01/08/2017 09:41 GMT+7

Cô bé mồ côi bươn chải kiếm tiền nuôi con chữ

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Một ngày đầu tháng 8, khi những học sinh cùng trang lứa đang chuẩn bị vào lớp 11 thì Trúc Giang cũng vội vã đón chuyến xe đò từ TP.HCM về quê để nhập học. Tranh thủ nghỉ hè, em đi giữ con cho người quen ở Sài Gòn.

Hằng ngày, em Lương Thị Trúc Giang phải làm đủ thứ công việc từ xe chỉ dừa, chuốt lá dừa đến công việc cực nhọc như dầm mình dưới mương để bắt ốc kiếm tiền nuôi con chữ - Ảnh: Mậu Trường

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé, cô học trò nghèo xứ dừa Bến Tre Lương Thị Trúc Giang sống cuộc sống nghèo nàn cùng bà ngoại già yếu và một người anh chậm phát triển. Hằng ngày, em cùng ngoại phải làm đủ thứ công việc. Tất cả chỉ với mục đích kiếm đủ ngày 10.000-15.000 đồng để Trúc Giang thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học.

Mồ côi tội lắm ai ơi!

Căn nhà dột trước dột sau nằm lọt thỏm trong vườn dừa ở ấp Thới Đức, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre của bà Nguyễn Thị Đôi (69 tuổi) là nơi nương thân của Trúc Giang ngay từ nhỏ.

Bà Đôi là bà ngoại của Trúc Giang, bà cho biết vừa sinh ra Trúc Giang đã được gửi qua ở nhà ngoại để ba mẹ đi làm. Nhưng đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng không đủ trang trải, thay vì uống sữa Trúc Giang được nuôi lớn bằng những muỗng hỗn hợp cà rốt, bí đao, bột gạo do ngoại tự tay làm.

Dù không có tiền nhưng thỉnh thoảng ba mẹ vẫn về thăm em, đó là niềm an ủi duy nhất. Khi Trúc Giang lên 4 tuổi, ba em là ông Trần Văn Hải mất sau một tai nạn giao thông. Niềm đau chưa kịp nguôi ngoai thì bốn năm sau, mẹ em là Lương Thị Thúy cũng qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim trong lúc lao động, bỏ lại em - cô bé 8 tuổi, vẫn chưa thấu hết nỗi đau mất người thân, bơ vơ giữa đời.

Lương Thị Trúc Giang cùng bà ngoại chuốt lá dừa kiếm tiền cho em đi học - Ảnh: Mậu Trường

“Nhà có 1 công dừa với hơn 10 gốc nên thu nhập chẳng ăn thua. Năm rồi bị ảnh hưởng nước mặn nên tới giờ bị treo đọt. Hai vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề, ai mướn gì làm đó để nuôi nó ăn học. Ổng mất, còn mình tôi già yếu nhưng vẫn phải cố. Chỉ mong nó đừng nản chí, quyết tâm học lấy cái chữ để thay đổi số phận, giờ cực mấy tôi cũng chịu”, bà Đôi nói.

Nói là nhà nhưng thực chất giống như một túp lều thực sự. Nhà không cửa nẻo, chỉ có hàng cột bêtông được trích ra từ tiền vay ưu đãi để mua dụng cụ trữ nước ngọt năm ngoái là khá vững chãi, còn lại mái nhà là những tấm tôn cũ lợp sơ sài, vài chỗ giặm lá dừa và bạt cũ. Vách ngăn là những tấm gỗ tạp được buộc sơ sài vào nhau.

Bà Đôi cho biết căn nhà mới bị sập vào đầu năm 2017, sau khi vay được một số tiền từ chính quyền xã, bà đã cất lại để có chỗ ở cho các cháu. Ngoài Trúc Giang, hiện bà Đôi còn nuôi thêm một người cháu ngoại bị chậm phát triển trí tuệ.

Bươn chải kiếm tiền học

 

Một ngày đầu tháng 8, khi những học sinh cùng trang lứa đang chuẩn bị sách vở để bước vào lớp 11 thì Trúc Giang cũng vội vã đón chuyến xe đò từ TP.HCM về quê để nhập học.

“Tranh thủ nghỉ hè, em đi giữ con cho người quen hơn một tháng nay, cũng được một số tiền đủ mua sách vở cho năm học mới”, gặp chúng tôi, Trúc Giang khoe.

Chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức sau chuyến xe dài từ TP.HCM về Bến Tre, tranh thủ nước rút, Trúc Giang vội vã xách chậu lội bì bõm xuống mương dừa trước nhà để bắt ốc gạo, ốc pháp. Ngâm mình dưới nước hàng giờ nhưng mỗi ngày hai bà cháu chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, có khi chỉ được dăm ngàn đồng.

Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ em Trúc Giang có ý định nghỉ học - Ảnh: Mậu Trường

Những lúc nước lớn, hai bà cháu lại chuốt lá dừa để bán cho các cơ sở làm chổi, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 10.000 đồng.

“Có nhiều hôm nó đi học đường xa mà xe bị bể bánh. Trong người không có đồng bạc nên dắt bộ cả chục cây số. Về nhìn cháu mồ hôi nhễ nhại, tôi ứa nước mắt nhưng biết làm sao giờ”, bà Đôi gạt nước mắt kể.

Sau lần đó, mỗi lần được ngoại cho tiền, không nhiều - chỉ vài ngàn đến dăm ngàn đồng, em lại để dành. Gặp bữa học cả ngày, em lại đạp xe về giữa trưa để ăn cơm cùng ngoại vì ăn ngoài tốn kém. “Tiền dành được con để mua sách vở”, Trúc Giang nói.

Nghèo khó là thế nhưng trong căn nhà tồi tàn, tối om của ba bà cháu vẫn luôn tràn trề niềm hi vọng. Tự nhận mình học không xuất sắc, nhưng Trúc Giang cho biết sẽ cố gắng để trở thành một kỹ sư công nghệ thực phẩm.

Ngồi cạnh cháu ngoại, bà Đôi nói với niềm tự hào khôn xiết: “Nó thông minh và chăm học lắm. Bởi vậy, có khó khăn mấy tôi cũng quyết không để nó nghỉ ngang được”.

Bà Nguyễn Thị Lan Huyền - cán bộ ở địa phương - cho biết dù biết gia đình bà Đôi nghèo lại có người cháu chậm phát triển, nhưng ở góc độ địa phương, xã chỉ làm điểm kết nối giữa các mạnh thường quân với gia đình này. 

“Mỗi lần có mạnh thường quân, xã thường ưu tiên giới thiệu hoàn cảnh bà Đôi cho họ tới ủng hộ và động viên cháu gái bà là Lương Thị Trúc Giang tiếp tục học hành”, bà Huyền nói.

 

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên