21/03/2012 04:40 GMT+7

Đặc nhiệm chống khủng bố Nga đến Syria?

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Matxcơva đã triển khai một đội quân chống khủng bố đến Syria. Trước đó, Saudi Arabia cũng tuyên bố trang bị vũ khí cho phe nổi dậy. Tình hình Syria sẽ diễn biến ra sao?

Biệt đội chống khủng bố của Nga tới Syria

XgxAEOzm.jpgPhóng to

Quân nổi dậy Syria trú ẩn trong một căn nhà ở tỉnh Idlib - Ảnh: AFP

Interfax cho biết tàu chở dầu Iman thuộc hạm đội Biển Đen của Nga đã cập cảng Tartus ở Syria bên bờ Địa Trung Hải, trên tàu có một đội đặc nhiệm chống khủng bố của hải quân Nga. Trong khi đó, theo RIA Novosti, ngày 20-3 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bác bỏ việc tàu Nga chở quân đổ bộ vào Syria.

Tuy nhiên, Interfax dẫn lời các quan chức hạm đội Biển Đen cho biết tàu Iman đến Syria thay thế một tàu khác của Nga được đưa đến trước đó để khẳng định sự hiện diện của Matxcơva tại Syria. Tàu này có thể sẽ tham gia sơ tán công dân Nga.

RIA Novosti cho biết Bộ Quốc phòng Nga hôm 19-3 xác nhận tàu chở dầu Iman có đến bờ biển Syria, nhưng để mang theo nhiên liệu và thực phẩm cung cấp cho hạm đội Biển Đen và Biển Bắc của Nga đang tham gia tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden. Các thủy thủ đoàn được các nhân viên an ninh hộ tống.

Ủng hộ ông al-Assad?

Nga kêu gọi ngừng bắn “lập tức”

Nga đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Ủy hội Chữ thập đỏ quốc tế (CICR) và yêu cầu Syria lập tức ngừng bắn hai giờ mỗi ngày để CICR có thể tiếp cận những người bị thương và thường dân cần di tản. Theo AFP, Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh động thái này của Nga và coi đây là một sự thay đổi trong lập trường công khai của Matxcơva.

ABC News dẫn lời chuyên gia về an ninh của Nga Mark Galeotti nhận định sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Syria có thể là một cách thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. “Họ là người bạn cuối cùng của ông al-Assad” - chuyên gia Galeotti nhận định. Báo New York Times dẫn lời một quan chức thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gọi đây là “một quả bom” và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Từ lâu, Nga đã có mối quan hệ khăng khít với chính quyền al-Assad qua việc bán hàng tỉ USD vũ khí cho Syria. Đổi lại, Nga được đóng quân ở căn cứ hải quân tại Tartus, cửa ngõ giúp Nga đi vào Địa Trung Hải.

Theo báo cáo được công bố ngày 19-3 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2007-2011 số vũ khí được đưa vào Syria đã tăng gần 600% so với năm năm trước đó, trong đó 78% số vũ khí nhập vào Syria là từ Nga. Báo cáo của SIPRI nhấn mạnh Nga vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Syria trong khi Mỹ, EU và một số nước khác áp đặt lệnh cấm vận vũ khí để đáp lại việc chính quyền Tổng thống al-Assad trấn áp các cuộc nổi dậy.

Quân nổi dậy được trang bị vũ khí

Trong khi đó, AFP dẫn lời một nhà ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này đã bắt đầu chuyển vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria. “Các thiết bị quân sự của Saudi Arabia đang trên đường đến Jordan để trang bị cho phe nổi dậy hay Quân đội giải phóng Syria - nhà ngoại giao Saudi Arabia giấu tên nói - Đây là giải pháp của Saudi Arabia nhằm ngăn chặn bạo lực ở Syria”.

Tuần trước, Bộ trưởng thông tin Syria Adnan Hassan Mahmoud tố cáo một số nước như Qatar, Saudi Arabia đang tài trợ và cung cấp vũ khí cho các “nhóm khủng bố” chống chính phủ.

Những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đang lan rộng và đẫm máu. Theo Reuters, quân nổi dậy hôm 19-3 đã đụng độ ác liệt với quân chính phủ ở thủ đô Damascus sau khi bị đẩy lùi ở các thành phố Homs và Idlib. Đáng chú ý, giao tranh xảy ra gần khu vực có nhiều đại sứ quán và các cơ quan an ninh.

Quân nổi dậy đang bị Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) cáo buộc gây ra các vụ ngược đãi nghiêm trọng như bắt cóc, tra tấn, xử tử những người ủng hộ và binh sĩ chính phủ. HRW cho rằng các cuộc tấn công của phe nổi dậy mang động cơ xung đột sắc tộc, nhằm vào dòng Hồi giáo Alawite, một nhánh nhỏ của dòng Shi’ite. Ở Syria, người Sunni chiếm 75% trong khi dòng Alawite cầm quyền chỉ chiếm thiểu số.

Các nhà phân tích lo ngại cuộc nổi dậy có thể chuyển hướng thành nội chiến, đẩy dòng Alawite của ông al-Assad chiến đấu chống lại dòng Sunni ở Syria. Điều này có thể gây ra căng thẳng và chia rẽ về sắc tộc ở Trung Đông, khiến đồng minh của Syria là Iran, dòng Shi’ite ở Libăng và Iraq chống lại dòng Sunni cầm quyền đang chiếm ưu thế ở các nước Ả Rập từ Ai Cập tới vùng Vịnh.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên