩu giảm, nông nghiệp cũng giảm. Đầu tư nước ngoài vốn lớn nhưng giải ngân lại thấp. Doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng thuế thu về ít chứng tỏ hoạt động sản xuất hàng hóa thấp.

“Chính phủ cần phải có giải pháp quyết liệt, giải pháp mới, nhưng thực tế nền kinh tế xoay chuyển chậm. Chín giải pháp đưa ra là truyền thống, có cái giải pháp ngắn hạn, dài hạn. Để tăng trưởng 6,7% thì cần có giải pháp mạnh” - ông Bình nhấn mạnh.

Năng suất lao động thấp

“Về chủ trương thì gần đây chúng ta xem kinh tế tư nhân là động lực phát triển đất nước, nhưng lại chưa thấy đầu tư tương xứng để thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ nói rất ngắn gọn là nhanh chóng thực hiện các nghị quyết đã được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5” - đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) nhận xét.

Phân tích các yếu tố tác động đến GDP, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế chưa đạt như mong muốn, chứ không chỉ là công nghiệp khai khoáng giảm, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

“Năng suất lao động của VN so với khu vực rất thấp, chỉ bằng 3,8% so với năng suất lao động của Singapore, 17,4% so với Malaysia và 36,6% so với Thái Lan... Đằng sau con số năng suất lao động đã thể hiện trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế rất thấp.

Bây giờ VN đã hội nhập rồi, các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, môi trường kinh doanh tương đồng, nếu năng suất lao động như vậy thì rất khó cạnh tranh” - ông Toàn phân tích.

Đại biểu Toàn “đề nghị Chính phủ phải có giải pháp mạnh để tập trung ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, có biện pháp hạn chế tối đa nhập khẩu công nghệ lạc hậu của nước ngoài để đảm bảo phát triển bền vững”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói GDP đã lạc hậu - Ảnh: V.DŨNG
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói GDP đã lạc hậu - Ảnh: V.DŨNG

Chỉ giải ngân được hơn 19% vốn đầu tư công

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá quyết tâm của Chính phủ giữ mức tăng GDP 6,7% là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên ông Nghĩa cũng băn khoăn để có GDP tăng 6,7% thì sẽ đi kèm nhiều quyết định, chính sách khác và có thể sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

“Thực ra GDP đã lạc hậu rồi, vì muốn tăng GDP đến 8% cũng được thôi, nhưng cái giá phải trả là gì mới quan trọng. Việc này các nước đã trải qua nhiều bài học, nhất là Trung Quốc” - ông Nghĩa nói.

Theo ông, Chính phủ nên giải trình thêm về mục tiêu này, ông cho rằng có thể chỉ tăng trưởng GDP 6,3% nhưng nhân dân, cử tri vẫn hài lòng nếu Chính phủ cho thấy đó là phát triển bền vững, phù hợp với tình hình thực tế.

Một nguyên nhân khác khiến GDP tăng chậm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), là do đầu tư công giải ngân chậm, chỉ hơn 19% so với dự toán, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Ông Ngân cũng đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương phân bổ đủ vốn cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) để không ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngay sau buổi họp tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã gửi phiếu chất vấn vấn đề này đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng và cho biết nếu chưa được trả lời thỏa đáng, ông sẽ tiếp tục chất vấn tại hội trường.

Thủ tướng: Không tăng trưởng tốt thì không ổn

Thảo luận tại tổ vào chiều 25-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông cùng tập thể Chính phủ đã rất quyết tâm trình Quốc hội chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%.

Tuy nhiên khi thực hiện thì tình hình khách quan không thuận lợi, đó là giá dầu thấp nên khai thác sụt đi 3 triệu tấn. Rồi sự cố cháy nổ của Samsung Galaxy Note 7 làm hụt đi 1 tỉ USD xuất khẩu, tương đương 0,5% GDP nữa. Hai việc này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 1.

“Đây là nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần có phân tích kỹ lưỡng. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều bất cập tồn tại mà thấm thía nhất là việc giải ngân chậm vốn đầu tư công” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết vừa qua đã chủ trì phiên họp lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu để đưa ra kịch bản chính xác về tăng trưởng. “Không thể mãi kéo dài bài ca khách quan. Không tăng trưởng tốt thì không ổn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tính ra từng mặt hàng một, từng yếu tố, thành phần tăng trưởng một để thúc đẩy tốt hơn.

Tháng 4 và tháng 5 tình hình tăng trưởng tốt hơn quý 1 và hi vọng là sẽ loại trừ được những yếu tố bất khả kháng để năm nay thực hiện lời hứa, chỉ tiêu mà Quốc hội, trung ương giao cho Chính phủ.

Không “đẻ” thêm giấy phép con

Chính phủ, Bộ Công thương sẽ “không đẻ thêm giấy phép con”, “sẽ công khai, minh bạch” để tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho hoạt động xúc tiến thương mại, ngoại thương...

Đây là những điều được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định trong phần tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 25-5 về dự thảo Luật quản lý ngoại thương.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật quản lý ngoại thương, hầu hết các đại biểu khẳng định tính cần thiết, sự khả thi và chất lượng dự thảo luật. Các đại biểu đề nghị ban hành sớm Luật quản lý ngoại thương, “một dự án luật rất quan trọng cho đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Các đại biểu đều cho rằng cần có một đầu mối thống nhất xúc tiến thương mại ở ngoài quốc gia đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế, ngoại thương của Việt Nam, hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp cũng như bảo vệ hợp pháp lợi ích nền sản xuất trong nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cơ quan này sẽ “đảm bảo cơ chế công bằng, minh bạch, đồng thời chống lợi ích nhóm, gây tổn hại cho doanh nghiệp”.

Theo ông, dự thảo luật xây dựng dựa trên các luật định và Hiến pháp, nên đảm bảo cao nhất quyền tự do kinh doanh theo khuôn khổ pháp lý. Hoàn toàn không có thêm bất cứ nội dung, điều khoản nào chứa đựng quy định về giấy phép mới, giấy phép con. Tinh thần chung là đảm bảo “môi trường kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp”.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương đặt mục tiêu năm 2017 sẽ giảm 30% thủ tục hành chính và sẽ tiếp tục công khai hóa, đơn giản hóa các thủ tục. Bộ cũng sẽ thực hiện rất rõ ràng, đầy đủ cơ chế phân cấp cho các chính quyền địa phương.

ĐỨC BÌNH

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên