12/11/2006 07:22 GMT+7

Cơn sóng thần điện ảnh Hàn Quốc: Những bài học...

QUÝ DƯƠNG dịch
QUÝ DƯƠNG dịch

TT - Bài viết dưới đây của giáo sư Eduardo A. Morato Jr (Học viện Quản lý châu Á) trên website INQ7.net (Philippines) ngày 5-11 giải thích vì sao điện ảnh Hàn Quốc làm mưa làm gió tại châu Á trong nhiều năm qua. Góc nhìn được chiếu rọi từ một nền điện ảnh đang giãy chết...

DxhVDnrp.jpgPhóng to
Qua bộ phim Bản tình ca mùa đông (Đài KBS2 sản xuất), cặp ngôi sao Hàn Quốc Choi Ji Woo - Bae Yong Joon rất được hâm mộ tại Nhật - Ảnh: tư liệu
TT - Bài viết dưới đây của giáo sư Eduardo A. Morato Jr (Học viện Quản lý châu Á) trên website INQ7.net (Philippines) ngày 5-11 giải thích vì sao điện ảnh Hàn Quốc làm mưa làm gió tại châu Á trong nhiều năm qua. Góc nhìn được chiếu rọi từ một nền điện ảnh đang giãy chết...

Nền điện ảnh Philippines đang giãy chết. Lượng vé xem phim bán được tại thủ đô Manila sụt giảm thê thảm trong nhiều năm qua. Năm 1997, doanh thu phim nội chỉ đạt 1,2 tỉ peso, đến năm 2001 giảm còn 981 triệu peso và nay tiếp tục giảm. Các nhà chuyên môn Philippines cho hay lượng phim nội sản xuất trong năm 2006 chỉ còn 30 bộ, giảm 70 bộ so với năm 2001...

Thủ phạm dẫn tới tình trạng này chính là thuế suất cao, chất lượng phim kém, nạn sao chép lậu và sự cạnh tranh từ các loại hình giải trí khác. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất dồn điện ảnh Philippines vào chân tường chính là sự xâm lăng của “cơn sóng thần (phim) Hàn Quốc” (Korean tsunami) - không chỉ tràn ngập Manila mà còn đầy ắp tại thị trường Trung Hoa lục địa, Đài Loan, VN và nhiều nước Đông Á. Tại Hàn Quốc, lượng phim nội chiếm lĩnh thị phần trong nước mười năm qua ngày càng gia tăng. Nhờ đâu điện ảnh Hàn Quốc thành công như vậy?

Philippines và các nước châu Á học hỏi gì từ bài học điện ảnh Hàn Quốc? Yếu tố chính sách và cộng hưởng của khán giả chỉ có tác động tương đối.

Rõ ràng nếu không có nỗ lực quyết liệt của chính phủ trong việc xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh mang tầm chiến lược quốc gia và những khoản ngân sách hỗ trợ thỏa đáng, điện ảnh Hàn Quốc đã không thể làm nên bão táp. Đáng nói hơn cả là sự tham gia của các tập đoàn lớn đã làm nên những nền tảng căn cơ cho ngành công nghiệp điện ảnh xứ Hàn.

Những phương pháp quản trị doanh nghiệp chặt chẽ, kiên định định hình lâu nay trên thương trường được đem áp dụng cho quản lý và phát triển điện ảnh, đó là: kịch bản hay hơn, diễn viên xuất sắc hơn, đạo diễn giỏi hơn, kỹ thuật viên kinh nghiệm hơn và đặc biệt là phương pháp tiếp thị chuyên nghiệp hơn. điện ảnh Hàn Quốc đã bay lên từ bệ phóng đó…

Năm 1987, Hàn Quốc cho phép nhập trực tiếp phim nước ngoài. Trong một thời gian dài, cách làm này kéo lùi nền điện ảnh Hàn Quốc; năm 1991 sản xuất được 121 phim, bốn năm sau chỉ còn 65 phim. Doanh thu giảm gần 2 triệu USD.

Cùng giai đoạn này, phim nước ngoài phát hành tại Hàn Quốc tăng từ 258 bộ lên 322 bộ, chiếm lĩnh 79% thị trường xứ sở kim chi. Vào những năm tháng khó khăn đó, trong lúc các nhà phê bình đánh giá nền điện ảnh Hàn Quốc đã hết thuốc chữa thì bộ phim Sopyonje bất ngờ thành công vang dội với doanh thu chiếu rạp trên 1 triệu USD.

Lần đầu tiên, một bộ phim “made in Korea” 100% tạo nên hiện tượng về doanh thu như vậy, khiến các cơ quan chức năng sáng mắt, phải điều chỉnh lại các chính sách. Năm 1994, một nghiên cứu của chính phủ đã khẳng định điện ảnh phải trở thành một ngành công nghiệp chiến lược, đầy tiềm năng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng doanh thu từ bộ phim ăn khách Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) của Hollywood tương đương... 1,5 triệu chiếc ôtô Hyundai - một thương hiệu đầy kiêu hãnh của dân Hàn. Hàn Quốc ngay sau đó cho thành lập Cục Kỹ nghệ văn hóa và thông qua Luật khuyến khích phim điện ảnh (năm 1995) để vực dậy ngành công nghiệp giải trí này.

Các tập đoàn (chaebol) hay các nhóm công ty gia đình Hàn Quốc háo hức hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia về “trách nhiệm đưa phim Hàn Quốc ra nước ngoài”. Samsung, Hyundai và Daewoo, những “đại gia” trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, cũng bỏ tiền vào các dự án làm phim.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á vào năm 1997 và tiếp theo đó là những qui định chặt chẽ của Quĩ Tiền tệ quốc tế đã hất cẳng các tập đoàn ra khỏi môn nghệ thuật thứ bảy. Dù vậy, họ đã để lại cho ngành điện ảnh trong nước những tài sản vô hình có giá trị lớn. Năm 1997 cũng là năm đánh giá sức bật điện ảnh Hàn Quốc, mở màn bằng sự kiện bộ phim nhiều tập What is love all about tràn ngập thị trường Trung Quốc.

Hai năm sau, Luật cơ bản về khuyến khích kỹ nghệ văn hóa được ban hành; chính phủ rót 148,5 tỉ USD cho ngành này. Liên hoan phim quốc tế nở rộ tại Hàn Quốc sau đó. Trong năm 1999, bộ phim Những ngôi sao của lòng tôi “càn quét” Trung Quốc, dần lấn sang VN, Singapore, Indonesia và Philippines, tạo đà cho thành công rực rỡ của bộ phim Shiri ra đời cùng năm với 5,8 triệu người xem, qua mặt cả Titanic đang chiếu tại Hàn Quốc lúc đó...

Những bộ phim truyền hình dài tập giờ đây đã xây dựng được “hình mẫu” của nam thanh nữ tú Hàn Quốc trong lòng người xem tại khắp châu Á. Hàng triệu du khách đổ về Seoul mỗi năm để mong gặp mặt những thần tượng của họ. Doanh thu từ xuất khẩu phim lên như diều gặp gió, lượng vé bán ra hiện nay tăng 50% so với mười năm trước...

QUÝ DƯƠNG dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên