17/04/2017 15:44 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý nợ xấu là vấn đề bức bách

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chính phủ kiến nghị bổ sung nghị quyết về xử lý nợ xấu vào chương trình kỳ họp giữa năm của Quốc hội. Dù chưa nhận được hồ sơ, tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đồng tình kiến nghị này vì đây là vấn đề bức bách.

Chủ tịch Quốc hội đồng ý bổ sung Nghị quyết về xử lý nợ xấu vào chương trình nghị sự của Quốc hội vì cho rằng đây là vấn đề bức bách - Ảnh: Cổng TTQH
Chủ tịch Quốc hội đồng ý bổ sung Nghị quyết về xử lý nợ xấu vào chương trình nghị sự của Quốc hội vì cho rằng đây là vấn đề bức bách - Ảnh: Cổng TTQH

Tại phiên họp chiều nay, 17-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ khẩn trương trình dự thảo nghị quyết ngay tuần này để kịp xem xét.

Theo dự kiến được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc ngày 22-5 và diễn ra trong khoảng một tháng.

Chính phủ đề nghị bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, bao gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các cơ quan của Quốc hội chưa nhận được hồ sơ, tờ trình, dự thảo nào trong số ba nội dung trên. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng một trong những vấn đề bức bách nhất của nền kinh tế hiện nay là xử lý nợ xấu, đây là “cục máu đông” của nền kinh tế, đề nghị Quốc hội xem xét. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý đây là vấn đề hệ trọng nên phải làm rất kỹ, đồng ý thông qua một kỳ họp nhưng phải trần đi trần lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung hai nội dung khác, bao gồm nghị quyết phê chuẩn hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa VN và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa VN và Lào.

Bốn dự án luật, bao gồm Luật về hội; Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện, đã được đồng ý cho rút ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội.

Quốc hội dành ba ngày để chất vấn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tăng thêm nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, so với các kỳ họp trước. Như vậy, tổng thời gian cho hoạt động này sẽ là trọn ba ngày.

“Tăng thời gian nhưng không tăng nội dung chất vấn” - phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết. Điều này có nghĩa là đại biểu sẽ có nhiều thời gian hơn để làm rõ những vấn đề mình quan tâm.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên