01/04/2013 05:55 GMT+7

Cửa đã mở nhưng nhà còn ngổn ngang

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN mấy năm gần đây có xu hướng giảm trong khi nhiều nước cùng khu vực lại tăng.

TS Nguyễn Tuệ Anh, trưởng ban năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng chính sách thu hút FDI của VN thì tốt nhưng khâu thực thi lại chưa ổn. Trong khi đó, các nước khác đang thay đổi nhanh...

Bà Nguyễn Tuệ Anh nói: “Chính sách thu hút FDI của VN không thua kém các nước. VN làm khá tốt hạ tầng khu công nghiệp nhưng khâu thực hiện lại chưa ổn. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới được công bố, thì đúng là có cải cách nhưng được chỗ này thì hở chỗ kia, thiếu sự đồng bộ. Nhà đầu tư cần kết quả cuối cùng, sự minh bạch rõ ràng thì dường như VN vẫn thiếu”.

Nhìn lại chính mình

* Thưa bà, vì sao sau 25 năm mở cửa thu hút FDI, VN đến nay cơ bản vẫn là quốc gia thu hút FDI công nghệ trung bình, thấp, lắp ráp là chính?

- Thực tế vốn FDI có những đóng góp quan trọng vào VN thời gian qua. Không ai nghĩ VN có thể xuất khẩu điện thoại di động, máy tính bảng nhưng chúng ta đã làm được. Song, cũng phải công nhận là ngay những dự án FDI hàng đầu vào VN như Intel, Samsung... thì cơ bản chúng ta cũng chỉ là khâu lắp ráp, cái chúng ta làm ra, tham gia trong sản phẩm rất ít. Đó là chưa kể do chủ yếu thu hút công nghệ trung bình, nhiều trường hợp VN là điểm đến của những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ môi trường, gây tình trạng thiếu điện...

* Tại sao ngay từ đầu chúng ta đã ưu tiên công nghệ cao nhưng đến nay vẫn chưa như mong muốn?

- Vốn FDI vào VN thời gian qua khá nhiều nhưng chủ yếu để gia công, lắp ráp sản phẩm cuối cùng, hay vẫn gọi là sản phẩm hạ nguồn. Trong khi đó, công nghệ cao chủ yếu ở sản xuất những sản phẩm trung nguồn như sản xuất linh kiện, con chip, mạch điện tử... Có nhiều lý do khiến công nghệ cao ít vào VN, trong đó VN đang có lợi thế cho ngành gia công lắp ráp. Các tập đoàn công nghệ cao họ cần nguồn nhân lực tốt, cần môi trường kinh doanh minh bạch, không chấp nhận chi phí không chính thức và đặc biệt là cần nguồn tiêu thụ... chứ không chỉ cần nhân công rẻ, các ưu đãi đất đai. Trong khi đó lợi thế chủ yếu của VN hiện nay là giá nhân công, còn các ưu đãi VN đưa ra thì một số nước khác cũng đưa ra với ý thức cạnh tranh rất mạnh. Chúng ta đã có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chưa thấy nó có tác dụng rõ rệt. Chúng ta mời gọi nhưng họ vào không nhiều thì cũng phải nhìn lại chính mình. Mở cửa nhưng trong nhà còn ngổn ngang thì họ khó vào. VN đã ưu đãi nhưng họ chưa vào nhiều thì cũng nên xem lại ưu đãi, các điều kiện để được hưởng đã tốt chưa.

* Dường như VN đang hụt hơi trong cạnh tranh thu hút công nghệ cao cũng như FDI với các nước láng giềng bởi mấy năm gần đây FDI vào VN có xu hướng giảm, trong khi ở Malaysia, Indonesia... lại tăng?

- Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số chuyển giao công nghệ theo dòng FDI của Malaysia năm 2012 được xếp hạng 16, trong khi VN đứng thứ trên 90 (báo cáo Doing Business 2013 của Ngân hàng Thế giới xếp hạng tính năng lực cạnh tranh toàn cầu của Malaysia thứ 12, Thái Lan thứ 18, VN thứ 99 trên 188 nước, vùng lãnh thổ - PV). Indonesia trước đây không bằng VN, nhưng giờ họ đang nổi lên là một điểm thu hút hấp dẫn. Chính sách của họ khá mở, so về thuế với VN thì không có khác biệt nhiều nhưng điều đặc biệt ở Indonesia là chính sách của họ đồng bộ, nhất quán. Vấn đề con người cũng được họ đầu tư cải thiện nhiều. Ở VN, những cải cách thì động thái có nhưng nhà đầu tư vẫn kêu nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.

Luôn luôn có sự chuyển dịch công nghệ. Khi một nước đến mức phát triển nào đó thường có chi phí nhân công cao, nhà đầu tư sẽ chuyển những ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động đến các nước có chi phí nhân công rẻ. VN đang đứng trước nguy cơ là tới đây khi chi phí lao động tăng, các nhà đầu tư vào lắp ráp hay đang sắp vào VN sẽ có xu hướng tìm những thị trường mới như Myanmar. Nếu lúc đó VN chưa đủ hấp dẫn cho công nghệ cao thì chúng ta sẽ đứng giữa tình huống dòng chuyển đi xuất hiện trong khi dòng chảy mới chưa đến, hoặc đến chưa nhiều.

Cần linh hoạt và mạnh hơn

* VN nên làm như thế nào để cạnh tranh được với các nước trong khu vực?

- Chúng ta nên đặt vấn đề đối đầu cạnh tranh. Cần xác định lợi thế của VN là gì để nâng lợi thế lên, thu hút FDI. Từ đó, các chính sách ưu đãi cần linh hoạt và mạnh hơn. Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong thu hút FDI, trong đó nổi bật là Malaysia. Nước nào đi sau thường cũng vấp phải vấn đề như được chuyển giao những công nghệ cũ hơn. Nhưng Malaysia từng có những chính sách, tiêu chí rất cụ thể để ưu đãi. Như họ ưu đãi dựa trên lượng vốn thực đầu tư, dựa trên số việc làm được tạo ra, giá trị gia tăng của sản phẩm...

Các chính sách của Malaysia ưu đãi cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Như họ từng ưu đãi lớn, giảm thuế tái đầu tư, giảm thuế nếu tích lũy vốn nhanh, giảm thuế với khoản tái đầu tư nhằm bảo đảm nguồn điện, nhằm đầu tư cho thiết bị an toàn... Hay khi muốn cạnh tranh với Singapore trong việc quy tụ những văn phòng điều hành cả khu vực của các tập đoàn lớn, Malaysia đã ưu đãi thuế cho các trung tâm mua bán quốc tế, trung tâm phân phối khu vực; miễn 100% thuế trong mười năm cho các văn phòng khu vực...

* Điều không phải cạnh tranh với ai và tự mình làm được là cải thiện môi trường đầu tư trong nước. Nói rất nhiều rồi, VN còn có thể làm tốt hơn?

- Có thực tế là cùng chính sách chung nhưng có địa phương được đánh giá có môi trường đầu tư tốt hơn nhiều các nơi khác. Chúng ta cũng có thể tính toán việc tỉnh nào cải thiện tốt thì lấy mô hình đó nhân lên tại các tỉnh khác, tất nhiên có tính toán đến lợi thế, đặc trưng riêng. Các tỉnh thi nhau lập khu công nghiệp, tức theo số lượng, đã đến lúc nên hợp tác, xem ai có lợi thế gì thì phát triển mảng đó, tạo ra các cụm ngành công nghiệp. Nhà đầu tư quan tâm đến ngành nào thì có thể vào khu vực tốt nhất, vào khu vực có lợi thế nhất. Cùng chính sách nhưng ta sẽ có khu vực chuyên môn hóa cao hơn, nhà đầu tư cũng bớt phải “chạy sô”.

TS Nguyễn Tuệ Anh:

Cần cơ quan điều phối về FDI

Malaysia có Cơ quan Phát triển đầu tư (MIDA) tương đương với Cục Đầu tư nước ngoài của VN hay Ban Đầu tư của Thái Lan. MIDA có 24 văn phòng tại các nước trên thế giới, tập trung vào Bắc Mỹ, châu Âu... cùng 12 chi nhánh trong nước để hỗ trợ nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện để họ đầu tư thành công. Điều này giúp nhà đầu tư biết MIDA là nơi đầu tiên họ cần đến khi muốn đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ ở Malaysia. Cơ quan này vừa có quyền thúc đẩy đầu tư vừa có quyền xem xét ưu đãi, miễn thuế... và có chức năng làm luôn kế hoạch phát triển công nghiệp, đề xuất chính sách để phát triển công nghiệp.

t4SLT3hY.jpgPhóng to
TS Nguyễn Tuệ AnhẢnh: Việt Dũng

Sự kiện tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài với những chấn chỉnh, chính sách mới nhằm thu hút đầu tư khiến không ít doanh nghiệp dân doanh chạnh lòng. Có doanh nghiệp nói là một trong ba trụ cột của nền kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, có vốn nước ngoài và dân doanh, họ cũng đang có khó khăn cần phải “tái cơ cấu” để tồn tại.

Đến nay, chúng ta chỉ tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nay thì cơ cấu lại thu hút đầu tư nước ngoài. Đúng là có chuyện mới phải xốc lại, thay đổi, điều chỉnh. Nhưng khối dân doanh bao gồm cả hộ nông dân cũng đang có chuyện của họ. Tình trạng chung là đang phải vật lộn với những khó khăn sau khi Chính phủ mạnh tay kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Rất nhiều doanh nghiệp trong tình trạng sức cùng lực kiệt, nợ nần, khó bán được hàng, có thể bị xóa sổ hoặc đối mặt với làn sóng thôn tính, thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài. Không ít trong số này đang có tâm lý buông xuôi.

Tình trạng này kéo dài thì đây là một mối lo lớn. Số liệu thống kê cho thấy đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khối doanh nghiệp dân doanh đang giảm dần. Vốn huy động của ngân hàng tăng nhưng cho vay tăng chậm, tăng không đáng kể cũng phản ánh một tâm lý ngán ngại làm ăn, bế tắc trong tìm cơ hội kinh doanh.

Doanh nghiệp kêu, cơ quan quản lý sẽ dẫn chứng hàng loạt giải pháp gỡ khó đã ban hành. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp dân doanh lại cho rằng chính sách không đến được với họ, chỉ hứa, nói. Như giảm thuế, họ có lời đâu mà được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc chậm giảm lãi suất khiến họ bị vắt kiệt về tài chính. Các chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính vẫn tồn tại làm doanh nghiệp nản lòng...

Vì vậy, phải nhanh chóng chặn đứng và xóa đi tâm lý mệt mỏi trong làm ăn ở khối doanh nghiệp dân doanh bằng những chương trình, giải pháp cụ thể. Cần thiết phải tổ chức những tổ công tác được hình thành ngay trong bộ máy hành chính hiện có để giúp người muốn ra làm ăn khởi nghiệp, doanh nghiệp đang khó thoát khỏi tình trạng “bung ra cũng khó mà trụ lại cũng không xong”. Các tổ công tác này giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng, làm các thủ tục về đất đai, khai thuế và hải quan... để giảm bớt chi phí. Doanh nghiệp đang nợ nần thì cần phải làm gì để vừa làm vừa trả được nợ. Cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp từ xa thông qua việc chống hàng gian, giả, nhập lậu, trốn thuế để giữ thị trường cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Với nông dân thì không thể kêu gọi chung chung làm ăn lớn nữa mà phải tổ chức nhiều hơn những mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là đúng nhưng cũng cần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ biết vươn vai thành lớn. Nếu không, muôn đời doanh nghiệp cứ vừa và nhỏ mãi.

Doanh nghiệp dân doanh đang khó theo cái khó chung của nền kinh tế. Nhưng họ phải đứng vững. Muốn vậy cần phải có những hỗ trợ “hữu hình”, chứ không phải là “vô hình” như thời gian qua. Đừng chậm trễ hơn nữa.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên