Cùng những "kẻ thất bại" ngắm trời sao

MINH PHƯỚC 27/04/2013 19:04 GMT+7

TTCT - Năm người kể chuyện là những nhạc công, nhạc sĩ hay người say mê âm nhạc, nhưng lại là những “kẻ thất bại” theo tiêu chuẩn xã hội. Và năm câu chuyện không sáo mòn về niềm khao khát sống.

Phóng to

Trong các tiểu thuyết nổi tiếng của mình, Kazuo Ishiguro luôn say mê khám phá thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở tập truyện ngắn Dạ khúc - năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (*), ông cũng không xa rời sở trường đó. Xoay quanh âm nhạc và thời gian về cách mà chúng thay đổi hoặc không thay đổi chúng ta, cuốn sách thứ bảy của Ishiguro, sau Mãi đừng xa tôi, cũng là một thành công xứng với sự trông đợi của những người mến mộ cây bút này.

Từ những tình huống giàu kịch tính

Kazuo Ishiguro (sinh ngày 8-11-1954) là nhà văn người Anh gốc Nhật nổi tiếng thế giới. Năm 2008, ông được tạp chí Times vinh danh là một trong 50 nhà văn tiếng Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945. Ông đã giành nhiều giải thưởng lớn về văn chương như giải Whitbread cho tiểu thuyết An artist of the floating world, giải Man Booker cho tiểu thuyết The remains of the day... Tiểu thuyết Never let me go (Mãi đừng xa tôi) của ông được tạp chí Times xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005.

Một tập sách dày gần 300 trang chỉ có năm truyện, mỗi truyện đều khá dài đủ để người đọc tin rằng sẽ tìm thấy ở đó nhiều tình huống. Ở Người hát tình ca, một ca sĩ già trong chuyến đi nghỉ ở Venice đã sắp xếp một cuộc biểu diễn trên thuyền, dưới cửa sổ phòng người vợ, như là cơ hội để nhìn lại cuộc hôn nhân đang lâm nguy của họ.

Ở Mưa đến hay nắng đến, một giáo viên được mời đến nhà hai vợ chồng người bạn thân và tình cờ thấy những thứ không nên thấy khiến mọi chuyện rối tung. Ở Nghệ sĩ cello, cuộc sống của một cây cello trẻ đầy tiềm năng bị xáo trộn khi gặp một bà khách du lịch kỳ lạ tự xưng là một bậc thầy và muốn huấn luyện cho anh... Những tình huống ban đầu có vẻ giàu kịch tính này được dẫn dắt tỉ mỉ, nhẩn nha và cuối cùng kết thúc theo những cách bất ngờ.

Nhưng điều bất ngờ không phải ở chỗ tình huống được giải quyết trọn vẹn, mà vì nó gợi nên một trạng thái mới cho các nhân vật, khiến người đọc quên đi rằng mình muốn biết câu chuyện khép lại như thế nào để chuyển sang tưởng tượng xem mọi thứ rồi sẽ diễn tiến ra sao. Sau khi cuốn hút chúng ta bằng ngòi bút điêu luyện, nhà văn tặng thêm những cái kết mời gọi sáng tạo và đó là một sự thỏa mãn lớn.

Đọc chầm chậm Dạ khúc - năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, người đọc sẽ khám phá được vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật tinh tế.

Sử dụng những tương đồng: các khách sạn, quảng trường, quán ăn, đêm, khung cửa sổ mở, các bản nhạc, nhân vật từ truyện này xuất hiện trong truyện khác..., Ishiguro như muốn tạo nên một bản nhạc nhiều biến tấu, nhấn mạnh ấn tượng về sự không chắc chắn, cảm giác bâng khuâng trước thời gian trôi qua: thế nên giây phút cứ như một lời nhắc nhở không đúng chỗ rằng sự vật vần xoay mau chóng như thế nào.

Rằng bạn chí cốt hôm nay ngày mai thành người xa lạ, rải rác khắp châu Âu, chơi cùng bản “Bố già” hay “Autumn leaves” ở những quảng trường hay quán trà anh sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến.

Đến những nhắc nhở thường nhật

Nhân vật người kể chuyện trong cả năm truyện đều là những nhạc công, nhạc sĩ hoặc người say mê âm nhạc. Đa số đắm chìm trong niềm đam mê và trở thành “kẻ thất bại” theo tiêu chuẩn xã hội. Trong khoảng thời gian ngắn, họ rơi vào một tình cảnh khiến họ nhìn rõ hơn bản thân và người xung quanh. Nhưng không bao giờ khẳng định được điều đó có thay đổi được gì hay không, vì mỗi phút trôi qua lại phát lộ những khả năng mới.

Rốt cuộc người ta đang vươn đến điều gì, trong nghệ thuật cũng như cuộc sống? Không có gì chắc chắn hơn và cũng bấp bênh hơn, nên người ta khao khát bám víu vào những gì tốt nhất trước khi nó trượt đi, như nhân vật Raymond trong Mưa đến hay nắng đến đã tự nhủ: “Nhưng ít nhất trong vài phút nữa chúng tôi vẫn an toàn, và chúng tôi đang nhảy dưới bầu trời đầy sao”.

Cũng như nhiều tác phẩm viết về nghệ thuật và tình yêu, Dạ khúc - năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông không né tránh những môtip quen thuộc. Nhưng Kazuo Ishiguro không hề vướng vào sáo mòn. Bằng một trình độ mỹ học bậc thầy, ông luôn gài vào đúng chỗ cảm giác lý tưởng ngắn ngủi, cái hài hước chua chát, sự tiếc nuối vặt vãnh... để dù câu chuyện xoay quanh tài năng âm nhạc, người đọc vẫn luôn được nhắc nhở về cuộc sống thường nhật.

___________

(*): Dạ khúc - năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro, An Lý dịch, NXB Văn Học và Công ty Nhã Nam, 2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận