10/08/2011 04:05 GMT+7

Cửa hàng người Việt ở Anh bị tấn công

MỸ LOAN - KHỔNG LOAN
MỸ LOAN - KHỔNG LOAN

TT - Bạo động ở thủ đô nước Anh đã bắt đầu lan rộng ra các thành phố khác. Một số cửa hàng của người Việt ở London cũng đã bị tấn công.

Read this on Tuoitrenews.vn

goJIIbaZ.jpgPhóng to

Chiếc xe hơi bị đốt cháy trên đường phố Hackney, trước hàng rào cảnh sát chống bạo động - Ảnh: AFP

Theo báo Telegraph, tính đến ngày 9-8 làn sóng bạo động đã lan rộng ra 12 điểm ở London. Tại khu Peckham có đến 500 thanh niên tụ tập ở đường Peckham phá hoại nhiều cửa hàng, đốt phá tài sản của người dân và tấn công cảnh sát. Lực lượng chống bạo động tập trung dày đặc ở Peckham nhưng bất lực. “Nơi đây giống như một bãi chiến trường, cảnh sát không làm được gì do lực lượng quá mỏng” - ông Matthew Yeoland, 43 tuổi, giáo viên địa phương, cho biết.

Ở nhiều khu vực khác lửa vẫn tiếp tục cháy. Nhiều cửa hàng vẫn bị cướp bóc và thiêu rụi. BBC mô tả từng nhóm thanh niên xông vào các cửa hàng để cướp bóc, thậm chí cửa hàng Tesco ở Bethnal Green có đến 100 người xông vào cướp hết hàng hóa, đập phá toàn bộ cửa kính và tấn công cảnh sát làm hai nhân viên cảnh sát bị thương. “Chúng vô cớ đập phá và đốt chiếc xe nào mà chúng gặp” - nhân chứng Christian Potts cho biết.

Bạo động lan rộng

Tiệm kinh doanh đầu tiên của người Việt ở phố Mare đã bị tấn công. Phóng viên Billy Kenber của tờ Times ngày 8-8 viết trên trang mạng xã hội Twitter: “Tiệm nữ trang Ngo Diamonds và tiệm Xchange đang bị cướp phá tại Hackney. Một số người tìm cách ngăn cản những kẻ hôi của”. Kèm theo đó là hình ảnh hỗn loạn trước cửa hàng Ngo Diamonds. Đây là cửa hàng của người Việt, nằm giữa phố Mare thuộc quận Hackney. Đối diện là hàng loạt cửa hàng, siêu thị và quán ăn của người Việt.

"Gần đây, tôi đã cảm thấy London không thật sự an toàn như trước. Tôi phải cẩn trọng hơn khi về nhà trễ, hay đi lại ở các khu như trung tâm Hackney"

Chị Đào Hạnh sống tại đường Kingsland

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Minh, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại London, cho biết theo thông tin đại sứ quán nắm được đến nay, có một số cửa hàng người Việt đã bị đập phá nhưng may mắn chưa có ai bị thương.

Bản thân người Việt cũng hạn chế ra ngoài và được khuyến cáo đóng cửa ở trong nhà. “Chúng tôi khuyến cáo bà con nên theo dõi tin tức chặt chẽ, liên hệ với cảnh sát và đại sứ quán ngay lập tức khi gặp rắc rối và tránh xa các khu vực bạo động”. Ông Minh cho biết nếu cộng đồng người Việt cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh hãy gọi số: 020-756 52214/79384625 hoặc số di động 078 94904858.

Từ London, làn sóng bạo loạn đã lan sang các thành phố Birmingham, Liverpool, Manchester và Bristol. Cảnh sát đã được điều động đến trung tâm Birmingham sau khi nhiều thanh niên xông vào các cửa hàng trong khu vực đập phá và cướp bóc hàng hóa. Đồn cảnh sát ở đường Holyhead tại Handsworth (Birmingham) bị thiêu rụi. Ở Manchester, nhiều xe hơi bị đốt cháy. Tại Liverpool, hơn 200 thanh niên đeo mặt nạ tỏa đi đốt xe hơi. Ở Bristol, khoảng 150 người gây náo loạn trong thành phố.

Báo Guardian cho biết Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng nội vụ Theresa May đã phải cắt kỳ nghỉ và quay về Anh trong đêm 8-8 để chủ trì một cuộc họp khẩn cấp nhằm đưa ra đối sách ứng phó với bạo động.

EQ55kQIf.jpgPhóng to

Cửa hàng nữ trang Ngo Diamonds của người Việt ở số 162 phố Mare Street bị tấn công ngày 8-8 - Ảnh: breakingnews.com

Nguyên nhân kinh tế - xã hội

Nhiều chuyên gia xã hội Anh cáo buộc các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ đã dẫn đến bạo động. Cựu thị trưởng London Ken Livingstone cũng cho rằng lý do cơ bản gây ra bạo động là các vấn đề về kinh tế và xã hội. “Cuộc sống khó khăn đang tác động lên tầng lớp thanh niên.

Bạn hãy vào một trường cao đẳng thử xem, ở đó chỉ có một nửa sinh viên đủ điều kiện theo học vào năm 2012. Phần còn lại phải bỏ học do học phí quá cao”- ông Livingstone nói. Ông Bùi Đức Minh cũng nhận định việc Chính phủ Anh cắt giảm ngân sách dành cho chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp, học phí đại học tăng... đang khiến mọi người gặp nhiều khó khăn.

Theo Reuters, phần lớn phần tử bạo động đến từ những khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao, các dịch vụ xã hội bị cắt giảm. Họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội. “Sự căng thẳng đã tích tụ từ lâu, tức nước thì vỡ bờ - E. Nam, một trong những thanh niên đang có mặt ở Hackney, bắc London, nói - Chúng tôi không có việc làm, không có tiền. Chúng tôi nghe rằng những người khác đang cuỗm mọi thứ mà không tốn tiền, tại sao chúng tôi không thể?”. Anh Anthony Burn, 39 tuổi, làm nghề thợ điện ở Hackney, cho rằng phần lớn thanh niên ở đây không có việc làm, không tương lai và việc cắt giảm ngân sách làm tình hình tồi tệ hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Trần Thu Hồng, trợ lý pháp lý làm việc tại đường Baker, khu vực trung tâm London, cho biết bạo động hầu như không ảnh hưởng tới công việc hằng ngày của chị cũng như việc đi lại của người dân. Báo chí và truyền hình Anh liên tục cập nhật tin tức về các vụ bạo động với những bình luận, phân tích tình hình kỹ càng.

Còn chị Đào Hạnh, một người Việt đang sống tại đường Kingsland, cách trung tâm Hackney khoảng 15 phút xe buýt, cho biết kể từ khi chị đến London năm 2005, tình hình chưa bao giờ hỗn loạn như hiện nay. Chị phải tránh tất cả những con đường có thể dẫn tới các khu vực bạo động.

Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy an toàn vì cảnh sát Anh làm việc rất có trách nhiệm, họ ngay lập tức chặn tất cả các ngả đường, nơi diễn ra bạo động. Ngoài ra, các khu vực dân cư da đen sinh sống thường khá tập trung, vì vậy, nếu người dân tránh các khu vực đó thì sẽ không ảnh hưởng nhiều.

MỸ LOAN - KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên