09/11/2016 11:00 GMT+7

Cô gái yêu và giúp trẻ tự kỷ

MAI HƯƠNG thực hiện
MAI HƯƠNG thực hiện

TTO - Lê Bảo khi còn đi học luôn bị xem là học sinh cá biệt. Cô vừa được đề cử là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 - danh hiệu dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của UBND TP.HCM.

Lê Bảo (trái) và các thành viên của CLB mỹ thuật Ếch Con của mình - Ảnh: TỰ TRUNG
Lê Bảo (trái) và các thành viên của CLB mỹ thuật Ếch Con của mình - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong số các tập thể, cá nhân được đề cử tuyên dương danh hiệu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 - danh hiệu dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của UBND TP.HCM - có cô gái trẻ tên Lê Bảo (ngụ P.Bến Thành, Q.1).

Lê Bảo quê ở Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bảo thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Học xong cao đẳng, cô tiếp tục thi và trúng tuyển, theo học tại Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Năm 2014, cô là người sáng lập và hiện là chủ nhiệm CLB mỹ thuật Ếch Con, P.Bến Thành (Q.1), thực hiện mô hình giáo dục tâm lý, tính cách, lối sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc chứng tự kỷ giúp các em hòa nhập, phát triển một cách bình thường.

CLB là lớp học năng khiếu theo khuynh hướng cởi mở, thân thiện, đón nhận tất cả trẻ em ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi cá tính, kể cả trẻ mắc chứng tự kỷ. 

CLB cũng phối hợp cùng Đoàn thanh niên P.Bến Thành (Q.1) khởi xướng hoạt động vẽ tranh về môi trường, trang trí và tạo mảng xanh cho các con hẻm, những bức tường ở khu phố.

Cô gái 29 tuổi này có cuộc đối thoại cởi mở với Tuổi Trẻ về những quan điểm về dạy - học dưới góc nhìn của một người dạy học nghiệp dư, cùng với ký ức và trải nghiệm của một học sinh mà suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường bị xem là học sinh cá biệt.

Tôi giật mình trước điều mình đã chọn

* Bạn từng thắc mắc vì sao mình chưa bao giờ được là “học trò cưng” của thầy cô?

- Có chứ. Đó từng là câu hỏi đè nặng trong lòng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Dù không ai cho tôi câu trả lời chính thức nhưng tôi mơ hồ tìm ra lý do, có lẽ bởi tôi không xinh, mặt mũi xấu, mặc quần áo xấu, học không giỏi, tính tình lại khá lì lợm.

Suốt những năm cấp II, tôi có cảm giác mình không được các giáo viên chấp nhận. Khi tôi không đi học thêm, không làm đủ bài thì thầy cô không tin nguyên nhân là do tôi phải đi làm vườn và bán trái cây phụ giúp gia đình. Trong mắt thầy cô, tôi là một đứa trẻ nói dối.

Tôi tự hỏi, tự quan sát và tự rút ra câu trả lời: Các thầy cô thường thích những học trò ngoan ngoãn, vâng lời, làm bài được điểm cao. Còn tôi lại quá ương ngạnh. Chẳng hạn như cô bày cho một cách làm văn, giải toán và bảo học thuộc lòng để mai kiểm tra thì tôi không chịu làm.

Tôi tìm một cách giải khác, một hướng làm khác. Sau này, tôi hiểu cách làm của mình cũng có lần đúng, có lần sai. Nhưng không lần nào tôi được thầy cô khuyến khích hay hướng dẫn thêm mà chỉ cho 0 điểm. Sự tự tin trong tôi dần bị tiêu diệt.

Tôi trở thành một đứa trẻ nhút nhát. Chỉ cần nghe giáo viên gọi tên đã giật bắn người, mồ hôi túa ra như tắm.

* Gọi thời đi học là những tháng năm “tăm tối”, nhưng cuối cùng bạn cũng thi đậu vào Đại học Kiến trúc TP.HCM. Vậy tại sao bạn vẫn xem mình là một học sinh thất bại?

- Tôi là một học sinh thất bại trong mắt của bạn bè và rất nhiều giáo viên của mình. Tôi thất bại trong cuộc chạy đua thành tích và điểm số, kể cả thời phổ thông cũng như đại học.

Năm thứ nhất đại học: tôi mạnh mẽ thể hiện mình, nhưng không phải mọi sự thể hiện đều được chấp nhận. Năm thứ hai tôi rơi vào khủng hoảng. Năm thứ ba tôi khủng hoảng trầm trọng. Năm thứ tư, tôi bị kéo lê với cuộc đua thành tích làm mình kiệt sức.

Tôi thấy các bạn mình bất chấp tất cả, gồng mình lên tìm kiếm, vắt óc cho ra được những thiết kế ưng ý giáo viên nhất mà chưa chắc đó là điều các bạn thật sự thích.

Chúng tôi như bị thôi miên bởi mục tiêu điểm số và điều đó khiến tôi chán nản muốn dừng lại. Tôi giật mình trước những điều mình đã chọn.

Lê Bảo (đứng) cùng các thành viên nhóm Ếch Con trong lớp học dán nhiều tranh của học sinh - Ảnh: T.TRUNG
Lê Bảo (đứng) cùng các thành viên nhóm Ếch Con trong lớp học dán nhiều tranh của học sinh - Ảnh: T.TRUNG

Danh hiệu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 do UBND TP.HCM trao tặng. Dự kiến lễ tuyên dương được TP.HCM tổ chức trong tháng 11.

Cá nhân, tập thể được tuyên dương là nhân tố mới, mô hình mới; có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng; được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao; có nhiều việc làm đời thường thầm lặng cống hiến và tự nguyện đóng góp sức lực, trí tuệ, của cải cho xã hội, cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực, được quần chúng nơi công tác, nhân dân nơi cư trú thừa nhận, tín nhiệm.

Ánh mắt là tấm gương soi rọi

* Điều đáng sợ nhất ở trường học với bạn là gì? Điểm xấu, thứ hạng thấp hay một điều gì khác?

- Tôi sợ nhất ánh mắt khinh thường, ánh nhìn giễu cợt của các giáo viên và bạn bè. Trước ánh mắt đó, mọi đứa trẻ cảm thấy chúng thật vô dụng, thật tầm thường, thật là đồ bỏ đi.

Nhiều giáo viên lại không nghĩ họ có thể làm học sinh của mình tổn thương sâu sắc chỉ vì một ánh mắt.

Ánh mắt là tấm gương soi rọi sự chân thành của mỗi con người. Tôi dám nói điều đó bởi vì sau này, khi dạy học sinh, tôi không bao giờ cho phép mình khinh thường các em - dù chỉ trong một gợn nghĩ, một tia nhìn.

Thế nên cho dù tôi có nói hàng trăm lần: “Cô không yêu con đâu”, các bé vẫn không tin điều đó. Bởi ánh mắt của tôi đã “nói” với các bé rằng tôi thương chúng.

* Nhưng chẳng lẽ cả quãng đời học sinh chỉ mang lại cho bạn điều đáng sợ và tồi tệ?

- Thật may là không phải như vậy. Tôi tìm được sự tự tin nhờ thầy dạy toán năm cấp III. Thầy không có nhiều bằng khen, không dạy ở trường nổi tiếng mà chỉ là giáo viên bình thường ở ngôi trường bán công tại Cần Thơ, có nhiều học sinh yếu kém, cá biệt, hay đánh nhau. Nhưng với tôi thầy là giáo viên tuyệt vời nhất.

Ngày đầu tiên đến lớp, thầy nói với chúng tôi rằng: “Tất cả các em đến với ngôi trường này vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi tin các em là người thông minh. Chỉ đơn giản các em chưa được hướng dẫn tốt hay chỉ do trước kia các em lơ là việc học.

Quá khứ không nên nói tới, nhưng bắt đầu từ hôm nay, các em phải khác”. Chỉ một câu nói thôi mà tôi thấy việc học của mình vẫn còn ý nghĩa.

Quan trọng là cách thầy dạy chúng tôi. Trong lớp cũng có những bạn rất cá biệt, không chịu học, thầy tức giận quát to, thậm chí mời ra khỏi lớp. Nhưng đến giờ học sau, thầy lại đối xử với các bạn ấy bình thường.

Chúng tôi dù có ngỗ nghịch, quậy phá hay lười biếng làm phiền lòng thầy cũng không bao giờ sợ bị thầy đì hay thù vặt. Ngày tôi tốt nghiệp, thầy ghi vào lưu bút của tôi rằng thầy tin tôi sẽ thành công.

Đến tận lúc đó, tôi vẫn là một học sinh rất đỗi bình thường, nhút nhát, mít ướt, chưa từng tặng thầy món quà nào, thậm chí tiền học phụ đạo môn toán thầy còn không lấy của tôi. Nhưng lời nói của thầy cứ đi theo tôi mãi.

* Tại sao bạn lại chọn nghề dạy học?

- Trong quãng thời gian bế tắc, tôi ra công viên dạy vẽ cho trẻ con. Đó là những công viên nhỏ, những khoảng trống dưới chân cầu - nơi nhiều trẻ em nghèo hay tụ tập.

Mỗi buổi chiều, khi trời nhá nhem tối và đèn điện không còn đủ chiếu sáng cho các em vẽ, tôi mới trở về. Không còn áp lực thành tích, điểm số, tôi được khóc, cười, được sống với cảm xúc của bản thân và thấy những việc mình làm có ý nghĩa.

Được sự ủng hộ của Đoàn thanh niên P.Bến Thành (Q.1), tôi thuê địa điểm mở một CLB năng khiếu dạy vẽ, dạy thiết kế thời trang. Tôi nhận dạy cả những em bé tự kỷ.

Một chữ “kiên nhẫn”

* Không phải học sinh giỏi, chưa học kỹ năng sư phạm, không được đào tạo chuyên ngành, bạn có tự tin rằng mình dạy tốt?

- Tôi dạy các bé bằng kinh nghiệm từ chính những hụt hẫng, thất vọng, tổn thương và cả thất bại của mình trong thời đi học. Những gì tôi sợ, tôi cố tránh gây ra cho các em.

Phụ huynh nói trẻ ngỗ nghịch, quậy phá hay cá tính cỡ nào tôi cũng nhận. Tôi khuyến khích các em có sự “cá biệt” của riêng mình. Tôi cũng tự học nhiều qua sách vở, tài liệu.

* Bí quyết ứng phó với học sinh cá biệt của bạn là gì?

- Chỉ một từ thôi: “kiên nhẫn”. Và tôi tâm niệm phải bằng mọi cách giúp học sinh của mình vượt qua những khó khăn. Ngày nào tôi cũng tự xem lại cách dạy, cách tiếp cận học sinh của mình và luôn tự kiểm điểm bản thân.

Khi học sinh chưa hiểu những gì mình nói, đầu tiên tôi nhìn lại chính mình để quyết tâm tìm ra cách có thể giúp các em hiệu quả hơn. Nếu thầy cô nào cũng có tâm lý sẵn sàng giúp học sinh bằng mọi giá thì mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Lúc nhỏ, tôi đọc được câu chuyện nước ngoài về một thầy giáo đã xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Ngôi trường đó, học sinh có thể muốn đến giờ nào, về giờ nào cũng được.

Mỗi phòng học là một thế giới sáng tạo không giới hạn. Một ngôi trường không có sự cấm đoán, không có định kiến và áp đặt, không có kỳ thị.

Tôi đang đặt những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ lớn đó. CLB nhỏ của tôi hiện tại, các bé được thoải mái chọn ngồi học trên bàn hoặc dưới gầm bàn, được cổ vũ khi tô chiếc lá màu tím hay màu đỏ, được tự do sáng tạo bất cứ điều gì các em muốn.

Lớp học của tôi không có học sinh dở, không có học sinh hư, không có nỗi sợ hãi và hình phạt khi làm sai.

* Bạn có kiếm được nhiều tiền từ việc dạy học không?

- Khi chọn rẽ sang hướng này, tôi đã vấp phải sự lo lắng của gia đình. Cha tôi thậm chí còn cắt chu cấp. Nhưng tôi vẫn quyết đi theo hướng mình lựa chọn. Hiện thu nhập của tôi đến từ các hợp đồng thiết kế, trang trí cửa hàng, quán cà phê.

Còn với việc dạy học, tôi đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Tôi chưa giàu nhưng không có ý định làm giàu từ nghề dạy trẻ. Chi phí phụ huynh đóng góp chủ yếu tôi dùng để mua học cụ, giấy, màu, khung tranh, các chất liệu mới để học sinh thỏa sức sáng tạo.

Mỗi học sinh đều có lòng chính trực

Hồi phổ thông, Bảo là cô bé nhút nhát, ít gần gũi hòa đồng với bạn bè. Lực học lúc đầu yếu, sau đó càng học càng tiến bộ lên, tính tình cởi mở hơn. Quả thực thành công hôm nay của Bảo, với tư cách là người thầy trực tiếp dạy em mấy năm cấp III, tôi rất vui và bất ngờ.

Học sinh cá biệt không phải em nào cũng ngang bướng, bất chấp tất cả mà ở trong các em có sự chính trực thật sự, muốn trở thành người tốt, mong được quan tâm, tôn trọng. Chỉ cần người thầy có lòng vị tha, bao dung của một người mẹ, có sự chở che, đúng mực kịp thời của một người cha sẽ khiến các em tin cậy.

Thầy AN VĂN ĐÍNH 
(nguyên giáo viên dạy toán tại Trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng, TP Cần Thơ)

MAI HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên