22/11/2020 09:29 GMT+7

Cuốn sách viết ở tuổi 92 của nữ đạo diễn Xuân Phượng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sáng 20-11 tại Hà Nội, tác giả Xuân Phượng rạng rỡ bước lên bục nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho cuốn hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ) bà vừa hoàn thành ở tuổi 92.

Cuốn sách viết ở tuổi 92 của nữ đạo diễn Xuân Phượng - Ảnh 1.

Ảnh: T.ĐIỂU

Lâu nay, sách viết về nông dân, công nhân rất nhiều nhưng rất ít những cuốn sách hay viết về trí thức. Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về trí thức, những người đã vượt qua tất cả để đến với cách mạng, với niềm hạnh phúc và cả sự đắng đót.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Đây là một cuốn sách hấp dẫn không chỉ cho thấy số phận đặc biệt của một con người, mà còn cho thấy lịch sử phức tạp và cảm động của đất nước trong một giai đoạn đầy biến động, được viết bởi một nữ đạo diễn phim tài liệu cách mạng nổi tiếng sinh ra trong một gia đình trí thức tư sản.

anh box 2

Tác giả Xuân Phượng - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Giọng kể chuyện rủ rỉ bình thản của một người từng trải nhìn lại cuộc đời mình, cộng với lối văn hóm hỉnh, khúc chiết, đầy năng lượng lạc quan của một cá tính mạnh mẽ khiến người đọc được khóc cười với cuộc đời lắm khúc quanh co của tác giả cũng như những câu chuyện vui buồn của đất nước trong gần một thế kỷ.

Đây không phải là cuốn hồi ký đầu tiên của bà Xuân Phượng. 19 năm trước, bà đã viết cuốn sách kể lại đời mình, nhưng bằng tiếng Pháp, có tên Ao dai (NXB Plon). Cuốn sách được đón nhận rộng rãi ở Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Nay, bà viết lại đời mình bằng tiếng Việt như một món quà tinh thần gửi đến những người thân.

Trong lời mở đầu cuốn sách, bà đã nhắc đến câu hỏi hốt hoảng của người mẹ già dành cho mình trong cuộc hội ngộ ở Pháp sau hơn 40 năm xa cách, để nói về lý do bà viết cuốn hồi ký này: "Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi". Bà viết để kể lại đời mình với mong muốn gia đình yêu thương hiểu rõ thêm những gì bà đã trải qua và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh.

300 trang sách dẫn người đọc bước vào câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của bà Phượng từ khi còn là một cô gái 16 tuổi bỏ nhà đi theo cách mạng cho tới hôm nay. Bà đã kinh qua rất nhiều nghề, từ y tá đến nghiên cứu thuốc nổ, làm báo ở chiến khu Việt Bắc, đến bác sĩ, cán bộ văn hóa ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, rồi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường sau chuyến tháp tùng vợ chồng đạo diễn người Pháp Joris Ivent đi làm phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân năm 1967. Sau khi về hưu, bà mở phòng tranh Lotus ở Sài Gòn, trở thành "bà đỡ" cho nhiều họa sĩ tài năng.

Giữa những trang sách lấp lánh tình người tốt đẹp, khát vọng tự do cho đất nước của bao lớp trí thức, có cả những day dứt, sầu tủi khó tránh. Ở đó, có nhà triết học Trần Đức Thảo hiếu nghĩa với cha già, bạn bè thương quý, có những nhà tư sản sẵn lòng cứu giúp người gặp nạn, có hũ gạo cứu nhau giữa nhóm văn nghệ sĩ thời bao cấp, có những chiến sĩ cách mạng mấy mươi năm vẫn còn cố công tìm lại ân nhân để báo đáp, có một khu tập thể với đời sống yêu thương, ân tình không thể nào quên của Hà Nội một thời.

Và vì thân phận đặc biệt, sinh ra trong một gia đình với những người lựa chọn đi theo con đường khác nhau, nhưng cuối cùng tình thân vẫn lớn hơn mọi khác biệt, cuốn sách, hay đúng hơn là câu chuyện cuộc đời của tác giả, chắc chắn góp vào việc thúc đẩy hòa giải giữa những người Việt.

Cháu gái Hồng Loan làm hồi ký video về Cháu gái Hồng Loan làm hồi ký video về 'nữ hoàng sân khấu' Thanh Nga

TTO - Hồng Loan, con gái nghệ sĩ Bảo Quốc, ra hồi ký video trên YouTube về cuộc đời người cô, 'nữ hoàng sân khấu' Thanh Nga.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên