06/10/2008 06:00 GMT+7

Cướp biển công nghệ cao

HIẾU TRUNG tổng hợp
HIẾU TRUNG tổng hợp

TT - Cục Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết đối với bọn cướp biển hiện nay, những loại vũ khí cổ như dao, kiếm… đã quá lỗi thời bởi chúng giàu có hơn xưa rất nhiều. Báo cáo mới đây của Tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) cho biết tính từ đầu năm 2008 đến nay, chỉ riêng bọn cướp biển Somalia đã kiếm được 18-30 triệu USD tiền chuộc tàu và con tin. Với những đồng USD thuận tiện cho việc mua bán trao tay (cướp biển chỉ nhận tiền chuộc bằng USD), chúng đầu tư lớn vào công nghệ hiện đại.

Cướp biển thời hiện đại:

Đối với nhiều người, cướp biển là một khái niệm của quá khứ. Giống như bộ phim Mỹ Cướp biển vùng Caribbean, người ta hình dung bọn hải tặc là những thủy thủ vạm vỡ, luôn lăm lăm đao kiếm, lang thang qua các đại dương trên những con tàu lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế cướp biển thời hiện đại vẫn đang tồn tại và “sống khỏe”, rất khác so với những bậc tiền bối của chúng vài trăm năm trước dù vẫn tàn bạo và khát máu chẳng kém gì. Chúng hiện đại hơn, có tổ chức hơn, chiến thuật tinh vi hơn…

Kỳ 1:

vFTM2XGg.jpgPhóng to
Sơ đồ các vụ tấn công của cướp biển năm 2007, theo khảo sát của IMB - Ảnh: USA Today

Tàn bạo hơn và tham lam hơn

Các vụ tấn công thời gian qua cho thấy bọn cướp biển thường sử dụng súng lục, súng tiểu liên, súng máy, thậm chí cả súng phóng lựu và phóng rocket. Chúng còn rất sẵn canô cao tốc, điện thoại di động và điện thoại vệ tinh. Vụ cướp tàu Faina chở vũ khí cho thấy cướp biển Somalia có tổ chức như thế nào. Chúng có hẳn người phát ngôn, thường xuyên liên lạc với báo chí nước ngoài bằng điện thoại vệ tinh, thậm chí còn chơi trò PR với báo giới qua những lời thanh minh, trần tình.

Theo nghiên cứu của Cục Hàng hải quốc tế, cướp biển hiện vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với ngành vận tải hàng hải toàn cầu, đặc biệt trên các vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, bờ biển Somalia khu vực vịnh Aden, biển Đỏ, eo biển Malacca, eo biển Singapore...

Ngoài ra, cướp biển cũng hoành hành ở vùng biển phía bắc châu Phi, Iran, biển Địa Trung Hải... cho dù đã biến mất trên vùng biển Caribbean nhờ nỗ lực của Hải quân hoàng gia Anh và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

Chiến thuật tấn công của bọn cướp biển hiện đại cũng đã tinh vi rất nhiều theo chiều hướng ngày càng hiệu quả. Khi xưa, các bậc tiền bối của chúng thường lướt trên mặt nước bằng tàu lớn, tấn công bừa bãi bất cứ mục tiêu nào chúng bất ngờ phát hiện. Tuy nhiên, “hậu sinh khả úy”, cướp biển ngày nay linh hoạt và có tổ chức hơn rất nhiều. Chúng chỉ sử dụng tàu lớn làm “trụ sở” để từ đó các tàu con, đặc biệt là canô cao tốc, tỏa ra lùng sục và tấn công.

Theo IMB, vụ cướp biển Somalia tấn công tàu Seabourn Spirit (Mỹ) vào tháng 11-2005 dù không thành công, hay như vụ cướp tàu chở vũ khí Faina mới đây đều là ví dụ điển hình của chiến thuật tấn công hiện đại. Khi đó, bọn cướp biển trên hai canô cao tốc truy đuổi tàu Seabourn Spirit và tàu Faina, bắn súng máy và súng phóng lựu về phía con tàu để buộc thủy thủ đoàn phải ngừng tàu.

Thông thường, mỗi canô cao tốc của bọn cướp biển chỉ đủ chở vài người, tuy nhiên chừng đó là đủ bởi chúng lợi dụng một ưu thế là những tàu biển hiện đại chỉ cần một số lượng thủy thủ không nhiều. Bọn cướp biển hiện nay rất thành công bởi thương mại quốc tế hiện tại dựa rất nhiều vào hàng hải.

Để thu hẹp khoảng cách và thời gian vận tải, nhiều tàu chở hàng thường đi qua những vùng biển hẹp như kênh đào Suez, kênh đào Panama hay eo biển Malacca, do đó chúng dễ dàng bị các canô nhỏ có tốc độ cao tiếp cận. Hơn nữa, các tàu chở hàng hiện nay thường có tốc độ thấp càng dễ trở thành mồi ngon của bọn cướp biển. Một lợi thế của tàu nhỏ mà cướp biển hay sử dụng là chúng có thể dễ dàng ngụy trang thành tàu đánh cá khi không đánh cướp, có thể dễ dàng qua mặt các đội tuần tra trên biển.

Trong một số trường hợp, bọn cướp biển hiện nay không quan tâm đến hàng hóa các con tàu chở, mà chúng chỉ muốn lấy đồ vật cá nhân của các thủy thủ, và chủ yếu là két sắt trên tàu vốn thường chứa một lượng tiền mặt lớn để trả lương cho thủy thủ và phí ra vào cảng. Nhiều nhóm cướp biển khác tàn bạo và tham lam hơn rất nhiều. Chúng thường tặng mỗi thủy thủ trên tàu cướp được một viên đạn vào đầu, ném thi thể họ xuống biển, rồi lái tàu về cảng, sơn sửa lại, mua giấy tờ giả từ quan chức tham nhũng và có quan hệ với chúng, biến nó thành một con tàu mới.

Mối đe dọa với hàng hải quốc tế

IMB tính toán mỗi năm nạn cướp biển toàn cầu gây tổn thất kinh tế tới 13-16 tỉ USD, là nguy cơ lớn đối với giao thông trên biển và thương mại quốc tế. Mới đây, Tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) đưa ra cảnh báo gây giật mình: thương mại toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn, các tuyến đường biển có thể bị thay đổi nếu nạn cướp biển ở Somalia tiếp tục gia tăng và kết nối với các lực lượng vũ trang.

Chatham House cho biết nếu cướp biển Somalia cứ tiếp tục hoành hành, tàu từ châu Á và Trung Đông chở dầu và hàng hóa sẽ phải tránh đi con đường ngắn là vịnh Aden/kênh đào Suez và đi đường vòng đến châu Âu, Bắc Mỹ bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi). “Tốn thêm thời gian vận tải và việc tăng lượng dầu tiêu thụ, đặc biệt trong thời điểm giá dầu là một mối quan ngại lớn, sẽ làm tăng thêm đáng kể chi phí chuyên chở hàng hóa”, Chatham House nhận định.

Chatham House cũng cảnh báo nguy cơ môi trường và nhân đạo do bọn cướp biển có thể gây ra. Tháng 4-2008, một tàu chở dầu Nhật bị cướp biển bắn ngoài khơi Somalia làm dầu tràn ra biển.

Mỗi năm, có tới 50.000 tàu đi qua eo biển Malacca, chuyên chở khoảng 1/4 lượng hàng hóa thương mại toàn cầu, bao gồm dầu thô, hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, cà phê Indonesia… Khoảng 1/4 lượng dầu chuyên chở trên biển đi qua eo biển Malacca chủ yếu từ các nhà cung cấp tại vịnh Ba Tư đến các thị trường châu Á. Một sự đứt quãng về giao thông do cướp biển gây ra sẽ khiến thương mại châu Á khủng hoảng.

Ngoài chi phí đội lên do phải đi đường vòng, nạn cướp biển cũng khiến chi phí bảo hiểm và an ninh của các con tàu tăng lên đáng kể. Để giảm thiểu thiệt hại từ nạn cướp biển, các công ty bảo hiểm thường tăng phí bảo hiểm đối với các con tàu phải đi đến những vùng biển nguy hiểm, trong khi các chủ tàu cảm thấy cần phải thuê lực lượng an ninh có vũ trang để bảo vệ tàu.

_________________

Tại châu Phi, sau Somalia thì vùng bờ biển Nigeria là nơi bọn cướp biển hoành hành ngang ngược, trở thành nỗi kinh hoàng của ngư dân và các công ty dầu khí.

Kỳ tới: “Điểm nóng” Nigeria

HIẾU TRUNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên