27/05/2010 04:50 GMT+7

Chuyển tiền tiết kiệm sang chứng khoán

HOÀI GIANG
HOÀI GIANG

TT - Trong khi nhiều nhà đầu tư bám sàn chứng khoán xanh mặt vì chứng khoán giảm giá, một số người lại bỏ tiền mua cổ phiếu vì giá đã khá rẻ. Họ mua bằng tiền túi, trước là hưởng cổ tức, sau là hưởng chênh lệch giá.

MSbrs19t.jpgPhóng to
Giá chứng khoán giảm mạnh do nhà đầu tư “lướt sóng” bán cổ phiếu để trả nợ, cũng là cơ hội cho nhà đầu tư bằng tiền túi - Ảnh: T.Đạm

Những người này đã chọn mua cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn lớn mà theo họ, chắc ăn hơn cổ phiếu của các công ty nhỏ.

“Khá nhiều doanh nghiệp không chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài như khủng hoảng nợ tại châu Âu hiện nay, thậm chí miễn nhiễm với sự biến động lãi suất ngân hàng do có nguồn tiền mặt dồi dào, triển vọng kinh doanh khá tốt nhưng giá cổ phiếu lại rơi về mức giá khá thấp. Đây là những cổ phiếu có nhiều tiềm năng nếu nhà đầu tư chọn mua...” - TS Thuận nói.

Hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm

Trong phiên giao dịch ngày 25-5, ông Đặng Minh Vũ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã quyết định chuyển hơn một nửa số tiền tiết kiệm sang đặt mua 10.000 cổ phiếu EIB (Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN) với mức giá 19.800 đồng/cổ phiếu. Đây là lần thứ hai ông Vũ mua chứng khoán. Đợt đầu tư đầu tiên, ông Vũ cũng mua 10.000 cổ phiếu EIB vào tháng 11-2009 với mức giá bình quân khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá cổ phiếu EIB vào thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của ông Vũ đã “lõm” một khoản không nhỏ.

Tuy nhiên, ông Vũ cho biết mình không quá băn khoăn với chuyện giảm giá của cổ phiếu này vì mua bằng tiền tiết kiệm và ngay từ đầu đã xác định là đầu tư dài hạn. “Số tiền này chủ yếu để dành cho chuyện học hành của con cái, thay vì gửi ngân hàng hưởng lãi suất thì mua cổ phiếu, trước là lãnh cổ tức, nếu giá cổ phiếu tăng thì bán...” - ông Vũ nói.

Còn ông Dương Minh Khôi (Q.3, TP.HCM) cho biết đã tạm ngưng “lướt sóng” để chuyển sang đầu tư dài hạn. Theo ông Khôi, dù số vốn không nhiều và cũng không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng ông dành 50% để đầu tư dài hạn, còn lại là “lướt sóng”.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Trong khi hàng loạt nhà đầu tư “lướt sóng” bán tống bán tháo cổ phiếu để chạy khỏi thì nhiều người thời gian qua ít bám sàn lại bỏ tiền mua chứng khoán vì giá đã khá rẻ với mục đích đầu tư dài hạn. Phần lớn những người này chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp có quy mô lớn cho chắc ăn.

Giám đốc một công ty niêm yết cho biết thời gian gần đây, người nhà của mình đã mua nhiều cổ phiếu của công ty vì giá đã giảm ngang với mức giá khi VN-Index dưới 300 điểm. Vị giám đốc này tự tin khẳng định khoản đầu tư này chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận hấp dẫn trong thời gian tới, khi thị trường phục hồi.

“Ăn ít nhưng no lâu, chiến lược đầu tư này thực tế lại khá hiệu quả...” - bà Phạm Thu Thủy (Q.Bình Tân, TP.HCM) nói. Bà Thủy cho biết vào đầu năm 2009, bà từng đầu tư vào cổ phiếu STB (Sacombank) với giá bình quân khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu với mục tiêu giữ lại 1-2 năm. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán bất ngờ phục hồi mạnh sau đó, bà Thủy đã bán toàn bộ số cổ phiếu này với giá bình quân 30.000 đồng/cổ phiếu, thu được một khoản lợi nhuận kha khá. Theo bà Thủy, khi mua cũng đã tính nếu thị trường không tăng thì cứ giữ lại hưởng cổ tức cũng xấp xỉ với lãi suất gửi tiết kiệm.

Tránh chạy theo “sóng” chứng khoán

“Nhiều nhà đầu tư chứng khoán thời gian qua có xu hướng mua vào rồi chờ bốn ngày sau bán ra thu lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng” - giám đốc bộ phận đầu tư của một công ty chứng khoán thừa nhận. Bị cuốn vào “cơn lốc” tìm kiếm lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đã vay tiền để mua chứng khoán. Khi thị trường đảo chiều, không chỉ nhà đầu tư bán cổ phiếu để chặn lỗ mà ngay các công ty chứng khoán cũng bán tháo cổ phiếu để thu hồi nợ.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng hoạt động kinh doanh của những nhà đầu tư “lướt sóng” giúp thị trường luôn sôi động. Tuy nhiên, đầu tư theo kiểu mua bán liền tay mà thị trường vẫn quen gọi là “đánh ngày T” luôn gắn liền với rủi ro. Không ít nhà đầu tư đã rơi vào cảnh mua “đỉnh” và bán “đáy” khi chạy theo “sóng” chứng khoán. Làn sóng chạy theo cổ phiếu nhỏ trước khi thị trường điều chỉnh vừa qua là một ví dụ. Hàng loạt nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mức giá “đỉnh” đã chịu lỗ 20-30% chỉ sau một tuần điều chỉnh của thị trường.

TS Nguyễn Văn Thuận (Đại học Mở TP.HCM) cho rằng khi đầu tư vào bất động sản hay gửi tiền tiết kiệm, phần lớn khách hàng đều kỳ vọng thu hồi vốn và lợi nhuận trong thời gian khá dài, từ 6-12 tháng. “Nếu nhà đầu tư chứng khoán cũng có kỳ vọng dài hạn như thế, thị trường chứng khoán sẽ ít có những biến động quá bất thường như thời gian qua...” - TS Thuận nói.

Với hàng loạt cổ phiếu của các công ty lớn đang có mức giá khá hợp lý và P/E (giá trên thu nhập cổ phiếu) năm 2010 dưới 10, theo TS Thuận, nhà đầu tư không quá lo lắng đến rủi ro của những cổ phiếu này trong dài hạn. Tuy nhiên, theo TS Thuận, việc đầu tư dài hạn phải trên cơ sở chọn lựa được những cổ phiếu thật sự tốt và nhà đầu tư ít nhiều có sự hiểu biết về doanh nghiệp.

HOÀI GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên