28/03/2017 13:11 GMT+7

Cô gái lập quỹ giúp sinh viên nghèo

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Văn Đinh Hồng Vũ học ở ĐH Stanford (Hoa Kỳ), có công ty khởi nghiệp riêng tại Mỹ và lập một quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo ở Việt Nam mang tên VietSeeds.

*** Error ***
Các bạn sinh viên nhận học bổng trò chuyện cùng các nhà tài trợ và cố vấn chương trình tại một buổi gặp thường niên - Ảnh: CÔNG NHẬT

Năm 2010. Khi đang tận hưởng những khoảnh khắc vui chơi xa hoa cùng bạn bè tại “thành phố không ngủ” Las Vegas (Mỹ), Văn Đinh Hồng Vũ - một bạn trẻ Việt - chợt rùng mình tự hỏi:

“Liệu bản thân có đang quá phung phí khi “đốt sạch” cả ngàn USD chỉ cho phút vui chóng vánh, số tiền có thể giúp thay đổi tương lai một con người ở quê hương?”. Câu hỏi đó chen vào cả những giấc mơ...

Từ 10 đến 200

Quay trở về ngôi trường ĐH Stanford (Hoa Kỳ), Hồng Vũ vừa tranh thủ hoàn thành cùng lúc hai chương trình thạc sĩ giáo dục và quản trị kinh doanh vừa mày mò tìm hiểu, xoay xở cách để có thể lập một quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo ở Việt Nam.

Học bổng chật vật ra đời từ năm 2011 với con số khiêm tốn là 10 suất. Hồng Vũ cùng một số người bạn ở Mỹ lẫn Việt Nam “xoay như chong chóng”, một bên lo khâu kiếm tài trợ, một bên lo việc xét hồ sơ, đi kiếm ứng viên thích hợp, đi mời chuyên gia tham gia các khóa đào tạo.

“Một điều rất quan trọng với các nhà tài trợ ở Mỹ là “sự kết nối” với người nhận học bổng, chương trình. Chẳng hạn họ muốn biết người nhận là ai, có sự tiến triển nhất định sau khi nhận học bổng hay không, cập nhật hằng tháng thông tin về học lực, việc làm thêm của sinh viên, số tiền của mình đi về đâu?” - Hồng Vũ cho biết.

Số học bổng chương trình bắt đầu nhích lên 35, 70... và năm nay con số là 200 suất. Quỹ VietSeeds cũng chính thức được cấp phép hoạt động tại VN hơn một năm trước.

Bên cạnh số tiền học bổng (4.000 USD/suất cho 4 năm học), nhóm cung cấp chương trình training (đào tạo kỹ năng mềm) và mentor (cố vấn chuyên môn một kèm một) hoàn toàn miễn phí cho những bạn trẻ được chọn.

“Trường tôi có học môn nonprofit management (quản lý các tổ chức phi chính phủ) và chương trình giúp tôi nhận ra rằng việc chỉ cho tiền sẽ không thay đổi được nhiều số phận người nhận, điều họ cần hơn là những hỗ trợ về sau" - Hồng Vũ nói.

Cái đẹp lan tỏa

Cả Hồng Vũ lẫn bạn đồng sáng lập viên VietSeeds đều có công ty khởi nghiệp riêng tại Mỹ nên quỹ thời gian của cả hai đều rất eo hẹp.

Thừa nhận cũng có lúc bản thân thấy kiệt sức vì phải ôm đồm quá nhiều thứ nhưng Hồng Vũ cho biết chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ VietSeeds.

“Các em là những hạt mầm tốt, còn chúng tôi góp phần vun xới, tưới nước. Những lúc mệt mỏi mà được thấy ánh mắt lấp lánh, nghe các em khoe thành quả thì chúng tôi như có năng lượng trở lại. Ngày nào Việt Nam còn học trò nghèo thì VietSeeds sẽ còn tồn tại.

Cũng may là rất nhiều cựu sinh viên của VietSeeds đã quay trở lại hỗ trợ miễn phí cho chương trình nên chúng tôi cũng đỡ áp lực” - Hồng Vũ cho biết.

Cái đẹp không chỉ dừng ở đó, một số bạn trẻ đã quyết định ngừng nhận học bổng (được phát theo đợt xuyên suốt 4 năm) khi chính họ tự thấy có khả năng tự lo liệu cho mình. Đơn cử như câu chuyện của cô bạn Nguyễn Thị Thu Trang (cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM).

Đến từ một làng quê nghèo, năm nhất của Thu Trang là những tháng ngày làm thêm quần quật, có khi bưng bê ở tiệc cưới từ 7h sáng đến 10h đêm. Nhưng ngay khi kiếm được công việc làm thêm với thu nhập ổn ở một công ty xuất nhập khẩu, Thu Trang đã quyết định nhường suất học bổng VietSeeds từ đầu năm hai cho đàn em.

“Có những tháng ngày sau khi ngừng nhận học bổng, tôi vẫn sống rất chật vật, nhưng có nhịn một vài bữa ăn thì tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ không được đến trường. Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định ngày nào” - cô bạn 9X hiện là chủ một công ty khởi nghiệp riêng chia sẻ.

Chị Nguyễn Xuân Trang, một mạnh thường quân, chia sẻ lý do tham gia đóng góp cho VietSeeds bốn năm qua:

“Với những quốc gia đang phát triển thì đóng góp phát triển tri thức con người là giải pháp hiệu quả nhất. Tôi chưa từng nghĩ điều mình làm là từ thiện hay hi sinh to tát, vì những điều tôi nhận về như cảm giác hạnh phúc, thoải mái và có ích cho xã hội có giá trị gấp nhiều lần”.

Bạn Hồ Thị Nhung (cựu sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM) kể bạn chưa từng nghĩ bản thân sẽ có cơ hội đặt chân đến TP.HCM hay học ở ngôi trường Ngoại thương do cha bị bệnh nên một mình mẹ còng lưng buôn bán cho ba chị em Nhung được đi học.

Nhung nhớ lại thời học phổ thông nhà chỉ cách trường 15 cây số mà một phiếu ăn 10.000 đồng bạn vẫn phải chia phần cơm làm hai bữa, huống hồ khoảng cách giữa Quảng Trị với TP.HCM quá xa xôi.

“Nhưng nhờ VietSeeds mà giấc mơ đó của tôi thành hiện thực. Không chỉ được nhận tiền, chúng tôi còn học được rất nhiều từ hai chương trình cố vấn và đào tạo chuyên môn. Ở đây tôi tìm được những “người cha”, “người mẹ” tinh thần luôn sát cánh cùng mình. Với tôi, VietSeeds là một gia đình ấm áp mà tôi sẽ luôn sẵn lòng quay về đóng góp khi cần” - Nhung tâm sự.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên