16/03/2016 13:00 GMT+7

Cuộc thảm sát giữa Trường Sa

Đại tá VŨ HUY LỄ 
- QUỐC VIỆT ghi
Đại tá VŨ HUY LỄ 
- QUỐC VIỆT ghi

TT - Chiến hạm Trung Quốc càng lúc càng gia tăng đe dọa, rình rập chiếm đảo Cô Lin, tôi lệnh cho tổ cắm quốc kỳ chủ quyền phải nhanh chóng thực hiện bằng mọi giá.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đứng giữa, hàng đầu) và các chiến sĩ tàu HQ-505 năm 1988 - Ảnh tư liệu
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đứng giữa, hàng đầu) và các chiến sĩ tàu HQ-505 năm 1988 - Ảnh tư liệu

 

Chỉ cần thủy triều vừa hạ xuống là chiến sĩ đổ bộ ngay, đề phòng trường hợp đối phương ra tay trước...

Cắm cờ chủ quyền

Tổ chuẩn bị kiểm tra lại mọi thứ. Lá cờ rộng khoảng 60 x 90cm may bằng vải tốt được đưa ra từ đất liền.

Tôi dặn đại úy Võ Tá Du và thượng úy Phạm Xuân Điệp nỗ lực cắm được cả hai cờ ở hai đầu đảo. Nếu mình chỉ cắm một cờ, Trung Quốc vẫn có thể lên cắm chỗ khác rồi trắng trợn giành giật chủ quyền.

Đồng hồ chỉ gần 0g ngày 14-3-1988, thủy triều xuống dần trên bãi ngầm Cô Lin. Xuồng đổ bộ nhanh chóng được hạ. Bảy sĩ quan, chiến sĩ khẩn cấp vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Ngoài hai lá quốc kỳ, họ còn cầm theo xà beng và cuốc chim để đục lỗ cắm cán cờ trên đảo. Triều đã hạ, nhưng ở vị trí cắm cờ nước biển vẫn lấp xấp đầu gối. Tôi vẫn dặn dò anh em phải cố gắng đục thật sâu xuống san hô để cắm cờ cho chắc chắn, khiêng đá chèn thêm trên chân cột cờ...

4g sáng, tổ cắm cờ hoàn thành nhiệm vụ, trở lại tàu HQ-505. Lát sau toàn tàu báo thức, chuẩn bị ăn sáng để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Bình minh dần lên phía tây, chúng tôi đã có thể thấy rõ hai ngọn quốc kỳ chủ quyền đang tung bay trên bãi ngầm san hô Cô Lin. Đúng lúc này, sĩ quan trắc thủ rađa và tổ quan sát khẩn cấp báo cáo có nhiều mục tiêu đang tiến gần về phía đảo Gạc Ma.

Tôi vội vã lao lên ngay đài chỉ huy quan sát và nhìn thấy rõ qua ống nhòm các chiến hạm Trung Quốc đang siết chặt vòng vây. Tình thế vô cùng nóng bỏng.

Tôi hô lệnh toàn tàu chuẩn bị chiến đấu, nhổ neo khẩn cấp để có thể cơ động ngay. Những bát cơm chưa kịp ăn phải đặt vội xuống bàn. Các bộ phận thủy thủ đoàn và chiến sĩ vội vã vào nhiệm vụ của mình. Bình minh ngày mới bị xé toang bởi tiếng xích thép đang cuốn thu chiếc neo khổng lồ.

Trên đài chỉ huy lúc này có tôi, đại úy chính trị viên Võ Tá Du, đại úy thuyền phó 1 Đậu Anh Tư. Ai cũng lo lắng nhìn sang phía Gạc Ma.

Đồng đội chúng tôi đang bị nhiều tàu chiến Trung Quốc bao vây trong khi chiếc HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ là tàu vận tải rất nhỏ với vỏ thép mỏng manh.

Nó không được trang bị hỏa lực đối hải nào ngoài mấy vũ khí bộ binh cầm tay, hoàn toàn bất tương xứng với chiến hạm của Trung Quốc được trang bị nhiều dàn hỏa lực hạng nặng.

Tàu HQ-605 bị bắn chìm ngày 14-3-1988 - Ảnh tư liệu
Tàu HQ-605 bị bắn chìm ngày 14-3-1988 - Ảnh tư liệu

Máu nhuộm bãi Gạc Ma

Nhìn sang bãi san hô Gạc Ma, tôi thấy các chiến sĩ, công binh của mình đang đứng bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của Tổ quốc. Nhiều người nắm chặt tay nhau đứng thành vòng tròn. Xuồng đổ bộ Trung Quốc áp tới, thủy quân súng đạn hung hãn tràn xuống tấn công đồng đội chúng tôi.

Sau đó, hai chiến hạm Trung Quốc lùi xa khỏi chiếc HQ-604 để tránh tầm súng bộ binh, rồi bất ngờ nhả đạn xối xả. Tim chúng tôi thắt lại, phẫn nộ, căm hờn nhìn những nòng pháo hạng nặng liên tiếp lóe sáng, giội đạn vào đồng đội đang trên bãi ngầm và chiếc HQ-604.

Các chiến sĩ, công binh Việt Nam trên bãi Gạc Ma đang kiên cường trước kẻ thù. Ngọn cờ chao đảo nhưng vẫn được giữ vững. Những người lính tuổi 20 đang trở thành những cột chủ quyền sống. Rồi họ lần lượt ngã xuống. Máu đỏ loang mặt biển. Tàu vận tải HQ-604 cũng bốc cháy rừng rực.

Đó hoàn toàn không phải hành vi giao chiến, mà là một cuộc thảm sát, thảm sát man rợ những người lính chỉ có cuốc xẻng thực thi chủ quyền hợp pháp của mình một cách hòa bình và chiếc tàu vận tải không trang bị vũ khí hải quân. Khó ai ngờ đối phương lại có thể bắn giết như vậy...

Thảm sát xong ở Gạc Ma và bắn chìm tàu HQ-604, hai chiến hạm Trung Quốc lại hùng hổ kéo sang phía tàu chúng tôi. HQ-505 mới thu neo, đang chuẩn bị cơ động. Chiến hạm đối phương lại cậy mạnh, sử dụng hỏa lực tầm xa, giội đạn pháo vào con tàu vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng.

Khói lửa bùng lên dữ dội trên tàu HQ-505. Buồng báo vụ trúng đạn, bốc cháy. Máy thông tin bị hỏng. Chiến sĩ báo vụ bị thương. Buồng thuyền trưởng trúng đạn phía dưới. Phòng chỉ huy cũng dính đạn.

Pháo bắn trúng vào hầm dầu làm con tàu bốc cháy dữ dội. Điện mất hoàn toàn. Lái cũng không còn điều khiển được...

Gió mùa đông bắc đẩy tàu ra xa bãi Cô Lin, rồi quay ngang. HQ-505 đã gần như tê liệt. Các chiến hạm Trung Quốc vẫn không dừng nổ súng, các giàn pháo vẫn liên tiếp lóe sáng. Đối phương cố ý bắn chìm tàu, muốn thảm sát tất cả chúng tôi.

Tình hình nguy cấp. Một số chiến sĩ bị thương. Tôi lệnh tổ cứu thương nhanh chóng cứu thương binh. Tổ cứu hỏa gắng dập lửa. Bộ phận lái tàu chuyển từ lái điện đã liệt sang lái cơ. Đèn điện tắt hết.

Dưới tàu tối đen như mực. Anh em mò mẫm mãi mới chuyển được từ lái điện sang lái cơ. Nhưng đúng lúc đó, đạn pháo lại bắn thẳng vào hầm lái làm bộ phận lái cơ bị kẹt cứng, bất khiển...

Tàu trôi tự do ra vùng biển sâu hơn 1.000m. Nếu tàu chìm, gần 50 chiến sĩ trên tàu hi sinh hết, nhưng điều quan trọng nhất là nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin sẽ không thành.

Tôi nói các sĩ quan chỉ huy động viên anh em cố gắng mọi cách cứu được tàu thì mới giữ được đảo. Thượng úy máy trưởng Nguyễn Đại Thắng bị thương, máu đỏ đầu, vẫn lao xuống hầm máy cùng anh em sửa chữa. Mình tôi ở đài chỉ huy. Pháo hạm Trung Quốc vẫn điên cuồng bắn phá.

Bộ phận lái vẫn bị kẹt. Tôi lệnh chạy một máy tiến, một máy lùi để thay lái hướng mũi tàu về phía Cô Lin, rồi chạy hết công suất hai máy tiến lao thẳng lên bãi ngầm.

Đạn pháo Trung Quốc xối xả bắn theo, nhưng hơn nửa thân tàu đã nằm trên rạn san hô. Nhưng họ không thể bắn chìm được con tàu đã trở thành công sự thép.

Lúc này, các lá quốc kỳ Việt Nam chủ quyền vẫn đứng vững trên bãi ngầm Cô Lin và phấp phới trên con tàu đã tả tơi thương tích...

Sau khi thảm sát ở bãi Gạc Ma, bắn chìm tàu HQ - 604 và phá hỏng tàu HQ-505, các chiến hạm Trung Quốc dồn sang Len Đao.

“Tôi lệnh lái tàu HQ-605 lao lên bãi ngầm Len Đao để bảo vệ đảo. Nhưng đúng lúc đó, máy lại trục trặc. Chiến hạm Trung Quốc dồn dập nã pháo vào chiếc tàu vận tải nhỏ 400 tấn, không có hỏa lực hải quân.

Loạt đạn đầu trúng phòng máy, rồi phá vỡ phòng chỉ huy. Thuyền phó Doan bị bỏng nặng, mảnh đạn găm sâu vào mặt, hi sinh sau đó. Tôi cũng bị bỏng. Đạn pháo xé toạc con tàu nhỏ bé.

Ở lại tàu thì hi sinh hết, chủ quyền cũng mất, tôi lệnh đồng đội rời tàu, bảo vệ đến cùng ngọn cờ chủ quyền đã cắm trên bãi Len Đao” - đại úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng tàu HQ-605, xúc động tâm sự.

____________

Kỳ tới: Cuốn nhật ký kỳ lạ từ tàu HQ-505

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Hải trình sóng gió

>> Kỳ 2: 30 ngày trấn giữ đảo Đá Lớn

>> Kỳ 3: Đêm trước ngày 14-3

Đại tá VŨ HUY LỄ 
- QUỐC VIỆT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên