09/04/2017 09:06 GMT+7

Cụ... nữ dân phòng

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Bà Bảy Luôn - anh em trong đội dân phòng An Phú vẫn quen gọi người nữ đội trưởng của mình như thế - năm nay đã bước qua tuổi 71 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn.

Bà Bảy Luôn bàn kế hoạch đi tuần tra cùng ông Nguyễn Văn Tâm - công an viên phụ trách ấp An Phú - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Bà Bảy Luôn bàn kế hoạch đi tuần tra cùng ông Nguyễn Văn Tâm - công an viên phụ trách ấp An Phú - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mọi con đường, ngóc ngách ở ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - địa bàn đội dân phòng ấp An Phú phụ trách, bà thuộc như lòng bàn tay. Bởi vậy hễ có lệnh điều động dù đêm hay ngày, bà là người có mặt tại hiện trường đầu tiên.

“Đấy là nhờ tác phong quân đội mà tôi đã trui rèn nhiều năm qua” - bà Bảy Luôn tự hào nói. 15 tuổi, bà làm giao liên ở xã An Khánh, sau đó tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Năm 1967, trong một chuyến công tác ở chiến trường Tây Nam, bà bị trúng mảnh pháo trên đầu. Ai cũng nghĩ người con gái có thân hình nhỏ thó sẽ không qua khỏi. Nhưng sau nhiều ca phẫu thuật, cuối cùng bà đã được cứu sống rồi cho về quê với một vết lõm sâu trên đầu.

Năm 1999, khi xã An Khánh thành lập đội dân phòng để giữ gìn an ninh trật tự, bà tình nguyện tham gia. Từ đó đến nay, bà trở thành nữ đội trưởng dân phòng lớn tuổi nhất tại tỉnh Bến Tre.

Hằng ngày, bà đi làm thuê tại một xưởng làm đậu hủ với mức lương 20.000 - 40.000 đồng/ngày, nhưng việc bữa có bữa không. Thế nhưng khi trên địa bàn ấp có chuyện xảy ra, bà bỏ lại tất cả để chạy về huy động anh em trong đội nhận nhiệm vụ. “Có những hôm đang bận công việc túi bụi, nhưng mấy anh công an cần người khám xét nghi can nữ, tui sẵn sàng bỏ hết để hỗ trợ mấy ảnh” - bà Bảy Luôn nói.

Ca trực của bà và đồng đội thường bắt đầu vào giữa đêm. Bà cùng vài đồng đội xách đèn pin rảo bước khắp các tuyến đường len lỏi trong những vườn dừa. Bà kể ngày trước đường còn lầy lội, đi tuần cực khổ hơn giờ gấp nhiều lần, nhưng hầu như không đêm nào đội nghỉ ngơi. Khi người này bận công chuyện thì người khác thay thế để tạo thành một nhóm bốn, năm người cùng đi tuần tra.

“Ấp tui phụ trách nằm ngay cửa ngõ vào tỉnh Bến Tre. Kẻ gian sau khi gây án xong chỉ cần thoát khỏi cầu Rạch Miễu là qua tỉnh Tiền Giang. Do đó, đoạn giao thông “yết hầu” này hầu như lần nào đi tuần chúng tôi cũng phải ghé qua” - bà Bảy Luôn nói.

Công việc đi tuần của đội có kế hoạch, chiến thuật rõ ràng, cụ thể. Bà Bảy Luôn cho biết có những tuyến đường trong một đêm đội có thể rảo qua vài ba lần. Trong tuần, đội có thể nghỉ bất cứ ngày nào và cũng có thể đi tuần bất cứ ngày nào, kể cả chủ nhật. Việc đi tuần ngày nào, giờ nào không bao giờ để lọt thông tin ra ngoài. Các thành viên trong đội chỉ được thông báo vào phút chót, trừ trường hợp công an ấp, công an xã điều động hoặc đi theo kế hoạch của đơn vị khác.

“Làm như vậy kẻ xấu không lường trước được lịch làm việc của mình, nên chúng có muốn hành động cũng phải sợ” - bà Bảy Luôn cho biết. Theo bà, những năm đầu sau khi có cầu Rạch Miễu, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nổi cộm là tình trạng trộm bưởi và trộm chó. Có những đêm đội dân phòng do bà phụ trách nằm phục kích cả đêm bên những đống củi, đống vỏ dừa bên đường phục bắt “cẩu tặc”.

“Tụi trộm bưởi, trộm chó giờ nghe đến đội dân phòng ấp An Phú này là sợ lắm” - ông Nguyễn Văn Tâm, công an viên phụ trách ấp An Phú, nói.

Cũng như những anh em dân phòng khác, bà Bảy Luôn không nhận được đồng lương nào kể từ khi đảm nhận công việc. Thế nhưng những dân phòng tuổi ngoài 50 như ông Công, ông Nam, ông Lộc... - cấp dưới của bà Bảy Luôn - vẫn đều đều tuần tra khắp các hang cùng ngõ hẻm bất cứ giờ nào. Bà Bảy Luôn vẫn thường nói vui với anh em trong đội: Chúng ta làm không có tuổi hưu. Khi nào lết không nổi nữa thì nghỉ.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên