04/07/2010 07:48 GMT+7

Con đường bóng đá ở Cape Town

TRUNG NGHĨA (từ Cape Town)
TRUNG NGHĨA (từ Cape Town)

TT - “Ôi trời, tôi như sống trong không khí hội hè ở con đường Strasse des 17. Juni trước cổng Brandenburg ở Berlin!” - Klaus Gropper, một cổ động viên (CĐV) Đức ngồi ở quán kem tại khu trung tâm thành phố Cape Town, nói.

F6oUnQeI.jpgPhóng to
Nhóm múa dân tộc Xhosa biểu diễn phục vụ CĐV trên con đường bóng đá - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Xung quanh Klaus, nhiều tốp CĐV Đức đang hăm hở... chụp hình lưu niệm chung với nhóm các cô gái đến từ Argentina đội tóc giả màu xanh lơ tuyệt đẹp. Họ đang vui chơi trên con đường bóng đá độc đáo dành cho CĐV mà Cape Town là nơi duy nhất trong số mười thành phố tổ chức World Cup ở Nam Phi sở hữu.

Con đường bóng đá (hay còn gọi là Fanwalk) bắt đầu từ tòa thị chính và quảng trường lớn (Grand Parade) vốn là trái tim giữa lòng thành phố Cape Town. Tòa thị chính mang vẻ đẹp cổ kính với 350 năm tuổi và là di sản văn hóa nổi tiếng. Nơi đây chứng kiến sự kiện lịch sử khi Nelson Mandela vừa ra tù vào tháng 2-1990, ông đã đứng trên bancông ở tòa thị chính này để vẫy tay cảm ơn đám đông người dân Nam Phi đang chào đón sự khởi đầu một kỷ nguyên mới chấm dứt chế độ Apartheid.

Mùa World Cup này, tòa thị chính trở thành nơi vui chơi của người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới đổ về tụ tập tại Fanfest. Quảng trường lớn Grand Parade với màn hình 74m2 chào đón cả trăm ngàn CĐV đủ màu da. Từ Fanfest, CĐV nô nức dạo bước trên con đường bóng đá dài 2,5km kéo dài tận sân vận động Cape Town. “Thật là một trải nghiệm tuyệt vời. Bóng đá đã biến Cape Town thành tâm điểm hội hè của thế giới” - vợ chồng người Nam Phi Keith Coates tâm sự với chúng tôi.

Từ phố Waterkant qua cầu vượt đường Buitengracht để tới quảng trường nhỏ St Andrews, đâu đâu cũng có các quầy bán hàng lưu niệm, tranh ảnh, quần áo, chủ yếu là các loại trang phục, trang sức cổ vũ bóng đá dành cho các CĐV. Khu này quả là thiên đường cho CĐV mua sắm bởi không chỉ quần áo, cờ phướn và khăn choàng... mà còn có những món hàng “độc nhất vô nhị” như giày bóng đá đính bằng hạt cườm của người tộc Xhosa.

Hòa cùng đám đông đến khu Gallows Hill trên con đường bóng đá, chúng tôi đắm chìm vào những âm thanh rộn rã từ tiếng loa phát bài hát World Cup this time for Africa qua giọng hát ngọt lịm của cô ca sĩ Shakira. Bên đường, một nhóm vũ công gồm các thanh thiếu niên nam nữ mặc quần áo truyền thống của người Xhosa biểu diễn. Đám đông CĐV nán lại thưởng thức say mê rồi gửi tặng họ chút tiền lẻ. Ở một góc phố khác, một dàn kèn đồng thổi lên inh ỏi. Toàn bộ nhạc công đều mặc áo và đội nón xanh lơ cổ động cho đội tuyển của Diego Maradona...

Khi chúng tôi đến khu Underpass trước cửa sân vận động, nơi kết thúc con đường bóng đá, các CĐV đã tụ tập rất đông đảo. Trong lúc chờ tới giờ cổng sân mở cửa để vào xem trận đấu giữa Argentina và Đức, họ tổ chức ca hát, trải cờ phủ lên mặt đường, thảm cỏ, gốc cây... và bàn tán xôn xao về trận đấu. Không khí thật vui nhộn vô cùng.

Ở con đường bóng đá tại Cape Town, bóng đá đã vượt hơn một trận cầu thắng thua mà thật sự là một ngày hội văn hóa “kết nối mọi người với nhau” như lời của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nhận xét khi ông đến Nam Phi xem World Cup.

TRUNG NGHĨA (từ Cape Town)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên