11/08/2017 11:02 GMT+7

Chuyên gia Mỹ: Bình Nhưỡng sẽ không dám làm liều

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang sau phát ngôn trả đũa mới nhất của Tổng thống Donald Trump. Liệu chiến tranh có khả năng xảy ra?

Người dân Nhật quan sát hình ảnh về tên lửa Triều Tiên ở Tokyo ngày 10-8 - Ảnh: REUTERS
Người dân Nhật quan sát hình ảnh về tên lửa Triều Tiên ở Tokyo ngày 10-8 - Ảnh: REUTERS

Trả lời phỏng vấn Đài ABC (Mỹ), hai chuyên gia về đối ngoại và quân sự của Mỹ - ông Steve Ganyard (cựu đại tá lính thủy đánh bộ) và Scott Snyder (Tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại), đều cho rằng ưu tiên chính của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “sự an toàn”, do đó khả năng là Bình Nhưỡng sẽ không dám “làm liều”.

Các yếu tố công nghệ

Ngoài ưu tiên trên, hiện không ai biết liệu Triều Tiên có nắm giữ công nghệ cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia Ganyard liệt kê 4 yếu tố cần thiết Bình Nhưỡng cần chuẩn bị để tiến hành cuộc tấn công: vũ khí hạt nhân, tên lửa, công nghệ giúp tên lửa quay lại khí quyển Trái đất mà không phát nổ, khả năng định vị mục tiêu.

“Ông Kim đã cho chúng ta thấy tên lửa của họ có tầm bắn vươn đến một số vùng lãnh thổ của Mỹ trong các vụ thử gần đây” - ông Ganyard công nhận.

Ngoài ra, báo báo của tình báo quân đội Mỹ trước đó đã đề cập đến khả năng Bình Nhưỡng sở hữu khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng chia sẻ kết luận này.

“Ở giai đoạn này, thậm chí với thông tin tình báo nói trên, tôi vẫn cho rằng khả năng tấn công hạt nhân của họ chưa được chứng minh, cá biệt là về công nghệ giúp tên lửa mang đầu đạn quay lại khí quyển. Vì lý do này, trước mắt nước Mỹ lục địa có thể an toàn, nhưng trong vài tháng nữa thì chưa biết” - chuyên gia Snyder nhận định.

Tuy nhiên, dù khả năng tấn công chưa được xác định, các phát ngôn của Bình Nhưỡng những ngày qua không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trên lý thuyết, một số thành phố và vùng lãnh thổ của Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, theo các chuyên gia Mỹ.

Bắn Guam cũng như bắn New York

Trong thông điệp đe dọa mới nhất, truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo nước này đang “nghiêm túc” cân nhắc kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo về phía đảo Guam - vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ - với đích nhắm chỉ cách hòn đảo chừng 30km.

Chuyên gia Ganyard bình luận hành động đó có thể bị coi là “lời tuyên chiến”, kể cả khi tên lửa không bắn trúng Guam. “Bắn đảo Guam không khác gì bắn vào thành phố New York” - ông so sánh.

Guam là nơi đặt một số căn cứ của lực lượng vũ trang Mỹ, bao gồm hải quân, không quân và tuần duyên. Hòn đảo này được trang bị Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo.

Bản đồ mô tả tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, một số đủ khả năng vươn tới các thành phố lớn của Mỹ - Ảnh: Đài ABC
Bản đồ mô tả tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, một số đủ khả năng vươn tới các thành phố lớn của Mỹ - Ảnh: Đài ABC

Chuyên gia Snyder nhận xét lời đe dọa tấn công Guam của Bình Nhưỡng khá bất thường, không giống với thói quen giữ bí mật của của họ.

Trước đây Triều Tiên từng đe dọa tấn công hạt nhân nước Mỹ, điều lạ là tại sao bây giờ họ lại leo thang đến mức này?
Chuyên gia Scott Snyder (Tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại)

Chuyện gì xảy ra nếu Anchorage, Alaska bị tấn công?

Đặt giả thiết nếu thành phố Anchorage (Alaska) hoặc bất cứ khu vực nào của nước Mỹ lục địa bị tấn công, chuyên gia Ganyard khẳng định phản ứng từ Washington sẽ là “chớp nhoáng” và “hủy diệt”.

“Mỹ sẽ ngay lập tức khai hỏa tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu đã được nhắm sẵn từ năm 1957. Chính sách của Mỹ từ thời Tổng thống Eisenhower đã là: anh vượt qua khu vực phi quân sự (trên bán đảo Triều Tiên) hoặc anh tấn công Mỹ, anh sẽ bốc hơi ngay lập tức bởi vũ khí nhiệt hạch” - ông Ganyard giải thích.

Alaska được bảo vệ bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất, tuy nhiên hệ thống này chỉ có xác suất đánh chặn thành công tên lửa tầm xa trên 50%. Có tất cả 32 hệ thống như vậy đặt ở Fort Greely, Alaska và 4 đơn vị khác ở căn cứ không quân Vandenberg ở California.

“Các hệ thống này khó bảo vệ Hawaii, nhưng chúng sẽ bảo vệ Alaska và phần lục địa. Chỉ có điều, nếu 10 quả tên lửa trút xuống cùng lúc thì chắn chắc sẽ có nhiều quả lọt qua. Hệ thống phòng thủ này vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh” - chuyên gia Ganyard cho biết.

Chuyện gì xảy ra nếu Seattle, Washington bị tấn công?

“Nếu tìm kiếm một mục tiêu gần nhất ở nước Mỹ lục địa để bắn (bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa), đó sẽ là thành phố Seattle” - chuyên gia Snyder nhận xét.

Ngoài vị trí địa lý gần với Triều Tiên, còn có một lý do quân sự khiến khả năng tấn công Seattle dễ xảy ra. Trong trường hợp Mỹ phát động tấn công Triều Tiên, bất cứ đơn vị nào được điều động từ bộ đôi căn cứ Lewis và McChord ở Washington sẽ phải đi qua Seattle.

Tấn công vào thành phố này sẽ gây khó khăn cho Quân đội Mỹ, theo ông Snyder.

Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn giữ ý kiến rằng việc thiếu công nghệ giúp tên lửa mang đầu đạn quay lại bầu khí quyển trái đất sẽ khiến Quân đội Triều Tiên khó lòng nhắm bắn các mục tiêu ở nước Mỹ lục địa.

Tấn công Nhật, Hàn cũng như tấn công Mỹ

Cả Hàn Quốc và Nhật đều nằm trong tầm bắn của vũ khí Triều Tiên trong một thời gian dài, do đó mối đe dọa này là không mới.

“Họ từ lâu đã sống chung với mối đe dọa, trong khi dân Mỹ không ở trong cảnh này nhưng có nguy cơ đối mặt với nó ngay lập tức” - chuyên gia Snyder bình luận.

“Nếu Hàn Quốc hay Nhật bị tấn công - chuyên gia Ganyard giải thích - Do Tổng thống Donald Trump bị ràng buộc bởi hiệp ước với các đồng minh, Mỹ sẽ bảo vệ họ theo đúng cách Mỹ tự bảo vệ mình”.

Làm sao để ngăn chặn chiến tranh xảy ra?

Theo các chuyên gia, yếu tố lớn nhất có thể khiến Triều Tiên do dự trước quyết định thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào, đó là họ vẫn chưa đủ khả năng. “Trước mắt, tôi không cho là họ đã sẵn sàng cho cuộc tấn công” - ông Snyder nhận xét.

Còn theo chuyên gia Ganyard, thay vì hy vọng vào sự chậm trễ của Bình Nhưỡng trong chương trình vũ khí, các phương án ngoại giao vẫn còn để giải quyết tình thế. Ông cho rằng Mỹ và các nước khác có thể tiếp tục đánh vào kinh tế Triều Tiên thông qua cấm vận.

“Chiến lược này sẽ tạo ra áp lực kinh tế đủ lớn để Bình Nhưỡng đổi ý vào một thời điểm nào đó” - ông nêu ý kiến.

“Ông Kim Jong Un đã thuộc bài học của Saddam Hussein (cựu lãnh đạo Iraq) và Muammar Gaddafi (cựu lãnh đạo Libya). Ông ta sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, do đó đến một thời điểm chúng ta có thể quay lại với chiến lược kềm hãm và đe dọa vốn rất thành công thời Chiến tranh lạnh” - chuyên gia Ganyard kết luận.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên