13/10/2003 06:55 GMT+7

Công nghiệp phần mềm VN: Chiếc áo quá rộng!

THÀNH LƯU
THÀNH LƯU

TT - Mặc dù mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2005 chắc chắn không thể đạt được, nhưng các tên tuổi như FPT, CMC, Hài Hòa, PSV, TMA... vẫn tăng trưởng mạnh về mọi mặt. Doanh số phần mềm vẫn tăng, xuất khẩu vẫn cứ tiến đều. Tuy nhiên đó chỉ là những “ngôi sao lẻ loi”...

pwpcpRai.jpgPhóng to
Các chuyên viên sản xuất phần mềm của Công ty FPT

Xuất khẩu: bài học từ công ty số 1 VN

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bàn về phần mềm VN mà không nhắc tới công ty số 1 trên lĩnh vực này là FPT. Ba năm trước, công ty này từng làm náo động giới công nghệ thông tin (CNTT) nước nhà bằng chiến dịch “Toàn cầu hóa FPT”, đặt trụ sở tại trung tâm phần mềm Ấn Độ Bangalore, thiết lập văn phòng đại diện tại thủ phủ công nghệ của Mỹ - thung lũng Silicon...

Trong chiến dịch đạt mục tiêu 500 triệu USD của cả nước, công ty này đã từng can đảm nhận lấy phần 200 triệu USD. Không giống như truyền thống đánh đâu thắng đó, FPT lần đầu tiên thú nhận sự thất bại của mình trong chiến dịch này!

Tuy nhiên, FPT vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong sáu năm liền về phát triển phần mềm. Đoạt một loạt các giải thưởng năm 2003, đáng chú ý là huy chương vàng đơn vị phần mềm hàng đầu với doanh số 82 tỉ đồng, và HCV đơn vị xuất khẩu phần mềm hàng đầu với doanh số 36 tỉ đồng. Sau ba năm chỉ tính riêng bộ phận xuất khẩu phần mềm (FSS) đã có doanh số 2,5 triệu USD. Trong đó, sáu tháng đầu năm 2003 FPT đã xuất khẩu 1 triệu USD doanh số phần mềm. Mới đây nhất là hợp đồng phát triển phần mềm điều khiển máy in cho IBM Nhật Bản.

TS Trương Gia Bình, tổng giám đốc FPT, nhận định: “Đúng là FPT đã có rất nhiều mày mò, thử nghiệm và cũng có rất nhiều thất bại nhưng tôi nghĩ nhờ đó mà đã đạt được một số kết quả. Năm nay lãi suất từ xuất khẩu đạt 1 triệu USD. Để có lãi suất như vậy, nếu chúng ta kinh doanh phần cứng phải bán được doanh số 25-30 triệu USD trong vòng 15 năm, trong khi chúng tôi chỉ mất ba năm”.

Một bài học quan trọng khác, theo FPT, sau ba năm “chinh chiến” trên thị trường xuất khẩu đó là: từ việc nghĩ mình có thể làm tất cả mọi thứ và như vậy có thể xuất khẩu được mọi thứ từ A - Z sang hợp tác làm phần việc mà mình giỏi nhất theo kiểu “nhất nghệ tinh...”.

TS Nguyễn Thành Nam, giám đốc Trung tâm xuất khẩu phần mềm, bày tỏ: “Các doanh nghiệp VN vẫn chưa nhận thức được rằng trong một phần mềm, nhất là phần mềm phức tạp, phần không do đích thân mình làm ra có thể rất lớn... Ví dụ lấy phần mềm ERP chẳng hạn, nó đang rất mốt, nhiều công ty làm, mà lại làm từ đầu nên kết quả rất giống nhau. Tất cả sản phẩm phần mềm không có gì khác nhau thì rất khó vượt được ai. Ai cũng làm từ đầu đến cuối nên không thể hợp tác được với nhau”.

Những thành công của FPT, Hài Hòa, CMC, PSV, TMA... chứng tỏ phần mềm VN vẫn đang ăn nên làm ra. Chỉ có điều đây chỉ là những “vì sao lẻ loi”, những ánh đèn nhỏ, vì vậy chưa thể tạo nên một ngọn lửa lớn của một ngành công nghiệp thật sự.

Công nghiệp phần mềm: chiếc áo quá rộng

TS Trương Gia Bình nhận định: “Thật sự mà nói, phần mềm chúng ta còn non trẻ, bản thân nền kinh tế quốc dân cũng vậy. Chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn, không thể đùng một cái là nhảy vào những sản phẩm mà người ta đã có hàng chục năm”. Còn TS Nguyễn Nhật Quang, giám đốc Công ty phần mềm Hài Hòa, cho rằng: “Chúng ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên nên với ngành công nghệ cao như phần mềm thì chuyện cung chưa đáp ứng cầu là điều dễ hiểu. Chúng ta chưa có giải pháp thật sự tốt cũng như hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực...”.

Một lý do nữa đang làm cản trở tầm hoạt động của các doanh nghiệp phần mềm là qui chế đấu thầu 88 có quá nhiều bất cập, ba năm qua vẫn chưa hề sửa đổi. Bản thân thị trường phần mềm và dịch vụ cho ngân hàng trong nước ước tính năm 2005 sẽ đạt 500 triệu USD, mà chắc chắn với kiểu đấu thầu như hiện nay, các doanh nghiệp phần mềm trong nước có cơ hội rất nhỏ, kể cả ở tư cách nhà thầu phụ. Bảy dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới hiện đại hóa hệ thống thanh toán ngân hàng trị giá trên 50 triệu USD là một ví dụ. Các yêu cầu khắt khe về tài chính, số lượng dự án đã được qui định... dường như chỉ với mục đích gạt các công ty trong nước sang một bên trong các dự án sử dụng vốn vay của nước ngoài (!).

TS Nguyễn Trọng cho biết: “Không có công ty nào đạt tiêu chuẩn đó cả, Chính phủ phải can thiệp quyết liệt với những dự án sử dụng vốn vay. Nếu cần tổ hợp các công ty có thể tham gia. Có như vậy chúng ta mới có thể thắng trên sân nhà”. Ông Đỗ Cao Bảo đề nghị: “Tốt nhất Nhà nước nên ràng buộc các dự án quốc tế phải có thầu phụ trong nước và cụ thể là bao nhiêu phần trăm”.

Thành thật mà nói, bản thân năng lực của các công ty phần mềm của ta vẫn chưa đủ để tham gia các dự án lớn. Nguồn nhân lực của ta có tinh mà chưa đa - một hạn chế để có thể phát triển phần mềm ở qui mô một ngành công nghiệp. Rồi những hành động không quyết liệt đối với nạn vi phạm bản quyền... Tất cả đã cản trở và đẩy mục tiêu phần mềm VN có thể trở thành một ngành công nghiệp then chốt, một ngành kinh tế mũi nhọn ra xa hơn.

THÀNH LƯU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên