30/12/2016 11:47 GMT+7

Colombia - Phượng Hoàng của Nam Mỹ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Từ một quốc gia đắm chìm trong bạo lực nội chiến suốt nửa thế kỷ, Colombia đã cho thế giới thấy rằng một khi có quyết tâm và thiện chí thì việc tạo lập hòa bình cũng không khó.

Tổng thống Juan Manuel Santos tại Oslo, Na Uy ngày 10-12 khi ông đến nhận giải Nobel Hòa bình - Ảnh: Reuters
Tổng thống Juan Manuel Santos tại Oslo, Na Uy ngày 10-12 khi ông đến nhận giải Nobel Hòa bình - Ảnh: Reuters

Nếu phải chọn lựa câu chuyện kết thúc có hậu và mang tính thành công của năm 2016, chúng tôi xin chọn lựa Thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC). 

Đó là một thỏa thuận gian nan, tưởng có lúc là bất khả thi bởi những năm tháng hận thù giữa những người cầm súng hai bên và những nạn nhân của cuộc nội chiến khiến đất nước Colombia không có cơ hội phát triển.

Thậm chí cũng vì những mất mát mà người dân Colombia đã bỏ phiếu nói không cới thỏa thuận này trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10.

Thế rồi ý chí và thiện chí chính trị đã vượt lên trên thù hận. Hai viện Quốc hội của Colombia đã thông qua thỏa thuận và nhiều biện pháp đi kèm được thực thi nhanh chóng sau đó để xóa bỏ lực lượng du kích quân FARC.

Khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2016 tại thủ đô Oslo (Na Uy) ngày 10-12 vừa qua, Tổng thống Santos cho rằng Thỏa thuận hòa bình đã đạt được ở nước ông là "hình mẫu cho các nước đang bị chiến tranh tàn phá như Syria, Yemen và Nam Sudan" - những cuộc xung đột vũ trang đang bế tắc trên thế giới. 

Colombia giờ đây đang đón nhận hỗ trợ từ thế giới. Tổng thống Santos tự tin đất nước ông sẽ nhanh chóng hồi sinh từ lửa đạn, một khi hòa bình được thiết lập hoàn toàn.

Tổng thống Juan Manuel Santos (giữa) nói chuyện với thiếu nhi Colombia và Na Uy tại sự kiện tổ chức ở Oslo, Na Uy ngày 10-12-2016. Ông Santos đến đây để nhận giải Nobel Hòa bình - Ảnh: Reuters
Tổng thống Juan Manuel Santos (giữa) nói chuyện với thiếu nhi Colombia và Na Uy tại sự kiện tổ chức ở Oslo, Na Uy ngày 10-12-2016. Ông Santos đến đây để nhận giải Nobel Hòa bình - Ảnh: Reuters

Hôm 24-11 vừa qua, Tổng thống Santos và thủ lĩnh tối cao của FARC là Rodrigo Londono (tức Timoleon Jimenez hoặc theo biệt danh "Timochenko") đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi, thay thế cho thỏa thuận lần thứ nhất bị các cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10.

Khác với thỏa thuận đạt được hồi tháng 9, Tổng thống Santos quyết định văn bản lần này không phải thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân.

Thỏa thuận này nhận được sự đáp ứng thiện chí của lực lượng FARC. Vào ngày 17-9-2016 tại El Diamante - căn cứ của lực lượng du kích Colombia, gần 500 thành viên FARC hội về tham dự Đại hội du kích lần thứ 10, lãnh đạo Timochenko đã thuyết phục đại biểu bằng tuyên bố: "Số phận của Colombia giờ nằm trong tay các đồng chí" và cuộc nội chiến hơn 50 năm qua "không có người chiến thắng lẫn người thất bại".

Các thành viên lực lượng FARC hội về tham dự Đại hội du kích lần thứ 10 tổ chức ngày 17-9-2016 tại El Diamante. Nội dung chính của Đại hội là thông qua thỏa thuận hòa bình với chính phủ - Ảnh: AFP
Các thành viên lực lượng FARC hội về tham dự Đại hội du kích lần thứ 10 tổ chức ngày 17-9-2016 tại El Diamante. Nội dung chính của Đại hội là thông qua thỏa thuận hòa bình với chính phủ - Ảnh: AFP

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 thập kỷ qua ở Colombia đã khiến 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Santos trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình với FARC, Uỷ ban Nobel Hòa bình của Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho nhà lãnh đạo này.

Tổng thống Santos đã quyết định trao số tiền thưởng trị giá khoảng 950.000 USD từ giải Nobel Hòa bình cho các nạn nhân của cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua ở nước này.

Giáo hoàng Francis (phải) tiếp Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (giữa) và cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe (trái) tại Tòa thánh Vatican ngày 16-12-2016 - Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis (phải) tiếp Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (giữa) và cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe (trái) tại Tòa thánh Vatican ngày 16-12-2016. Ông Uribe hiện là lãnh đạo phe đối lập tại Colombia, là người phản đối thỏa thuận hòa bình của chính phủ Santos - Ảnh: Reuters

Các diễn tiến cho việc thực thi thỏa thuận đang "chạy đúng đường ray" tại Colombia. FARC đã thành lập chính đảng để chính thức tham gia vào đời sống dân sự.

Ngày 28-12, Quốc hội Colombia đã thông qua luật ân xá cho các quân nhân và thành viên Lực lượng FARC. Sáng kiến này chính là bảo đảm pháp lý then chốt để hơn 7.000 thành viên FARC giã từ vũ khí và quay trở về cuộc sống thường dân mà không bị kết án về tội nổi dậy. 

Tuy nhiên, văn bản luật này nêu rõ các biện pháp ân xá, tha bổng, giảm nhẹ tội và đối xử đặc biệt này sẽ không được áp dụng cho những người phạm tội ác chiến tranh hoặc tội ác diệt chủng trong hàng ngũ của cả 2 phía. 

Vào giữa tháng 12, Bộ tư pháp Colomiba cũng đã ký lệnh khoan hồng cho 110 tay súng của FARC và có khả năng 300 người khác cũng được ân xá trong những ngày tới trước Năm mới 2017. Hiện FARC có khoảng 5.700 tay súng và khoảng 4.500 thành viên khác đang bị bắt giam. 

Giáo hoàng Francis (phải) tiếp nhận
Giáo hoàng Francis (phải) tiếp nhận "Cây bút hòa bình" làm từ vỏ đạn nội chiến ở Colombia. Đây là món quà Tổng thống Juan Manuel Santos (trái) tặng cho nhà lãnh đạo Vatican trong chuyến thăm đến đây vào ngày 16-12-2016 - Ảnh: Reuters
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên