21/01/2014 04:00 GMT+7

Chuyện từ những gia đình

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - “Bây giờ tôi đã có thêm con gái đồng hành cùng nữa rồi”- ông Đoàn Văn Nhẫn (P.Trường Thọ, Thủ Đức, TP.HCM) quàng tay cô con gái Đoàn Thị Bích Nha đang ngồi bên cạnh như một người bạn cười thật tươi khi nói về quyết định hiến thi hài cho khoa học sau khi mất của hai cha con.

Kỳ 1:Để không là cát bụi Kỳ 2: Cho sự sống nối dài

NWco2XTd.jpgPhóng to
Ông Đoàn Văn Nhẫn và con gái Đoàn Thị Bích Nha đều đăng ký hiến thi hài cho khoa học đã rất thanh thản và vui vẻ với quyết định của mình - Ảnh: N.Nga

Với ông Nhẫn, quyết định này của bản thân không khó khăn, điều khó khăn nhất là ông phải thuyết phục gia đình mình đồng ý. Gặp phải sự phản đối kiên quyết của gia đình nhưng kiên trì mấy năm trời, ông đã nhận được cái gật đầu đầy nhân từ của bà xã và điều tuyệt vời hơn là cô con gái của ông cũng theo chân cha đăng ký hiến thi hài.

Bài học của cha

“Tôi là người mê tín, tôi tin khi con người mất đi linh hồn vẫn còn đó, luật nhân quả ở đời là thứ có thật. Tôi đã từng nghĩ khi mất đi mồ yên mả đẹp thì linh hồn mới siêu thoát, nhưng bây giờ tôi nghĩ khác: khi mất đi vẫn có ích cho đời thì linh hồn mình mới thật sự thanh thản”- ông Nhẫn tâm sự.

Biết đến việc hiến thi hài cho khoa học qua một người bạn sinh hoạt cùng chi bộ đảng, ông Nhẫn nhiều lần theo người bạn này đến Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nơi người bạn đó đăng ký hiến xác, để dự lễ tri ân do thầy trò trường y tổ chức hằng năm. Ý nghĩ việc làm cao đẹp của những người đã khuất nhưng hằng ngày vẫn đem thân mình phục vụ cuộc đời khiến ông Nhẫn dần cảm thấy tư tưởng muốn mồ yên mả đẹp sau khi mất trước đây của mình dần bị lung lay. Ông quyết định đăng ký hiến thi hài cho Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào năm 2009.

Khi ông thông báo quyết định của mình, vợ con ông tròn mắt ngạc nhiên và rồi kiên quyết phản đối. Người vợ rất mực thương ông nhiều lần nhất quyết không tán thành, chỉ nói với ông ngắn gọn: “Đó là quyết định của ông, còn sau khi ông mất tôi và con mới là người quyết định”. Biết là mình gặp phải “ca khó” vì từ trước đến nay vợ con ít khi phản đối ông điều gì nhưng ông Nhẫn không bỏ cuộc. Sau nhiều lần thuyết phục vợ con bằng những câu chuyện nghe được mỗi khi đi dự lễ tri ân ở trường đại học y khoa về, cô con gái Bích Nha của ông đã đồng ý theo cha đi dự một lễ tri ân như thế. Sau khi đi về, Bích Nha thủ thỉ với cha: “Con cũng hiến thi hài giống như cha nhé”. Ông Nhẫn mỉm cười gật đầu ủng hộ con gái và biết việc thuyết phục gia đình mình đã bắt đầu có hiệu quả. “Bản thân tôi lúc đầu không tán thành ý nguyện của cha, tưởng tượng sau khi chết mình bị mổ xẻ khiến tôi rùng mình. Nhưng cuối cùng tôi đã nhận được một bài học rất sâu sắc từ cha mình: chẳng có gì làm mình thanh thản bằng việc làm có ích”- chị Bích Nha tâm sự. Bây giờ chị Bích Nha đã lập gia đình và có con gái hơn 1 tuổi. Chồng chị biết được quyết định của vợ từ thời còn con gái và tôn trọng ý nguyện của chị.

JUOZUFar.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Quang trong đám tang của vợ được tổ chức tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Ảnh chụp lại từ album của gia đình

Chung một con đường

Buổi lễ tri ân của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cuối năm 2012, một ông cụ mái tóc bạc trắng ngồi trầm ngâm ở hàng ghế đầu lắng nghe những giai điệu từ bài hát tri ân mà các sinh viên đang hát trên sân khấu. Một giọt nước chực lăn từ đôi mắt đã già nua. Đã nhiều năm nay, ông Lê Văn Quang (88 tuổi, phường Trường Thọ, Q.Thủ Đức) đều tới đây vào dịp lễ tri ân này. Không phải để nhận những bó hoa tri ân từ các sinh viên mà để được gần hơn với người bạn đời quá cố của mình, người đã hiến thi hài cho các em sinh viên nơi đây nghiên cứu và học tập. Ông đến đây lúc nào cũng thấy thanh thản khi biết có một ngày mình cũng sẽ thực hiện công việc tiếp theo người vợ đã làm: hiến thi hài cho các bác sĩ tương lai nghiên cứu.

Trong căn nhà xanh mát cây cối ở Thủ Đức, ông Quang nheo đôi mắt nhìn ra khoảng sân đầy nắng tâm sự: “Con người khi mất đi nếu còn lại linh hồn thì dù thân xác có thịt nát xương tan vẫn còn đó, sẽ thanh thản nếu biết mình làm việc tốt phải không?”. Chính quan niệm đó đã khiến ông và vợ mình cách đây 12 năm đi đến một quyết định: sẽ để linh hồn mình thanh thản khi mất đi bằng cách làm việc tốt, hiến thi hài cho y khoa nghiên cứu.

Ông và vợ, bà Phạm Thị Minh, đều là cán bộ lão thành cách mạng. Thời trẻ ông bà đã không tiếc thân mình phục vụ đất nước. Cả tuổi thanh xuân của ông gắn với những nhà tù, những đòn tra tấn dã man cho đến lúc 51 tuổi mới gặp lại người đồng chí cũ mình cảm mến từ ngày xưa. Những mất mát, đau thương được gạt về phía sau, ông bà cùng nhau lập gia đình. Hết gần một đời người họ mới tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Mặc dù hai ông bà đều bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh không thể có con nhưng bốn người con ông bà nhận nuôi ai cũng ngoan hiền, gia đình vì vậy luôn chan chứa tiếng cười. Một ngày cuối năm 2001, đôi vợ chồng già được hai cô cháu gái đều đang học y khoa tâm sự sinh viên y khoa đang rất khó khăn khi không có xác để nghiên cứu và học tập, những giờ học giải phẫu rất vất vả. Đôi vợ chồng già nhìn nhau, ông bàn với bà: “Hay mình hiến thi hài, những đứa nhỏ học chay thì sao mà giỏi được, bệnh tật khó mà được thanh toán. Khi còn trẻ vợ chồng mình chẳng tiếc thân lao vào bom đạn, giờ già rồi thì có gì đâu mà tiếc thân này”. Cùng chung ý nguyện, hôm sau ông bà dẫn nhau lên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm đơn hiến thi hài. “Lúc về nhà bà ấy còn nói không biết ai đi trước, nhưng cuối cùng cùng sẽ nằm ở một chỗ giống nhau. Vậy là thỏa nguyện, những sinh viên y khoa như hai đứa cháu của mình sẽ có cơ hội giỏi lên, cứu được nhiều người ông ạ”- ông Quang nhớ lại.

Đăng ký được bốn năm, bà mắc bệnh ung thư gan và ra đi. Tâm nguyện của bà được ông thực hiện. Thi hài của bà được đưa đến Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để sinh viên ở đây nghiên cứu. Ông vẫn đều đặn tới thăm bà mỗi tháng. “Lần nào đến đó nói chuyện với bà ấy tui đều nghĩ bà chưa mất, chỉ bị mệt nên nằm nghỉ thôi”- ông tâm sự.

Không chỉ đăng ký hiến thi hài, ông Quang hay nói chuyện với bạn bè mình về việc hiến xác. Trong chi bộ ông sinh hoạt, ông đã vận động được ba người cùng đăng ký hiến thi hài khi mất đi giống như mình. Những người bạn của ông lúc đầu đều tỏ ra ngần ngại phần vì quan niệm muốn yên thân khi mất đi, phần vì con cái phản đối, nhưng khi cùng ông đến thăm thi hài của bà trong những lễ tri ân hằng năm họ đã thay đổi suy nghĩ. Nhiều người trong số họ phải mất một thời gian dài để thuyết phục gia đình nhưng cuối cùng ai cũng được ủng hộ ý nguyện. Có lẽ bởi một điều giản dị: điều thiện dễ lay động và thuyết phục lòng người.

_______________

Kỳ tới:Thân xác này quý giá

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên