12/03/2017 07:50 GMT+7

Chương trình tư vấn tuyển sinh tại Thanh Hóa sôi động từ rất sớm

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Sáng 12-3, tại trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP. Thanh Hóa, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi trẻ, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Thanh Hóa trở lại với học sinh xứ Thanh.

Các bạn học sinh tìm hiểu các thông tin tuyển sinh 2017 trước giờ khai mạc chương trình - Ảnh: Nam Trần
Các bạn học sinh tìm hiểu các thông tin tuyển sinh 2017 trước giờ khai mạc chương trình - Ảnh: Nam Trần

Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của VinGroup.

Nhiều học sinh ở khu vực xa trung tâm đã đi sớm để có mặt trước giờ khai mạc hơn 30 phút.

Trên 20 đơn vị có bàn tư vấn riêng tham gia chương trình tư vấn đã sẵn sàng từ 7g sáng.

Ngoài tài liệu liên quan tới phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, các trường cũng mang theo các sản phẩm, hình ảnh của trường để ra mắt các em học sinh. Bởi vậy mà không khí sôi động từ rất sớm.

Tuy vậy, cũng như học sinh ở nhiều khu vực khác, nhiều học sinh Thanh Hóa cũng cho biết “đến chương trình chủ yếu để tìm hiểu thêm các quy định liên quan tới kì thi, xét tuyển ĐH-CĐ”.

Một nhóm học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa cho biết các em muốn biết thêm về quy định tuyển thẳng, các chương trình liên kết quốc tế. 

Ông Trịnh Văn Tâm, phó trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT, cho biết năm nay Sở đã đề xuất để chương trình hỗ trợ xe đưa đón 100% học sinh lớp 12 của trường dân tộc nội trú tỉnh đến dự.

“Các em có đầy đủ đại diện các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và cũng tới chương trình trong những trang phục dân tộc mình. Nhiều em trong số này có lực học khá, có khả năng đỗ vào các trường ĐH nên cơ hội tìm hiểu thông tin tại chương trình là rất thiết thực cho việc chọn lựa hướng đi của các em”, ông Tâm cho biết.

Em Hà Mai Linh, một học sinh người Thái ở trường Dân tộc nội trú cho biết em muốn dự thi vào Học viện Thanh thiếu niên VN nhưng chưa hiểu nhiều về học viện này nên hy vọng đến chương trình này sẽ được giải đáp.

Còn em Lương Thị Biên, dân tộc Mường thì cho biết em có nguyện vọng học đại học nhưng hiện chưa biết sẽ dự thi trường nào, quy chế thi và xét tuyển cũng chưa nắm kĩ.

“Em muốn được trao đổi trực tiếp với các thầy, cô để có gợi ý cho sự lựa chọn”, Biên nói.

Nhiều học sinh nam đến chương trình vì mong muốn biết thêm thông tin về ngành công an, quân đội.

“Chúng em ít biết được thông tin chính xác về khối trường công an, quân đội trên các kênh thông tin khác nên muốn tới đây để được gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia đại diện cho hai  nhóm ngành này”, một học sinh cho biết.

Anh Lê Văn Trung - tỉnh uỷ viên, bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hoá phát biểu tại chương trình - Ảnh: Nam Trần
Anh Lê Văn Trung - tỉnh uỷ viên, bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hoá phát biểu tại chương trình - Ảnh: Nam Trần

Phát biểu khai mạc chương trình, anh Lê Văn Trung, tỉnh ủy viên, bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, khẳng định chương trình được tổ chức liên tục ba năm qua đã thành hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh trước ngưỡng cửa vào đời. Con đường đó có thể qua trường đại học hay trường nghề, nhưng dù là sự lựa chọn nào thì cũng đều rất có ý nghĩa với tương lai và sự thành công trong cuộc đời của mỗi thí sinh. 

Anh Trung tin tưởng các em học sinh lớp 12 sẽ nhận được những tư vấn bổ ích, thiết thực trong chọn ngành, chọn trường.

“Đây là thời điểm vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định con đường học tập và tương lai của các em, phù hợp với nguyện vọng cá nhân và nhu cầu xã hội”- anh Trung nhấn mạnh.

Các bạn học sinh thích thú với những câu hỏi và trả lời chung ngay từ những phút đầu chương trình - Ảnh: Nam Trần
Các bạn học sinh thích thú với những câu hỏi và trả lời chung ngay từ những phút đầu chương trình - Ảnh: Nam Trần

 

Thi vào trường công an có cần năng khiếu không?

Em muốn theo học trường khối ngành công an, nhưng em rất băn khoăn vì không rõ thi vào trường công an có cần năng khiếu không hay chỉ cần học tốt các môn trong tổ hợp xét tuyển?

Đại úy Quách Cao Cường, Phòng Tổ chức cán bộ, Công an Thanh Hóa, tư vấn: Việc dự tuyển vào các trường thuộc khối công an căn cứ vào các tổ hợp xét tuyển theo quy định của Bộ Công an. Tuy nhiên muốn học tập tốt và thành công sau khi ra trường, ngoài việc nỗ lực học tập, các bạn cũng cần phải rèn luyên một số kĩ năng cần thiết.

Nếu bên quân đội thường tác chiến tập thể thì ở ngành công an, một cán bộ, chiến sĩ công an nhiều khi phải tác chiến độc lập, xử lý nhanh trong nhiều tình huống nguy hiểm, phức tạp. Vì thế cần có khả năng quan sát tốt, biết phân tích tình hình, tâm lý đối tượng, có khả năng hòa nhập tốt trong các môi trường khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này có thể có được qua rèn luyện nhưng ở một số người đó là năng lực bẩm sinh.

Với những người có năng lực bẩm sinh thì việc đạt yêu cầu công việc, thành công ở các vị trí công việc sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, dù là ai thì khi bước chân vào môi trường của ngành công an cũng cần rèn luyện, không chỉ rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ mà còn có thể bảo vệ mình trong khi tác nghiệp.

TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, gỡ rối những lo âu giúp các bạn học sinh - Ảnh: Nam Trần
TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, gỡ rối những lo âu giúp các bạn học sinh - Ảnh: Nam Trần

 

Làm gì để trở thành Đại biểu Quốc hội?

Câu hỏi này được gửi lên cho ban tư vấn chương trình tại Thanh Hóa lại làm cho không khí khu tư vấn chung nóng lên.

TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên VN, chia sẻ: “Có khá nhiều câu hỏi của các em học sinh trong các  chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi trẻ chủ trì tổ chức bày tỏ băn khoăn về tình hình kinh tế xã hội, về vấn đề chính trị của  đất nước. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ không phải các bạn trẻ không quan tâm tới các vấn đề lớn của đất nước.

Mơ ước trở thành các nguyên thủ quốc gia, đại biểu Quốc hội là mơ ước chính đáng. Nếu muốn trở thành người đại biểu của nhân dân, trước hết các em hãy chọn một ngành nào đó phù hợp để nỗ lực làm việc, cống hiến và có uy tín cao với nhân dân, xã hội. Khi đó, em có thể được nhân dân bầu vào Quốc hội”.

TS Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, chia sẻ những điều cần lưu ý trong tuyển sinh 2017 - Ảnh: Nam Trần
TS Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, chia sẻ những điều cần lưu ý trong tuyển sinh 2017 - Ảnh: Nam Trần

 

Nhiều lo lắng về vấn đề “bếp núc” kì thi

Liên quan tới các quy định về kì thi và xét tuyển, khá nhiều học sinh ở Thanh Hóa đặt những câu hỏi hóc búa. “Nghe nói thi trắc nghiệm thì “ăn may” nhiều, vậy vì sao năm nay Bộ GD-ĐT lại chuyển sang thi trắc nghiệm nhiều thế?” , một học sinh  ở trường THPT Đào Duy Từ hỏi.

Cũng liên quan tới quy định thi, một học sinh của trường THPT chuyên Lam Sơn băn khoăn: “liệu các phần mềm của Bộ GD-ĐT có đảm bảo không trục trặc, nhất là tình trạng nghẽn mạng khi thí sinh đăng kí xét tuyển, tra cứu điểm thi…không?”.

TS Sái Công Hồng, phó  cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT, bị “quá tải” các câu hỏi tương tự như thế này.

TS Hồng khẳng định phần mềm phục vụ kì thi và xét tuyển sẽ đảm bảo tính chính xác, khách quan và tạo điều kiện cho các em học sinh trong việc đăng kí dự thi, đăng kí xét tuyển.

Ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB- XH chia sẻ về những điều cần biết về trường nghề với các em học sinh - Ảnh: Nam Trần
Ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB- XH chia sẻ về những điều cần biết về trường nghề với các em học sinh - Ảnh: Nam Trần

 

Độ khó - dễ của đề có ngang nhau?

Trong phần tư vấn chung cũng như phần tư vấn chuyên sâu, nhiều thí sinh từ các trường THPT của Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến sự công bằng của kỳ thi, nhất là sự cân bằng độ khó - dễ của đề thí giữa các thí sinh có mã đề khác nhau.

Một thí sinh đặt câu hỏi: “Bộ GD- ĐT có nói mức độ đề khó dễ là như nhau. Tuy nhiên, em vẫn lo rằng giả sử đề thi của em thì em làm không được, nhưng đề thi của bạn khác trong phòng em làm được thì sao? Điều đó có thiệt thòi cho những thí sinh như em khi chọn đề thi không phù hợp với kiến thức của mình hay không?”.

TS Sái Công Hồng khẳng định theo Quy chế thi THPT quốc gia, mỗi phòng thí xếp 24 thí sinh, mỗi thí sinh lại có một mã đề khác nhau với độ khó tương đương nhau. Do mỗi thí sinh một mã đề nên chắc chắn khi thí sinh đang làm bài thi của mình thì làm sao biết đề thi của bạn khác mà nhận xét đề của bạn dễ hay khó hơn?

Ngoài ra, khi đã nhận đề thi, thí sinh không có quyền đổi sang đề thi với mã đề khác. Đặc biệt, như Bộ GD-ĐT đã công bố, quy trình xây dựng đề thi năm nay khác các năm trước.

Đề thi THPT quốc gia 2017 được xây dựng từ các câu hỏi đã được chuẩn hóa. Các câu hỏi thi sẽ được thử nghiệm trên chính học sinh lớp 12 ở các vùng miền, từ vùng sâu vùng xa, vùng trung du miền núi, đến đồng bằng, từ học sinh đại trà cho đến học sinh các trường chuyên… để xác định chuẩn xác độ dễ, khó của các câu hỏi thi.

Nhiều học sinh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế, tài chính đã được các thầy cô tư vấn chuyên sâu - Ảnh: Nam Trần
Nhiều học sinh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế, tài chính đã được các thầy cô tư vấn chuyên sâu - Ảnh: Nam Trần

 

Đăng kí hai tổ hợp, mà chỉ dự thi một, thì có sao không?

Một giáo viên Trường THPT Lam Kinh đã đặt câu hỏi mà nhiều thí sinh của trường gửi gắm: “Nếu học sinh đăng ký cả hai tổ hợp mà không dự thi một tổ hợp thì có ảnh hưởng gì không? Nếu một trong hai bài thi tổ hợp có điểm liệt thì thí sinh có được xét tốt nghiệp THPT bình thường không? Trường hợp học sinh thi được một môn (trong ba môn thành phần của bài thi tổ hợp) thì đột ngột bị ốm thì giải quyết thế nào?”.

Giải đáp băn khoăn này, TS Sái Công Hồng cho biết nếu thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, nhưng một bài thi bị điểm liệt hay cuối cùng chỉ làm một bài thi, không dự thi bài còn lại thì miễn là bài thi tổ hợp lựa chọn còn lại đạt điều kiện xét tốt nghiệp thì thí sinh vẫn được xét tốt nghiệp bình thường.

Riêng trường hợp thí sinh bị ốm trong lúc làm bài thi, phải bỏ dở hai môn thi thành phần như câu hỏi đề cập thì hôi đồng thi sẽ lập biên bản và xem xét xử lý theo hướng dẫn, phụ thuộc vào tình huống cụ thể của thí sinh.

 

Nhà thi đấu sôi động với các tiết mục văn nghệ của các bạn học sinh - Ảnh: Nam Trần
Nhà thi đấu sôi động với các tiết mục văn nghệ của các bạn học sinh - Ảnh: Nam Trần
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên