02/08/2017 11:13 GMT+7

Chưa làm được 3 điều này, xin đừng triển khai VNEN

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Là giáo viên tiểu học có nhiều năm dạy chương trình VNEN, cô Phan Tuyết cho rằng mô hình này dù ưu điểm, nhưng vẫn còn những bất cập. Theo bạn đọc này, nếu chưa làm được 3 điều dưới đây, xin đừng triển khai VNEN.

Một giờ học môn văn theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường THCS Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Phan Tuyết.

"Năm học vừa qua, hàng loạt tỉnh thành đã lên tiếng nói không với VNEN sau vài năm áp dụng dạy và học theo mô hình này ở hai bậc học tiểu học và THPT trong cả nước. Trước sức ép của dư luận, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng thừa nhận thất bại của mô hình trường học với VNEN là do triển khai quá vội vàng.

Bộ đã giao trách nhiệm cho các địa phương chủ động việc triển khai mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng nhiều địa phương vẫn áp dụng dạy mà không cần phụ huynh có đồng ý hay không.

Dạy VNEN theo sách VNEN chất lượng học tập của học sinh còn tệ. Nguy hại nhất là dạy VNEN theo sách giáo khoa hiện hành mà Sở GD-ĐT Vũng Tàu đã và đang áp dụng.

Việc áp dụng dạy VNEN theo kiểu nửa nạc nửa mỡ không chỉ học sinh vất vả, lúng túng mà chính giáo viên đôi khi cũng chẳng biết phải dạy thế nào cho đạt hiệu quả.

Nhiều người chỉ nghe nói hay chỉ đọc qua một số bài viết của một số chuyên gia giáo dục mà lý thuyết giàu hơn thực tế đã bình luận loạn lên ca ngợi phương pháp dạy VNEN là tối ưu, là tiên tiến. Bởi thế họ luôn quy chụp và cho rằng việc thất bại của phương pháp này trong giáo dục là lỗi hoàn toàn từ phía giáo viên.

Nào là thầy cô tập huấn còn hời hợt, chưa hiểu rõ phương pháp dạy, trình độ giáo viên có hạn hay quy chụp cho họ do bảo thủ, do không chịu đổi mới…

Nhưng họ đâu biết được thực tế, giáo viên đã học tập ra sao, đã nỗ lực thế nào nhưng “lực bất tòng tâm” khi nền giáo dục của chúng ta còn quá nhiều bất cập. Chính điều này đã cản bước, đã làm cho mô hình mới VNEN không thể triển khai hiệu quả được.

Là giáo viên tiểu học đã có nhiều năm dạy chương trình VNEN, tôi cho rằng áp dụng dạy theo mô hình này chúng ta đã thay đổi một cách căn bản về phương pháp dạy và phương pháp học của cả thầy và trò.

Từ phương pháp dạy theo lối truyền thống thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép thì bây giờ học sinh là người chủ động tìm kiếm kiến thức theo nhiều cách như tự suy nghĩ và tương tác với bạn, với nhóm để tìm ra kiến thức trước khi cần sự trợ giúp của thầy cô… Đây chính là phương pháp dạy học tích cực mà học sinh trở thành trung tâm của các hoạt động giáo dục diễn ra trên lớp.

Ưu điểm hay là thế, mô hình dạy học vừa tiên tiến, phương pháp dạy và học vừa hiệu quả nhưng lại chưa phù hợp với giáo dục của chúng ta lúc này bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, sĩ số lớp học của chúng ta quá đông. Sĩ số lý tưởng để dạy theo phương pháp VNEN hiệu quả chỉ 15-20 học sinh/lớp (Colombia đang áp dụng). Trong khi ở nước ta, nơi ít thì 35 em/lớp nhưng nơi nhiều lên tới 60 em /lớp. Mọi người sẽ nghĩ gì với sĩ số đông như thế, lớp học sẽ phải chia thành từ 8-10 nhóm.

Một tiết học chỉ có 35-40 phút trong đó dành không ít thời gian cho hoạt động hình thức như ổn định lớp, các nhóm báo cáo hoạt động học ở nhà, nhận xét tuyên dương cá nhân, nhóm làm tốt và chưa tốt, chia sẻ những điều đã học được sau một tiết… thì còn bao nhiêu phút cho hoạt động dạy và học?

Thứ hai, tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp trong từng lớp không ít (đây là hậu quả của bao năm vì chỉ tiêu không ít trường đã lùa học sinh lên lớp), những học sinh quá yếu các em sẽ học thế nào? Sẽ tương tác với bạn ra sao? Hay chỉ biết ngồi chơi để hưởng “thành quả” của các bạn trong nhóm? Và như thế học sinh đã yếu ngày càng yếu hơn là điều dễ hiểu.

Thứ ba, nội dung kiến thức trong sách giáo khoa ở các lớp học của chúng ta được nhiều người đánh giá là quá nặng, không ít nội dung mang tính hàn lâm, thiếu tính thực tế thì việc bắt các em tự tìm hiểu trong vài phút cho một yêu cầu là điều không tưởng.

Hãy nghe nhận xét về mô hình VNEN của một độc giả rất am hiểu về mô hình này: “Mô hình này đã được áp dụng thành công ở Colombia, nơi vùng xa lượng học sinh không đủ để mở ra một lớp. Vì lẽ đó người ta xây dựng ra những nhóm nhỏ học sinh cùng trình độ để dạy.

Mô hình này chỉ giúp học sinh nắm những kiến thức căn bản và đem ứng dụng trong cuộc sống cụ thể là trồng cà phê và đa số không tiến lên được các bậc học cao hơn (không có học sinh vào cao đẳng hay đại học).

Ở VN ngoài vùng sâu vùng xa thì ở thành thị lớp học có sĩ số rất cao, các học sinh đều cùng nhóm trình độ nên thực hiện mô hình này là điều hết sức vô lý. Bên cạnh đó, việc thiết kế bàn học tréo ngoe làm học sinh luôn phải ngồi và ngoái cổ ở những tư thế hết sức phi khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và cột sống sẽ là điều không tránh khỏi”.

Vì những lẽ đó, muốn thực hiện thành công mô hình trường học mới VNEN, ngành giáo dục của chúng ta phải xóa bỏ ngay những bất cập mà bài viết vừa đề cập ở trên".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên