30/08/2017 10:10 GMT+7

Cô gái nhỏ gạt nước mắt, quyết đến trường

HÀ ĐỒNG - DOÃN HÒA - K.ANH
HÀ ĐỒNG - DOÃN HÒA - K.ANH

TTO - Nhận phiếu báo nhập học vào khoa dược của ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Cẩm Linh (khu 5, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đưa bàn thờ ông bà nội, cha mẹ sang gửi nhà người thân hương khói.

*** Error ***
Cẩm Linh rơi nước mắt, nghẹn ngào kể hoàn cảnh gia đình - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Nhìn di ảnh của ông bà, cha mẹ, nước mắt Cẩm Linh giàn giụa. Linh hứa trước vong linh của người thân sẽ quyết tâm học hành dù phía trước còn nhiều khó khăn.

Cẩm Linh nhớ lại năm 6 tuổi, khi bước vào lớp 1 vừa từ trường về, Linh thấy trong nhà mình rất đông người. Có tiếng khóc kêu tên mẹ Linh. Người thân bế thốc Linh chạy vội sang nhà bác hàng xóm để Linh không thấy hình ảnh người mẹ thân thương vừa từ giã cuộc sống vì bị tai biến sản khoa, khi mẹ Linh mang thai đứa con thứ hai.

Những ngày sau đó Linh không còn gặp mẹ nữa. Người thân âu yếm, vỗ về nói với Linh là mẹ đi công việc xa một thời gian rồi sẽ về với Linh. Nhưng sau đó, Linh cảm nhận được nỗi mất mát lớn nhất trong cuộc đời mình bởi mẹ đã đi rất xa, không bao giờ mẹ trở về với Linh nữa.

Sau đó một năm, cha của Linh suy sụp tinh thần, ốm nặng rồi đi theo mẹ Linh. 7 tuổi, Linh mang trên đầu hai vành khăn tang. Ông bà nội là người đưa Linh đi học hằng ngày. Gặp hôm mưa gió, Linh ngồi trên lưng ông nội già nua, từng bước đến trường.

Nhìn các bạn cùng trang lứa hớn hở cầm tay cha mẹ, ríu rít đòi đi ăn kem, đi chơi đu quay, Linh thấy chạnh lòng, bao lần lén lau vội nước mắt để ông bà nội không nhìn thấy.

“Thầy cô giáo và học sinh đã quyên góp, làm sổ tiết kiệm 16 triệu đồng, Đoàn trường cũng tặng 1 triệu đồng cho Linh. Mong Linh thực hiện được ước mơ của mình.

Thầy giáo Nguyễn Việt Cường (bí thư Đoàn trường THPT Lam Kinh, huyện Thọ Xuân)

Đồng lương hưu ít ỏi hằng tháng của ông bà nội chỉ đủ lo cho ba người chi tiêu tiết kiệm với những bữa cơm đạm bạc. 

Linh nói: “Suốt 11 năm sống với ông bà nội, Linh lo sợ nhất là ông bà hoặc Linh bị ốm nặng, phải đi bệnh viện vì như vậy sẽ không có tiền chi trả, ông bà lại phải vay mượn tiền. Ngày đó dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ông bà luôn động viên Linh học. Vào buổi tối, bà nội là người ngồi bên cạnh Linh bên góc học tập, chờ Linh học bài xong hai bà cháu mới đi ngủ. Ông nội luôn căn dặn Linh gắng ăn học thành người”.

Bước vào giai đoạn ôn tập để chuẩn bị thi THPT quốc gia, một nỗi đau quá lớn lại ập xuống đầu Linh khi bà nội mất đột ngột. Sau vài tháng, ông nội của Linh cũng ra đi theo bà, bỏ lại Linh bơ vơ giữa căn nhà lạnh lẽo, thiếu vắng bóng người thân.

Mỗi đêm ngồi bên bàn học ôn thi, nhớ lại lời căn dặn của ông bà nội, Linh lại quyết tâm vượt qua nỗi đau mất mát, thực hiện ước mơ bước vào cổng trường ĐH.

Vào khoa dược Trường ĐH Duy Tân, Linh được trường miễn học phí. Hôm Linh vào Đà Nẵng để nhập học, họ hàng quyên góp cho Linh được vài triệu đồng. Linh cho biết: “Sau khi nhập học xong, tìm nơi ở ổn định, mình sẽ tìm việc làm thêm, có thể làm gia sư, giúp việc gia đình theo giờ, bồi bàn...”

*** Error ***
Minh và bà ngoại đan lưới thuê kiếm tiền trước ngày làm thủ tục nhập học - Ảnh: DOÃN HÒA

Khó khăn đến mấy cũng không bỏ cuộc

Sinh ra không biết mặt cha, mẹ bỏ đi khi còn đỏ hỏn, 18 năm qua Nguyễn Thị Minh, quê khối Thân Ái, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai (Nghệ An) lớn lên bằng tình yêu thương, sự che chở của bà ngoại.

Thi đậu khoa luật kinh doanh Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Minh chưa dám nói cho bà ngoại biết vì bao nỗi lo toan: tiền đâu nhập học, chi phí đắt đỏ sao bà kham nổi, cháu đi bà ở nhà lúc trái gió trở trời đổ bệnh thì ai lo...

Ngày nhập học cận kề, Minh đành cho bà hay tin. Trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp không có vật dụng gì đáng giá trị, Minh cùng bà tranh thủ sửa lại tấm lưới đánh ghẹ cho người dân trong xóm biển kiếm thêm khoản tiền ít ỏi trước ngày ra Hà Nội.

Biết tin mình được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, Minh lạc quan: “Tôi sẽ dùng khoản tiền này lo thủ tục nhập học ban đầu. Khi việc học ổn định, tôi sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập. Dù có khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ không bỏ cuộc bởi tôi tin rằng nếu mình có ước mơ, hoài bão và cố gắng kiên trì với con đường đã chọn thì mọi trở ngại đều vượt qua được. Chỉ có việc học mới thoát được đói nghèo”.

128 suất học bổng cho tân sinh viên 4 tỉnh Bắc Trung Bộ

Sáng 30-8 tại Nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 128 tân sinh viên vượt khó học giỏi của bốn tỉnh này.

Trong đó có 117 suất học bổng trị giá 7 triệu đồng/suất và 11 suất đặc biệt trị giá 10 triệu đồng/suất. Tổng kinh phí 929 triệu đồng của Giải golf gây quỹ Tiếp sức đến trường do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, VTV 9 Đài truyền hình Việt Nam, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành cùng thực hiện.

HÀ ĐỒNG - DOÃN HÒA - K.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên