29/06/2017 16:46 GMT+7

​Chủ động phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, chúng tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản nên được gọi là viêm não Nhật Bản.

Đường lây truyền của bệnh viêm não Nhật Bản

Vi rút viêm não Nhật Bản khu trú trong heo và chim…, muỗi là vật trung gian truyền bệnh (có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Culex. tritaeniorhynchus và Culex. vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng).

Muỗi đốt vật chủ (heo, chim…) mang vi rút sau đó lại đốt người và sẽ truyền bệnh sang cho người. Tỷ lệ heo bị nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn heo nuôi) và phạm vi heo nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi heo, vì vậy khi có dịch, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao). Vi rút viêm não Nhật Bản tồn tại quanh năm nhưng lây truyền mạnh nhất sang người vào mùa hè do đây là thời điểm muỗi sinh sôi và phát triển mạnh.

Ai có nguy cơ bị mắc bệnh?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.

Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản

- Sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể: thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày, có khi tới 14 ngày. Thời kỳ khởi phát, người bệnh có những triệu chứng như sốt cao 39 – 40 độ C kèm theo đau đầu nhất là ở vùng trán, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Thời kỳ toàn phát, người bệnh bị gây cứng gáy, tăng trương lực cơ, mất dần ý thức, ảo giác, có thể bị liệt chi hoặc hôn mê…

- Biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản: viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao (10-20%). Bệnh để lại di chứng nặng nề về thần kinh, vận động (Parkinson, động kinh, liệt…)

Cần làm gì để phòng bệnh viêm não Nhật Bản?

Tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi được tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm chủng đủ 3 liều: mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi 2 sau đó 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: mũi 1: càng sớm càng tốt; mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bên cạnh đó, vì muỗi là con vật trung gian truyền bệnh nên để phòng bệnh cần diệt muỗi, diệt lăng quăng và chống muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; sử dụng các biện pháp diệt muỗi và diệt lăng quăng; cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ mùng kể cả ban ngày. Một số loại thuốc bôi da có tác dụng chống muỗi đốt hiệu quả và an toàn, trẻ hoàn toàn có thể sử dụng.

Ở khu vực nông thôn, các hộ dân thường chăn nuôi heo, nuôi chim, tạo điều kiện cho vi rút có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đặc điểm của vi rút này là bị diệt ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa diệt trùng, do đó các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở theo khuyến cáo của ngành thú y.

Tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ (chiếm 5 - 10%). Một số có thể có phản ứng toàn thân: sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi.

Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp ở mũi tiêm thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở mũi tiêm thứ 1. Một tỷ lệ cực nhỏ (1 trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.

Phản ứng phụ sẽ được hạn chế nếu thực hiện các mũi tiêm đúng thời gian, liều lượng, đường tiêm và việc khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm thực hiện tốt, theo dõi trẻ sau khi tiêm trong vòng 30 phút theo quy định về an toàn tiêm chủng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên