03/02/2022 06:25 GMT+7

COVID-19 thế giới 3-2: Tiêm mũi 3 giảm nguy cơ tử vong cả trăm lần

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Theo CDC Mỹ, những người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn 97 lần so với những người đã tiêm mũi tăng cường. Không giống Tây Âu, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Mỹ đang tăng vọt.

COVID-19 thế giới 3-2: Tiêm mũi 3 giảm nguy cơ tử vong cả trăm lần - Ảnh 1.

Bà Sandie Bushnur, một người trông nom bệnh viện (người đồng hành, quan sát và giám sát các bệnh nhân được chỉ định), ngồi bên giường bệnh nhân COVID-19 trong Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Apple Valley, bang California, Mỹ hôm 1-2 - Ảnh: REUTERS

CDC Mỹ: Người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ tử vong cao hơn 97 lần người tiêm mũi 3

Theo dữ liệu do giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ - bà Rochelle Walensky - cung cấp ngày 2-2, theo đó, những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn 97 lần so với những người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường.

"Tiêm đủ liều và tiêm mũi tăng cường làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do COVID-19" - bà Walensky cho biết tại cuộc họp báo của Nhóm phản ứng với COVID-19 của Nhà Trắng.

Giám đốc CDC Mỹ nêu chi tiết: "Số ca tử vong trung bình hằng tuần đối với những người không tiêm phòng trong nghiên cứu là 9,7/100.000 người, nhưng đối với nhóm đã được tiêm phòng chỉ có 0,7/100.000 người.

Điều này có nghĩa là nguy cơ tử vong do COVID-19 ở những người không tiêm phòng cao hơn 14 lần so với những người đã tiêm đủ liều. Đối với những người được tiêm mũi tăng cường, số ca tử vong trung bình hằng tuần là 0,1/100.000 người, có nghĩa là những người chưa tiêm phòng có nguy cơ tử vong cao hơn 97 lần so với những người được tiêm mũi tăng cường".

Bà Walensky cũng trình bày dữ liệu từ hệ thống giám sát COVID-NET của CDC Mỹ cho thấy 54% số người nhập viện vì COVID-19 là người trên 65 tuổi chưa được tiêm phòng. Chỉ 8% bệnh nhân nhập viện trong bộ dữ liệu này đã được tiêm đủ liều và tiêm mũi vắc xin tăng cường. "Những xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở tất cả các nhóm tuổi" - bà Walensky nói.

Bức tranh đối lập giữa Mỹ và châu Âu

Ngày 2-2, Đài CNN chạy dòng tít: "Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo đang bắt đầu bước sang trang mới của đại dịch COVID-19. Nhưng ở Mỹ, câu chuyện lại khác".

Tuần này, Áo sẽ áp dụng quy định bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 khắt khe nhất tại Liên minh châu Âu (EU), theo đó bắt buộc mọi người dân trên 18 tuổi phải tiêm vắc xin.

Trong khi đó, Ý, Hy Lạp và các nước EU khác đã đưa ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 đối với một số nhóm nhất định như người già, nhân viên y tế và người lao động.

COVID-19 thế giới 3-2: Tiêm mũi 3 giảm nguy cơ tử vong cả trăm lần - Ảnh 2.

Nhân viên tàu hỏa quét chứng chỉ COVID-19 (theo yêu cầu của luật để cho phép đi lại trên tàu hỏa) tại nhà ga Gare du Nord ở Paris, Pháp - Ảnh: RTE

Thời gian qua giới chuyên gia chờ đợi thêm nhiều dữ liệu để xem liệu các vắc xin hiện tại có hiệu quả với biến thể Omicron hay không.

Các nghiên cứu gần đây - trong đó có báo cáo được CDC Mỹ công bố hôm 1-2 - đã xác nhận vắc xin COVID-19 giúp ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong, còn các mũi tiêm tăng cường giúp tăng khả năng bảo vệ.

Chính phủ Áo giải thích mặc dù quy định bắt buộc tiêm vắc xin là một bước đi khó khăn, nhưng nó cần thiết để ngừa bệnh nặng và giúp thoát khỏi đại dịch COVID-19. "Chúng ta biết rằng tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch COVID-19 và quay trở lại cuộc sống bình thường" - Bộ trưởng liên bang Áo Karoline Edtstadler nói với Đài BBC.

Theo CNN, việc quay trở lại cuộc sống bình thường đang bắt đầu diễn ra trên khắp châu Âu.

Từ việc mở lại các nhà hàng cho đến việc nới lỏng các biện pháp cách ly và bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, một số nền kinh tế lớn nhất của khối EU đang nới lỏng các quy định về COVID-19 bất chấp số ca nhiễm cao kỷ lục, phần lớn do biến thể Omicron gây ra.

Các quan chức khối này nói rằng họ có thể làm như vậy bởi vì biến thể Omicron ít gây ra bệnh nặng và nhập viện trong bối cảnh nhiều nước đạt tỉ lệ tiêm chủng cao.

Ngày 2-2, Pháp bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, trong đó có ngừng bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, khi tình hình dịch dần ổn định. Vương quốc Anh cũng đang loại bỏ gần như tất cả biện pháp hạn chế còn lại.

Trong khi đó, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan đang dỡ bỏ các quy định chống dịch COVID-19 còn lại của họ bất chấp số ca bệnh gia tăng. Giới chức ở các quốc gia này giải thích số ca nhiễm tăng vọt không dẫn đến số ca nhập viện tăng vọt. Thủ tướng Na Uy Gahr Stoere lưu ý: "Chúng tôi được bảo vệ tốt bởi vắc xin".

Tại sao châu Âu đang dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế? - Video: TRT WORLD

Tuy nhiên, bức tranh COVID-19 trông rất khác ở Mỹ. Tại Mỹ, người ta hy vọng đợt dịch do biến thể Omicron hiện nay sẽ không gây ảnh hưởng nặng hơn so với các đợt dịch trước đây, nhưng số ca nhập viện và tử vong ngày càng nhiều đã đập tan hy vọng này.

Không giống như ở Tây Âu, theo ước tính mới nhất từ trang Our World in Data, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Mỹ đang tăng vọt. Các chuyên gia cho rằng lý do là vì không nhiều người Mỹ chịu đi tiêm phòng như ở các nước giàu khác.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện đứng thứ tư trên toàn cầu về số ca tử vong do COVID-19 tính theo đầu người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo họ đang bắt đầu chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở hầu hết các khu vực trên thế giới và kêu gọi các nước không từ bỏ nỗ lực ngăn chặn COVID-19 lây lan lúc này.

"Chúng tôi không kêu gọi bất kỳ quốc gia nào quay trở lại áp dụng lệnh phong tỏa. Nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia bảo vệ người dân của họ bằng cách sử dụng mọi công cụ trong bộ công cụ, không chỉ riêng vắc xin. Vẫn còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng đại dịch" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.

Một số thông tin đáng chú ý khác về COVID-19 thế giới:

- Ngày 2-2, Lực lượng lục quân Mỹ tuyên bố sẽ sa thải ngay lập tức những quân nhân từ chối tiêm vắc xin COVID-19. Họ khẳng định rằng sắc lệnh này đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu.

- Ngày 3-2, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cho biết nước này sẽ không mở lại hoàn toàn biên giới cho đến tháng 10-2022 trong bối cảnh xứ sở kiwi thận trọng dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe nhất thế giới.

- Trong tuyên bố ngày 2-2, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết Pháp đã qua đỉnh của đợt dịch COVID-19 thứ 5.

COVID-19 thế giới ngày 2-2: WHO khuyến cáo mở cửa chậm mà chắc COVID-19 thế giới ngày 2-2: WHO khuyến cáo mở cửa chậm mà chắc

TTO - Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết dịch ở nhiều quốc gia vẫn chưa đạt đỉnh và các nước cần nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo kiểu chậm mà chắc.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên