18/11/2016 12:46 GMT+7

Có hẳn nghề làm giàu từ viết tin giả

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tin tức giả, tin "chế" ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ cũng như tác động lớn đến đời sống của người dùng Internet là một nghề hẳn hoi. Và kiếm bộn tiền!

Một nhà báo bình thường viết tin tức trung thực kiếm được khoảng 46.560 USD/năm, trong khi đó, những người chuyên viết tin giả cho Facebook kiếm được 120.000 USD/năm - Ảnh: Bgr
Một nhà báo bình thường viết tin tức trung thực kiếm được khoảng 46.560 USD/năm, trong khi đó, những người chuyên viết tin giả cho Facebook kiếm được 120.000 USD/năm - Ảnh: Bgr

Theo trang Marketwatch, nếu theo các phân tích của mạng cộng đồng Buzzfeed, những câu chuyện tin tức giả mạo liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua gây được ưa thích hơn hẳn so với những tin tức thật.

* Xem: Facebook và Google bị tố về tin tức giả

Động cơ phía sau chuyện này không chỉ vì chính trị. Theo Marketwatch dẫn lời một người chuyên viết tin giả, các câu chuyện không có thật đó mang lại thu nhập rất "khủng" cho những người "sáng tác" ra chúng.

"Bạn sẽ không thể biết được tôi kiếm được bao nhiêu tiền từ đó đâu. Ngay lúc này đây tôi đang kiếm được mỗi tháng 10.000 USD từ AdSense", Paul Horner, người chuyên sống bằng nghề viết tin đồn, tin "chế" đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Washington Post.

Những người ủng hộ ông Trump đã không hề kiểm chứng lại bất cứ điều gì. Họ sẽ đưa (chia sẻ) lên mạng mọi thứ, tin vào mọi thứ.

Paul Horner

Google Adsense là một dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số rất phổ biến của Google cho các website tham gia mạng lưới hiển thị quảng cáo. Theo chính sách của Google Adsense, các đơn vị truyền thông báo chí có hiển thị các nội dung quảng cáo của dịch vụ Google AdSense trên trang web của họ sẽ nhận được 68% thu nhập từ quảng cáo.

Để so sánh, một tài khoản Twitter là Mike Baker cho biết, một nhà báo bình thường viết tin tức trung thực kiếm được khoảng 46.560 USD/năm, trong khi đó, những người chuyên viết tin giả cho Facebook kiếm được 120.000 USD/năm.

Horner là tác giả một loạt các loại tin đồn khác nhau, trong đó có câu chuyện giả mạo gây bão mạng về vụ kiện giữa trang web đánh giá trực tuyến Yelp và chương trình truyền hình "South Park". Trên tài khoản Twitter, trang Yelp khẳng định thông tin này là giả mạo.

Horner cũng là người đã viết bản tin về việc những người Amish (nhóm các tín hữu Kitô giáo duy truyền thống, có liên hệ gần gũi nhưng khác biệt với các giáo hội Mennonite, mà cả hai nhóm đều chia sẻ chung nguồn gốc Anabaptist từ Thụy Sĩ) cam kết bỏ phiếu cho ông Trump.

Thông tin này đã được chính con trai ông Trump là Eric và người quản lý chiến dịch tranh cử khi đó là Corey Lewandowski đưa lại trên tài khoản Twitter của họ, mặc dù sau đó cả hai đều đã xóa đi.

* Xem: Ông Trump đề cao mạng xã hội trong chiến thắng của mình

Horner đã xác nhận với trang BuzzFeed câu chuyện về những cử tri người Amish đó cũng là giả. Người này nói: "Các trang của tôi luôn được những người ủng hộ ông Trump lựa chọn. Tôi nghĩ ông Trump vào được Nhà Trắng là nhờ tôi. Những người ủng hộ ông ấy đã không hề kiểm chứng lại bất cứ điều gì. Họ sẽ đưa lên mọi thứ, tin vào mọi thứ. Chiến dịch tranh cử của ông ấy đã đưa lại câu chuyện của tôi về một người biểu tình được trả thù lao 3.500 USD. Tôi đã bịa ra chuyện đó. Tôi tung một quảng cáo giả mạo lên trang Craiglist".

Cả Facebook và Google đầu tuần này đều nói sẽ trừng phạt những trang web tin tức giả mạo bằng cách cắt bỏ nguồn thu từ quảng cáo của họ. Facebook cũng nói sẽ cấm những trang chịu trách nhiệm trong việc phát tán tin giả không được sử dụng mạng lưới quảng cáo của họ để thu về lợi nhuận.

Tuy nhiên, Horner cho biết anh ta không hề lo ngại về những chính sách đó vì sở hữu nhiều tên khác nhau và các trang web khác nhau. Do đó nếu bị chặn ở trang này, anh ta sẽ sử dụng các trang khác vì ngay lúc này anh ta đang sở hữu tới 10 trang tin tức.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên