05/02/2017 10:58 GMT+7

Đã quên trị tiếng ồn?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Còn nhớ trong nửa sau thế kỷ trước, thầy cô thường cấm học sinh dùng các từ “tại, bị...”. Không rõ ở thời điểm một phần ba nửa đầu thế kỷ 21 này, nhà trường có “giáo dục, đào tạo” học sinh ngày nay cũng đừng “tại, bị...” nữa hay không, chứ dường như xã hội ngày nay đang “tại, bị” nhiều quá!

Thật khác với những tự hào của một xã hội được cho là xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng Internet, sau Trung Quốc (674 triệu), Ấn Độ (354 triệu), Nhật Bản (114,9 triệu), Indonesia (73 triệu), Philippines (47,1 triệu) và đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, tính đến tháng 6-2015 (nguồn: Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế, internetworldstats)!

Thế nhưng, không rõ vô mạng để làm gì, song nghe các quan phường than không có thiết bị đo tiếng ồn, kiến nghị hỗ trợ thiết bị đo tiếng ồn mà thấy hoài nghi về nội dung vô mạng của các sếp này.

Cứ như thể các ông ấy không sắm nổi các điện thoại “vuốt vuốt”?

Và nếu có, cũng không biết có chịu tìm hiểu hay không, dù nó quá dễ đến độ một người đã qua tuổi về hưu đến vài năm như tôi cũng biết rằng trong mọi điện thoại thông minh có cả lô ứng dụng đo tiếng ồn cả miễn phí lẫn có phí, chỉ cần gõ vào Google ba chữ “Sound Meter Application” (ứng dụng đo âm thanh)!

Độ chính xác cũng không dở, y hệt như muốn xem hiện có bao chuyến bay đang làm nghẽn bầu trời sân bay Tân Sơn Nhất, có nghẽn hơn các sân bay Bangkok và Singapore hay không, chỉ cần cài ứng dụng Flightradar24 là thấy ngay!

Nếu biết (tằn tiện) sử dụng tích cực các ứng dụng đó để đo đạc tiếng ồn và nhắc nhở, khuyến khích người dân cùng sử dụng các ứng dụng đó để tự điều chỉnh volume dàn loa của họ, có lẽ sẽ khôi phục lại thói tốt giữ yên tịnh phố phường, mà cách đây mới khoảng hai, ba chục năm thôi vẫn còn là nét đẹp của thành phố này.

Thật vậy, không rõ thế hệ cảnh sát giao thông hiện tại có biết hay nhớ rằng mới hai, ba chục năm trước, chạy xe hai bánh “đôn dên” mà gỡ ống tiêu đặng nẹt pô cho “thiệt đã” sẽ bị thổi phạt ngay!

Thật khác với ngày nay, xe bình bịch càng gầm rú giữa phố phường, càng ra vẻ “anh hùng” một cách “tự do đến thế là cùng!”.

Có phải luật giao thông nay đã thôi phạt xe gây tiếng ồn? Chắc là không, vì luật giao thông Việt Nam cũng đâu khác gì luật giao thông thế giới - bởi thế từ một năm qua mới cấp bằng lái quốc tế được thừa nhận khắp thế giới.

Báo chí cũng thế, hai chục năm trước còn đăng khiếu nại “mở loa gây ồn ào” của bạn đọc, bây giờ cũng không tha thiết phản ánh nữa!

Các đài truyền hình cũng đã thôi đến 22h nhắc nhở “Xin quý vị khán giả điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để đừng làm phiền hàng xóm”!

Đã vậy, các trường học còn vô tư vặn loa “sinh hoạt dưới cờ” inh ỏi như một lẽ tự nhiên, làm gương cho học sinh lớn lên cứ vậy mà phát huy!

Hay là đã quên trị tiếng ồn rồi? Không rõ nay có bao nhiêu (phần trăm) người có đọc và thấm bài đọc trích từ Vô gia đình của Hector Malot đoạn thầy trò gánh xiếc rong, cả người lẫn khỉ, bị hiến binh giải về bót vì mải mê kéo đàn quá 9h tối?

Câu chuyện hư cấu đó là của cuối thế kỷ 19, cách đây khoảng 139 năm và cũng chẳng phải là chuyện lạ của mỗi xứ đó!

Đã có một dạo thành phố này thi nhau xây dựng “văn minh đô thị”. Và văn minh đô thị là gì, nếu không phải gầy lại cái nếp cũ “không gây ồn ào, tôn trọng người khác”! “Hòn ngọc Viễn Đông” hoặc “Hà Nội ngàn năm văn vật” mà cụ Vũ Trọng Phụng hư cấu cảnh các “thầy Min-đơ, Min-toa” ngày ngày đạp xe khắp băm sáu phố phường “săn” rác đổ bậy... đã từng tôn trọng sự yên tịnh của hàng xóm như thế!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên