24/12/2016 08:28 GMT+7

Cùng sản xuất sạch để được ăn sạch

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TTO - Sản xuất nông sản sạch, có thể truy xuất nguồn gốc không còn là khẩu hiệu mà đang trở thành xu hướng không thể thay đổi của ngành nông nghiệp VN, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chỉ cần cài app vào điện thoại thông minh, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo khi mua tại siêu thị. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ cần cài app vào điện thoại thông minh, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo khi mua tại siêu thị. Ảnh: QUANG ĐỊNH


Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” được Sở Công thương TP.HCM triển khai nhằm từng bước nâng cao chất lượng thực phẩm, đặc biệt là ý thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng trong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch.

Việc sử dụng chất tạo nạc và tăng trọng trong chăn nuôi, chích thuốc an thần cho vật nuôi trước khi giết mổ, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, vận chuyển thịt heo không đúng quy định từng là vấn nạn sẽ dần bị loại bỏ nếu tất cả cùng bắt tay vào sản xuất sạch.

Một khi các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường được nhận diện từ trang trại đến cơ sở giết mổ và kinh doanh, chắc chắn từng doanh nghiệp, mỗi khâu sản xuất phải ý thức hơn để bảo vệ “nồi cơm” của mình, bỏ dần thói quen làm ăn theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Trong thực tế, nhiều chủ trang trại cảm thấy tự tin khi tổ chức chăn nuôi theo quy trình VietGap hoặc chăn nuôi an toàn để tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt.

Bởi chính cách làm ăn bài bản, vì sự an toàn của người tiêu dùng đã trở thành lá chắn bảo vệ người chăn nuôi trước những biến cố như dịch bệnh hay thông tin thịt heo tồn dư chất tạo nạc như trước.

Không chỉ trong chăn nuôi, với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có Vingroup với các vùng chuyên canh rau sạch và tới đây sẽ có thêm Tập đoàn FPT, Trường Hải... tham gia sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, người tiêu dùng trong nước có quyền hi vọng sẽ được sử dụng những sản phẩm sạch.

Và như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khởi động chương trình rau an toàn cho thủ đô Hà Nội và TP.HCM ngày 18-12, việc các doanh nghiệp hào hứng tham gia đầu tư vào nông nghiệp sẽ mở ra một chương mới trong việc phát triển nông nghiệp sạch VN, trước hết là cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và sau đó là xuất khẩu.

Câu chuyện thực phẩm bẩn đã nhiều lần được bàn ở diễn đàn Quốc hội. Có đại biểu phải kêu lên “con đường từ “dạ dày” đến “nghĩa địa” chưa bao giờ ngắn đến thế”.

Để xóa bỏ “con đường” này, trách nhiệm không chỉ của riêng ai mà là của nhà quản lý, đặc biệt là từng nhà sản xuất, nhất là nông dân, dưới sự giám sát gắt gao nhưng đầy quyền uy, đó là bà nội trợ.

Tuy nhiên, với một ngành nông nghiệp mà sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo như hiện nay, muốn phát triển một ngành nông nghiệp sạch chỉ có quyết tâm của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp lớn là chưa đủ.

Từng nông dân, nhóm sản xuất nhỏ cũng phải chuyển đổi để đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng.

Tới đây, sẽ không còn chỗ cho sản xuất theo kiểu “rau sạch để ăn và rau phun thuốc cho đẹp để bán”, dùng thuốc kháng sinh bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản...

Những nông dân chậm hay không muốn chuyển sang sản xuất sạch sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi vì sản phẩm sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

Nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ từ những nhà khuyến nông, các doanh nghiệp lớn giúp nông dân chuyển đổi, để họ không bỡ ngỡ rồi bị bỏ rơi khi cuộc cách mạng công nghệ tràn vào sản xuất nông nghiệp.

Chỉ có giúp nông dân chuyển đổi mới sớm biến mong ước có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng thành hiện thực.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên