11/12/2016 12:38 GMT+7

Chuyện cuối tuần: Để được yêu như thời ông bà…

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu là bản hit được giới trẻ yêu thích gần đây.

Lê Thiện Hiếu (phải) gây sốt với Ông bà anh - Ảnh: tư liệu

Phần ca từ bài hát là một cuộc đối thoại về tình yêu giữa hai thế hệ - tình yêu của người ông thời “chưa có tivi”, “chưa có xe hơi”, chỉ có những “lá thư viết vội” hay “những lời ngây ngô đầu môi” và tình yêu của người cháu thời “xe máy, ôtô”, “thời Facebook, Zalo”, “chẳng nói chuyện gì với nhau, ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”.

Thời nào có sự lãng mạn của thời ấy. Nếu hiểu theo cách đó thì chàng trai trong bài hát trên mang một suy nghĩ “hơi bị già”, hay chí ít đứng về phía “thời trẻ của người già”. Nhưng câu hỏi đặt ra: tại sao giới trẻ lại yêu thích đến vậy?

Có lẽ bởi bài hát đặt người trẻ làm trung tâm để cái thông điệp chín chắn đó không phải được ban phát từ người già luôn kèm theo những bài học đạo đức, tô vẽ hoài niệm “quen thuộc và khó nghe”, mà xuất phát từ sự tự nhìn lại, tự trào của chính người trẻ. Người trẻ thấy rằng ở thời mình, những cuộc hẹn hò yêu đương đang khánh kiệt xúc cảm, sự lãng mạn.

Cảm giác về đời sống hay sự lắng nghe cảm xúc đã không còn khi tâm trí con người treo trên màn hình những chiếc điện thoại thông minh. Thế giới thu gọn trên màn hình chữ nhật nhỏ bé. Chúng ta chạm, vuốt trên màn hình cảm ứng để nắm bắt trạng thái, thông tin xung quanh nhưng đánh mất những cảm nhận trực tiếp.

Trên mạng xã hội, ca khúc này vẫn đang sốt “like và share”. Có nghĩa rằng bằng con đường công nghệ, một ca khúc tự trào về tình yêu thời công nghệ được phổ biến.

Một người mẹ nói với tôi rằng một hôm, chị phát hiện cả gia đình chị rất lâu rồi không nói chuyện với nhau trong những bữa ăn, không phải vì những bất đồng lớn lao gì giữa các thành viên, mà đơn giản vì trong khi ăn trước mặt mỗi người là một chiếc điện thoại thông minh hay iPad.

Những đứa trẻ trong gia đình ít nói chuyện với người lớn, chúng vui buồn bất chợt và có khi sa sầm mặt mày, có dấu hiệu trầm uất vì những gì diễn ra trên mạng. Những bữa ăn “cho qua bữa” diễn ra im lặng, lạnh lùng bên những màn hình liên tục báo tin nhắn, comment, like và những dòng trạng thái mới cập nhật trên bản tin.

Nhìn rộng ra, ta có thể gặp những nhóm bạn ngồi bên nhau trong quán cà phê nhưng mỗi người dán mắt vào một màn hình điện thoại thông minh. Bão táp công nghệ đang xô đổ tình thân ái và xóa đi những dấu vết biểu thị yêu thương trực tiếp mà chúng ta dành cho nhau trong đời sống.

Khi chúng ta từ bỏ bản sắc trong cuộc sống thực tế để xác lập một thứ bản sắc trên không gian mạng, theo nhà văn Nicholas Carr, đó là lúc chúng ta làm cho nền văn hóa bị hao mòn và sự phân hóa xã hội diễn ra.

Sự phân hóa trước hết có thể nhìn thấy được là những đứt gãy trong tương quan với tha nhân, kể cả những người ruột thịt, người ta yêu thương, gắn bó.

Bởi cảm giác về xung quanh thay vì là một thế giới bí mật, bao la muôn màu và đa trạng thái nay đã được “mặc định” lại bằng những icon biểu tượng, không gian thể hiện sự quan tâm hay biểu lộ thân yêu hay trân trọng không còn trực tiếp, mà gián tiếp trên những màn hình sáng.

Những cái touch (chạm) màn hình thay cho việc chạm vào thế giới, cảm nhận cuộc sống và tha nhân.

Vậy thì khi ta nhấn nút like thông điệp “Và em ơi, thời nay mệt quá đi thôi / Anh muốn tình yêu tuyệt vời như ông bà anh”, có ai đủ bản lĩnh tắt chiếc điện thoại thông minh bấy lâu vẫn cầm khư khư trên tay để thong thả bước về với cuộc sống muôn màu?

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên