28/01/2016 10:48 GMT+7

Cô gái Đan Mạch và nỗi buồn duy mỹ

THỤC ANH
THỤC ANH

TT - The Danish girl (Cô gái Đan Mạch) - bộ phim nhận được bốn đề cử Oscar 2016 - là một câu chuyện về đề tài đồng tính, song tính và chuyển giới được thể hiện xuất sắc bằng sự quy tụ và hài hòa tất cả ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật.

Gerda - người vợ bản lĩnh chấp nhận đỡ chồng mình - Einer mà cũng là Lili - dợm từng bước trên hành trình đi tìm bản nguyên giới tính. Eddie Redmayne được đề cử Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Alicia Vikander được đề cử nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất - Ảnh: IMDB
Gerda - người vợ bản lĩnh chấp nhận giúp đỡ chồng mình - Einer mà cũng là Lili - từng bước trên hành trình đi tìm bản nguyên giới tính. - Ảnh: IMDB

1. Các nhà tạo tác The Danish girl đưa tác phẩm của mình đạt gần đến mức hoàn hảo. Các bố cục cơ bản của nhiếp ảnh được áp dụng triệt để với gam màu lạnh chủ đạo, điểm xuyết một chút tông nâu, vàng cổ điển, đem lại một châu Âu buồn, lạnh, sang trọng.

Các nhà thiết kế thời trang và tạo mẫu có những tính toán cách đánh tông, đánh khối, chọn lựa mỹ phẩm, màu son, mẫu tóc phù hợp với cấu trúc xương mặt của các diễn viên, nhất là Eddie Redmayne (vai Einer và Lili khi chuyển giới).

Về trang phục, Gerda (vợ của Einer, do Alicia Vikander thủ diễn) có phần giản dị với gam màu lạnh thì Lili thường khoác lên những bộ váy rực hơn, tính nữ hơn, như thể ngụ ý muốn bóp nghẹt thân thể bên trong.

 Eddie Redmayne trong phim.
The Danish girl ra đời ngay đúng thời những giá trị xã hội mới dần được cảm thông, chấp nhận.

Đạo diễn rất có dụng ý trong việc tạo ra nét tương đồng trong sự đối lập. Có một phân cảnh Einer trò chuyện với Gerda, người hơi ló ra bức tường, có một bức tranh vẽ Lili cạnh bên, đây là một sự sắp đặt đầy dụng ý.

Còn một phân đoạn Einer xem một cô gái điếm ưỡn ẹo và bắt chước theo từng động tác. Đạo diễn chỉnh lý hình ảnh, góc quay đẹp, những thứ trần trụi cũng nhờ thế mà nên thơ vô cùng.

Chi tiết khiến tôi chua xót nhất không phải lúc Gerda gần như van nài Lili “Tôi cần chồng tôi, tôi cần được ôm chồng tôi”, hãy trả Einer lại, hay lúc Lili đau đớn trải qua hai ca phẫu thuật, mà là lúc Einer đứng trước gương, tự đối diện với chính mình, giật tung bộ ghilê, giấu đi cơ quan sinh dục và ướm lên mình một bộ váy, trong khi Gerda ở nhà, từ trí nhớ họa lại thân thể Lili một cách đay nghiến.

Nhân vật trong phim dựa trên một người chuyển giới có thật.

2. Song, tôi không nghĩ đây là một bộ phim sâu sắc. Tôi ngưỡng mộ đạo diễn Tom Hooper vì tính cách duy mỹ của ông trong từng thước phim, kể từ The King’s speech, Les miserables. Nhưng dường như, điều đó - sự u buồn sang trọng - đã chi phối các yếu tố tạo nước mắt cho người xem.

Để thỏa mãn thị cảm của mình, tôi xem trailer nhiều đến mức thuộc từng khung hình, từng câu, nhất là thông điệp lặp đi lặp lại: “Find the courage to be yourself” (Tìm sự can đảm để được là chính mình). 

Trailer đem lại những ấn tượng mãn nhãn ngay từ đầu vì những khung hình quá đẹp, được khéo léo giũa gọt và dồn dập cùng với những câu chữ khơi gợi sự tò mò và có sức truyền đạt cảm hứng mạnh trong từng khoảnh khắc.

Vì thế, cái người xem cần ở đây không phải là nguyên nhân, không phải là kết quả, không phải là cái giá, không phải nỗi đau, vì tất cả những người chấp nhận bản thân, dũng cảm đi tìm con người thật của mình và những người thân xung quanh, trên hành trình gian nan đó mấy ai giành được hạnh phúc tròn vẹn.

 Tình cảm của Einer và Gerda

3. Điều tôi thích nhất về nội dung bộ phim là tình cảm của Einer và Gerda, hai cá thể nghệ thuật gắn bó với nhau trên tất cả phương diện tình cảm: vợ chồng, tri kỷ, bạn bè, đồng nghiệp..., và tôi cũng tin rằng đây là trọng tâm khai thác của các tác giả.

Một người vợ dũng cảm, bản lĩnh, chung thủy chấp nhận đỡ chồng mình dợm từng bước trên hành trình đi tìm bản nguyên giới tính, điều phi thường chính là ở đó. Con người ta yêu nhau, yêu tất cả những gì thuộc về nhau như thế.

Những cuộc đối thoại của Einer và Gerda không thể làm tôi thỏa mãn. Einer có thật sự yêu Gerda như anh từng nói? Tôi thấy một Einer dần ích kỷ.

Đạo diễn muốn đề cao tình cảm con người vượt qua khỏi nhu cầu thể xác và giới tính, nhưng diễn biến và lời thoại hai nhân vật dành cho nhau chưa đủ sức diễn tả ý niệm đó. Tình yêu của Einer và Gerda cao thượng và bất diệt, nhưng khi đối diện với nhau, nỗi đau của cả hai lại dâng lên và sự giằng xé nội tâm càng diễn ra mãnh liệt.

Họ nhìn vào mắt nhau, trên ngoại hình đồng nữ giới, tôi càng thấy rõ cái trêu ngươi của tạo hóa và sự trớ trêu mà số mệnh an bài. Tất cả những đoạn nhiều tâm lý ấy, đạo diễn vẫn dùng các chất liệu tạo tác xa hoa và trung thành với cá tính duy mỹ của mình.

Điều này khiến cho người xem cảm giác không thật, dàn dựng, tất nhiên trên quan điểm cá nhân là thế. Vả lại, với sự khác biệt ngôn ngữ, nhất là đại từ nhân xưng giữa Việt ngữ và Anh ngữ, việc chuyển ngữ cũng không mấy dễ dàng. Một số rạp phim thẳng tay “chị - em” trong những cuộc đối thoại nặng tâm lý giữa Lili và Gerda.

Eddie Redmayne được đề cử Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Alicia Vikander được đề cử nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất 

4. Phải khẳng định một lần nữa, quả thật, đây là bộ phim rất đẹp và nhân văn. Hình ảnh chiếc khăn quàng cổ của Lili từ trên cổ Gerda tung theo gió bay đi là một cái kết gọn, ý nghĩa. The Danish girl xứng đáng sự trông đợi của khán giả và tất cả những mỹ từ từ các nhà phê bình, cũng như xứng đáng với tràng pháo tay 10 phút ở Venice.

Nhưng cũng như các nhà phê bình ở Liên hoan phim Toronto nói Tom Hooper hơi quá sa đà vào tính sang trọng và dàn xếp bố cục khung hình. Các chất liệu múa, âm nhạc, đặc biệt là hội họa được lồng vào phim chưa được tinh tế và có phần gượng ép.

Mạch tâm lý trong phim chưa đạt đến sự nhuần nhị hoàn hảo, cũng như tâm lý của riêng từng nhân vật. Tuy nhiên, việc cảm nhận bộ phim thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu thưởng thức, cảm quan riêng của mỗi người.

*7 điều từ Cô gái Đan Mạch: ám ảnh và hoa mỹ

THỤC ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên