23/01/2017 12:18 GMT+7

'Cõng' gạo nếp, dưa hành lên núi giúp bà con vui tết

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trên đỉnh Ngọc Linh (huyện Đắk Glei, Kon Tum), những người dân ở các ngôi làng Xê Đăng nằm “treo” giữa lưng chừng núi háo hức đón tết khá đặc biệt: tết do cán bộ, thầy cô giáo dưới xuôi “lội bộ”, “cõng” ngược lên núi.

Cõng hàng, quà tết lên địa điểm tổ chức - Ảnh: B.D.
Cõng hàng, quà tết lên địa điểm tổ chức - Ảnh: B.D.

Thầy Trần Nhật Lam - hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Mường Hoong (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) - cho biết hầu hết những người dân sống ở các ngôi làng xung quanh thung lũng Mường Hoong, Ngọc Linh đều là đồng bào người Xê Đăng, người Châu.

Lội bộ đưa bánh chưng lên núi

Người Xê Đăng không có Tết Nguyên đán như người Kinh mà các ngày “cử” của làng là ngày tết chính. Khi người Kinh đón tết thì ở các ngôi làng một số hộ dân cũng tổ chức theo nhưng chưa bao giờ vui như tết năm nay, thầy Lam chia sẻ thêm.

“Trường của chúng tôi đóng ở trung tâm xã. Từ trường dẫn ra con đường chính ngược lên các ngôi làng đóng ở lưng chừng núi nên mấy hôm nay ở đây lúc nào cũng đông vui. Hết đoàn này đến đoàn khác lần lượt kéo vào, mang theo bánh chưng, bánh kẹo để tổ chức tết cho bà con ngay tại làng” - thầy Lam nói.

Những ngày cuối năm, thung lũng Mường Hoong (cách trung tâm tỉnh Kon Tum khoảng 120km) ướt sũng và lạnh tê đầu ngón tay, mưa phùn và mây ôm lấy các đỉnh núi. Thời điểm này người Xê Đăng ở các ngôi làng nằm trên các đỉnh núi vào mùa “ngủ đông”, người làng ít đi rẫy.

Từ giữa tháng 12 âm lịch đến nay, thung lũng Mường Hoong và trung tâm xã Ngọc Linh bắt đầu đông vui khi các phòng ban, đơn vị, các doanh nghiệp đóng tại trung tâm huyện Đắk Glei tổ chức “nai nịt” xe cộ, huy động cán bộ dùng xe máy chở gạo, nếp, lá dong ngược tuyến đường dẫn từ quốc lộ 14 đi vào trung tâm xã Mường Hoong, Ngọc Linh để cùng dân làng Xê Đăng đón tết.

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đắk Glei Nguyễn Thanh Tùng vui vẻ trò chuyện: “Công tác ở huyện nhiều năm nhưng lần đầu tiên chúng tôi được “cõng” một cái tết đúng nghĩa lên cho bà con.

Mọi người háo hức chuẩn bị đồ, quyên góp tiền, mua gạo nếp, thịt heo, dưa hành... từ đầu tháng rồi tới ngày 14-1 cả phòng cùng nhau chạy xe máy vượt núi đi vào trung tâm xã. Từ đây cả đoàn bắt đầu hành trình lội bộ ngược lên các ngôi làng”.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Đắk Glei được phân công nhận đỡ đầu làng Tu Chiêu A, xã Mường Hoong. Đây là một trong 16 ngôi làng mà người Xê Đăng chọn nơi trú ngụ, lập làng ngay giữa lưng chừng núi.

Để “cõng tết” lên được Tu Chiêu A, cán bộ người Kinh phải... lội bộ hơn 2 giờ, men theo các con dốc dựng đứng. Đỉnh Ngọc Linh đang vào giữa mùa đông, nước từ các ngọn núi rỉ xuống làm đường nhão nhoẹt trong bùn đất, rất khó đi. Những thanh niên khỏe mạnh nhất của làng phải xuống “tiếp viện” đoàn.

Trong mưa lạnh, khi thấy các cán bộ lôi ra từ phía sau gùi nào là lá dong, thịt heo được thái thành miếng mỏng, khuôn bánh chưng, người dân phấn chấn hẳn lên...

“Đồng bào tại đây chưa bao giờ thấy bánh chưng nên chúng tôi đưa nguyên liệu lên, kèm theo bánh kẹo rồi cùng bà con tổ chức gói bánh, nấu bánh chưng ngay tại làng” - ông Tùng nói.

Qua một ngày cùng người dân đón tết ngay tại lưng chừng núi, 54 cặp bánh chưng nấu chín được trao cho 54 hộ gia đình tại làng. Cán bộ cùng quyên góp để hỗ trợ người dân mổ heo, trao quà tết cho các hộ gia đình khó khăn, tặng quần áo ấm cho các cháu nhỏ.

Món quà tết nghĩa tình

Chuyến đi của đoàn cán bộ trẻ Phòng LĐ-TB&XH Đắk Glei không phải là chuyến “cõng” tết duy nhất để đưa xuân đến với bà con Xê Đăng mà còn có hàng chục đoàn khác đến chia sẻ với bà con dưới chân núi Ngọc Linh.

Tết này các phòng ban, đơn vị và cơ sở thuộc Huyện ủy Đắk Glei tổ chức chương trình cùng đón tết với người nghèo theo chỉ đạo của huyện. Trong 112 thôn làng của Đắk Glei thì các làng của người Xê Đăng ở dọc triền núi Ngọc Linh (thuộc hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh) thuộc diện khó khăn nhất.

Làng dựng cheo leo giữa lưng chừng núi, cuộc sống người dân dường như “tự cung tự cấp”, tách biệt với xung quanh và không có cách nào khác ngoài việc đi bộ hàng tiếng đồng hồ để tiếp cận.

Sau khi cùng cán bộ gói bánh chưng ngay tại làng mình, những người dân Xê Đăng trên núi Ngọc Linh được tặng lại những chiếc bánh do mình tham gia gói - Ảnh: B.D.
Sau khi cùng cán bộ gói bánh chưng ngay tại làng mình, những người dân Xê Đăng trên núi Ngọc Linh được tặng lại những chiếc bánh do mình tham gia gói - Ảnh: B.D.

Sau chuyến đi của Phòng LĐ-TB&XH huyện, hàng chục thầy cô giáo, cán bộ của Phòng GD-ĐT, Phòng Văn hóa thông tin huyện Đắk Glei tiếp tục chất hàng gồm những lon nếp, bánh và quần áo ấm, thẳng hướng về đỉnh Ngọc Linh ở làng Kung Rang - ngôi làng cách trung tâm xã Ngọc Linh khoảng 2 giờ đi bộ.

Thầy Phạm Văn Phụ - trưởng Phòng GD-ĐT Đắk Glei - cho biết để chuẩn bị cho chuyến đi này, các thầy cô giáo, cán bộ của phòng đã đóng góp kinh phí, vận động các nguồn khác nhau.

“Chúng tôi gọi điện dặn bà con lên rừng kiếm 500 lá dong, rửa sạch, chuẩn bị xoong nồi và củi để khi đoàn tới thì gói bánh. Mỗi cán bộ giáo viên dùng xe máy của mình chở theo tổng cộng 7,5kg thịt heo mỡ, 7,5kg đậu xanh và 80kg nếp thơm.

Khi tới trung tâm xã thì gửi xe máy lại, anh em sẽ trực tiếp cõng bộ đi ngược lên núi rồi tập trung bà con tại nhà rông làng Kung Rang để gói bánh, uống rượu cần trong lúc chờ bánh chín. Sau đó tổ chức lễ phát bánh cho 75 hộ gia đình trong làng” - thầy Phụ hào hứng nói.

Ngày hội “Bánh chưng xanh”

Chương trình “cõng” tết lên các ngôi làng ở đỉnh Ngọc Linh do các phòng ban, cơ sở huyện Đắk Glei tổ chức là một trong các hoạt động ấm cúng, mang hương vị tết đến với đồng bào dân tộc thiểu số, do Tỉnh ủy Kon Tum triển khai.

Bắt đầu từ Tết Đinh Dậu, các tổ chức, cơ sở ở các địa bàn huy động cán bộ tổ chức ngày hội “Bánh chưng xanh” ngay tại các làng bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống, những nơi khó khăn, các làng biên giới. Nguồn kinh phí thực hiện do cán bộ, đảng viên đóng góp và vận động thêm từ các nguồn khác.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên