25/06/2016 11:43 GMT+7

“Cởi trói” cho doanh nghiệp làm ăn

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Từ 1-7-2016, theo Luật doanh nghiệp, tất cả các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đều phải được quy định ở trong luật hoặc nghị định, các bộ không có quyền ban hành thông tư áp đặt ĐKKD.

Với tinh thần này, dự kiến có trên 3.000 ĐKKD tại các thông tư sẽ hết hiệu lực, chưa kể một số nghị định không cần thiết cũng được đề nghị bãi bỏ.

Và theo như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 23-6, “văn bản nào có sai sót phải sửa đổi, bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc xây dựng văn bản phải trên tinh thần “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI), cho biết trong báo cáo rà soát dày 225 trang về hàng chục dự thảo “siêu nghị định”, cơ quan này đã đưa ra hơn 310 kiến nghị, trong đó có kiến nghị bãi bỏ 75 quy định về ĐKKD do các bộ đề xuất, thậm chí bỏ cả toàn bộ một nghị định.

Chẳng hạn, nghị định quy định ĐKKD môi giới bất động sản hay dự thảo nghị định về ĐKKD mũ bảo hiểm... đã được đề nghị cần bãi bỏ bởi không cần thiết.

Tương tự, thông tư 20/2011 của Bộ Công thương cũng không hợp lý và không nên đưa vào trong nghị định về ĐKKD, bởi thông tư này yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bổ sung một loại giấy tờ không cần thiết.

Theo ông Tuấn, thông tư này đưa ra nhiều yêu cầu rất khó như muốn nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có thêm giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất kinh doanh...

Chưa hết, thông tư còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp...

Dù Bộ Công thương khẳng định đây chỉ là thủ tục hành chính, nhưng ông Đậu Anh Tuấn cho rằng bản chất quy định trên là ĐKKD bởi nó có thể loại doanh nghiệp này, cho doanh nghiệp kia làm.

“Tại nhiều cuộc họp do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã phê phán rằng những quy định này khiến hàng loạt doanh nghiệp không kinh doanh nổi, phải đóng cửa” - ông Tuấn cho biết, đồng thời thông tin thêm đã có những tín hiệu “rất đáng khích lệ” khi phần lớn kiến nghị của VCCI đều được các bộ ngành đồng ý, chấp thuận.

Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng các ĐKKD chính là việc áp đặt thêm điều kiện để hạn chế kinh doanh, trong khi không loại trừ khả năng khi soạn thảo nghị định về các ĐKKD, một số bộ ngành đã... copy các ĐKKD từ các thông tư cũ rồi đưa thẳng lên nghị định.

“Một ĐKKD cần đáp ứng 4 tiêu chí: tính cần thiết, rõ ràng, hợp lý và không chồng chéo với quy định của bộ ngành khác. Trong khi đó một số bộ ngành chỉ cần thấy “thích” là ban hành ĐKKD, không hề có cơ sở khoa học” - bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, các ĐKKD chỉ nêu chung chung phải đáp ứng “theo quy định của pháp luật” cũng không nên được ban hành, trừ khi nêu rõ theo quy định nào để tránh cách hiểu khác nhau.

Tương tự, các quy định “phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng”... cũng không đáp ứng yêu cầu, mà phải quy định rõ các tiêu chí nào để được chấp thuận...

Đặc biệt, các ĐKKD quy định muốn được kinh doanh phải đáp ứng về số năm kinh nghiệm, sở hữu diện tích kho rộng bao nhiêu... là không hợp lý.

“Tóm lại, tôi cho rằng các ĐKKD không đáp ứng đủ 4 tiêu chí trên thì không nên được đưa vào các nghị định sắp ban hành” - bà Thảo nói.

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên